Tiếng rao quen thuộc vẫn ngày bốn bận đi, về con hẻm, ở đó – xóm bắp có hơn 20 gia đình với những mảnh đời tha hương mưu sinh bằng nghề bán bắp nấu.
Trở về căn phòng trọ nằm trong xóm bắp (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) khi một ngày mới đã bắt đầu. Người mỏi mệt, vì thế mà vòng bánh xe cũng lăn chậm chạp. Dọn vài thứ đồ đạc lỉnh kỉnh trên chiếc xe đạp, họ chỉ còn vài giờ để ngả lưng chợp mắt lấy sức cho ngày mới.
Những mảnh đời cơ cực
Anh Lê Bảo Tuấn (43 tuổi, quê Thái Thụy, Thái Bình) bảo, lúc trước buôn bán được, ngày chỉ đi bán từ 10-12 tiếng đồng hồ, còn bây giờ phải đi bán nhiều hơn mới may kiếm đủ tiền nhà, tiền chợ.
Vợ chồng anh Tuấn là một trong hơn 20 gia đình mưu sinh bằng nghề bán bắp nấu thuê trọ tại xóm bắp nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè). Hỏi con hẻm thì chẳng mấy ai biết nhưng hỏi xóm bắp, hay “hẻm bắp” thì hầu như ai cũng rành. Ngày 4 lượt, những chiếc xe đạp, xe máy đèo giỏ bắp rời con hẻm, rong ruổi khắp mọi ngả đường rồi trở về. Tiếng rao của họ khi xe bắp rời nhà trọ cũng là chiếc đồng hồ của người dân trong xóm.
Anh Tuấn cho biết, xóm bắp ra đời ở đây từ thời điểm rộ tin đồn nấu bắp bằng pin ắc quy. Lúc đó, cả xóm ở Q.Tân Phú không ai bán được 30 trái/ ngày vì tin đồn ấy. Ngày nào cũng vậy, riết lỗ vốn, không tiền trả tiền nhà… anh em dạt mỗi người một nơi. “Vợ chồng mình về đây thuê nhà. Cũng may được ông chủ thương cho mượn tạm khoảnh sân để làm bếp. Sau này ông chủ cất thêm dãy nhà trọ, mình giới thiệu anh em về ở cho vui và xóm bắp lại hình thành”.
Anh Tuấn vớt bắp từ nồi cho vào giỏ chuẩn bị đi bán |
Cả xóm bắp chẳng phòng trọ nào có diện tích quá 15m2. Căn lớn nhất cũng chỉ tròm trèm 12m2, dựng hai chiếc xe đạp và bao bắp cũng đã hết chỗ. Bên trong căn phòng trọ ấy là những mảnh đời cơ cực, bần hàn. Chiếc nệm lò xo cũ ố vàng chỉ có thể ngả xuống khi ngủ, chiếc chiếu đáng phải bỏ đi trải lên trên thay tấm drap. Chị Thùy, người đồng hương của anh Tuấn tình thiệt: “Người ta bỏ ngoài đường, thấy còn xài được nên đem về”. Cuối dãy trọ là người mới được chuyển đến, phòng duy nhất người thuê mưu sinh bằng nghề bán trái cây dạo, cũng chẳng phải người đồng hương của xóm. “Thấy buôn bán bây giờ cũng bấp bênh quá, tui lấy bằng giá phòng với những người bán bắp”, ông Tư Sửu, chủ nhà trọ cho hay.
Do đặc thù công việc mưu sinh, người bán bắp không đặt nặng chỗ ở thế nào mà quan trọng nhất là ở đó có thể dựng tạm một cái bếp để nấu bắp. Có thể cũng nhờ cái bếp củi nhà quê nơi phố thị luôn đỏ lửa ấy mà tình cảm của những người con xa xứ luôn thắm đượm, nghèo khó có nhau.
Vắt kiệt sức mưu sinh
Nhịp sống vẫn cứ quay đều, họ rời khỏi con hẻm với giỏ bắp thơm nức và trở về căn phòng trọ khi trời rạng sáng. Uể oải, ê chề là cảm giác chung của những con người lấy đêm làm ngày, vắt kiệt sức mưu sinh. “Riết rồi cũng quen, hôm nào nghỉ bán ngủ sớm cũng đâu dễ”, chị Thùy nói. Anh Tuấn nhẩm tính: Ngày 24 tiếng, trong đó đi lấy hàng (bắp) mất 1,5 tiếng; nấu bắp khoảng 3 tiếng, đi bán từ 10-12 tiếng, chỉ còn vài giờ cho ăn uống và nghỉ ngơi.
Anh Tuấn nhẩm tính: Ngày 24 tiếng, trong đó đi lấy hàng (bắp) mất 1,5 tiếng; nấu bắp khoảng 3 tiếng, đi bán từ 10-12 tiếng, chỉ còn vài giờ cho ăn uống và nghỉ ngơi. |
Những hôm bán ế, cả nhà phải ăn bắp trừ bữa. “Mình bán buôn đàng hoàng, đâu dám bỏ hóa chất giữ không ôi thiu nên để qua đêm là hỏng liền, bán không hết là phải ăn thay cơm”, chị Hoài vợ anh Tuấn thông tin. Bán buôn phụ thuộc vào yếu tố may rủi, vì thế bữa cơm chiều của hầu hết cư dân xóm bắp cũng không được chuẩn bị trước. “Bữa sáng thường bắt đầu lúc 10 giờ, dùng cơm là chính. Bán được thì mới dám lo cho bữa chiều, không thì dùng tạm bắp cho qua bữa để cân đối chi tiêu”, chị Thùy cho biết.
Điểm bán không đâu khác là ở các khu dân cư, quán nhậu vỉa hè. Không ít lần rảo trong khu phố, không may gặp người khó tính, bị xua đuổi vì “tiếng rao làm chó sủa inh ỏi, bị kết tội làm mất an ninh trật tự”. Ngày mưa, bắp lại bán được hơn bao giờ hết. Chỉ với chiếc áo mưa “dã chiến”, người run bần bật vì lạnh nhưng họ vẫn phải ngược xuôi trên những nẻo đường. Chị Vương Thị Linh, hơn 10 năm với nghề bán bắp tâm sự: “Mỗi đêm bán 200 đến 300 trái, tiền lãi cũng hơn 300.000 đồng bù lại những ngày ế khách. Có hôm hai bàn tay tê cóng mất cảm giác nhưng phải cố”.
Bài, ảnh: Trần Anh
Rời xóm trọ, mỗi người rẽ một hướng nhưng cứ tầm 1-2 giờ sáng họ lại gặp nhau ở một điểm quen thuộc đã hẹn trước. Họ chia nhau từng cái bánh, từng khúc bánh mì… và cả chuyện vui buồn nhặt ở đâu đó trong ngày rồi cùng trở về xóm trọ. Kết thúc ngày làm việc của họ cũng là lúc vạn vật bắt đầu ngày mới. |
Bình luận (0)