Trung tâm TP.HCM từ lâu đã hình thành xóm vé số, gọi với cái tên rất văn chương: “Xóm bán ước mơ” nằm cuối hẻm 214 Nguyễn Trãi, Q.1.
Cư dân của xóm là người đến từ hai huyện Đông Hòa và Tây Hòa và một số ít thuộc các địa phương khác trong tỉnh Phú Yên, vì thế còn có tên: Xóm Phú Yên. Những năm 90, chỉ 1, 2 người đến thuê trọ đi bán vé số và trở thành chủ đại lý sau này. Căn nhà tuềnh toàng họ thuê năm nào nay chính họ đứng tên sở hữu, hoặc đứng ra thuê làm nơi trú ngụ cho người đồng hương.
Xóm nghề đồng hương
Ngày mới ở “xóm bán ước mơ” bắt đầu từ khá sớm. 6 giờ sáng, người đi bộ, xe đạp, xe lăn ra khỏi nhà trọ, mỗi người một hướng. Rộn ràng trong khoảng một giờ, xóm lại yên ắng, hiếm hoi lắm mới có bóng người. Lần đầu đặt chân đến, ít ai ngờ ở đó có một xóm người đồng hương, cùng mưu sinh với công việc bán vé số. Có thể nói, trong nhiều xóm nghề tương tự ở Sài Gòn, “xóm bán ước mơ” là một trong số ít xóm lớn tuổi đời.
Ông Hoàng Văn Tư (huyện Tây Hòa), người có thâm niên hơn 10 năm ở xóm cho biết tại đây có khoảng chục đại lý. Trong đó, đại lý lớn và tồn tại lâu năm có 2. Hỏi tên và địa chỉ những đại lý ấy, ông Tư ra bộ dè chừng. Số là cách đây chưa lâu, cũng có một nhóm người đến lân la hỏi đủ thứ chuyện, vài hôm sau xảy ra vụ giật giỏ xách của bà Hồng chủ đại lý khi vợ chồng bà đang đi giao tiền vé số. Thuở mới đặt chân đến Sài Gòn, bà Hồng thuê một căn gác nhỏ ở cuối con hẻm 214 Nguyễn Trãi, Q.1 làm chỗ ngả lưng. Cũng ở con hẻm này, 3 năm bà thuê đến 4 căn nhà khi người bà con, đồng hương vào đi bán ngày một đông. “Người bán vé số bị chủ đại lý ép uổng đủ thứ. Tích cóp vài năm, mình quyết định mở một đại lý nhỏ, thuê nhà với giá vừa phải cho anh chị em ở và lấy vé số giao cho người bán. Người bán đông, phải chuyển đến nhà mới rộng hơn để ở cho thoải mái”, bà Hồng nhớ lại.
Anh Thìn rời xóm và bắt đầu một ngày mưu sinh |
Đi đến gần cuối con hẻm, chẳng mấy ai nghĩ ở đó có một xóm nhà lụp xụp, mùa cao điểm chở che gần 300 mảnh đời đến từ dải đất Nam Trung bộ quanh năm chịu nhiều khắc nghiệt của thiên tai. Ngoài nhà của đại lý thuê, trong xóm còn có những căn nhà đang xuống cấp rệu rã “bị” chia nhỏ từng phòng, với diện tích chỉ tròm trèm mươi mét vuông, là nơi trú ngụ của những gia đình tha hương. Trước đây, hầu hết người bán vé số phải trả cho chủ đại lý tiền thuê trọ vào cuối mỗi ngày, tạm gọi là tiền mua chỗ ngủ qua đêm. Về sau, các đại lý lấy tiền trọ hàng tháng, tất nhiên, chi phí tiền nhà và điện nước cũng rất mềm. Già trẻ, gái trai, tật nguyền hay lành lặn cũng phải trả một khoản tiền như nhau.
Tương lai của trẻ
Chúng tôi đến “xóm bán ước mơ” khi năm học mới 2015-2016 sắp sửa bắt đầu. Lũ trẻ là con, cháu của cư dân “xóm bán ước mơ” cũng đang tranh thủ thời gian đi bán kiếm tiền sắm sửa quần áo, sách vở và đóng học phí, nên nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Ghé quán nước ở cuối con hẻm, ở đó có ba đứa trẻ vừa chơi đánh cờ vừa cười nói, tiếng Nẫu rặt ri. Tôi đoan chắc đấy là bọn trẻ của xóm. Không đi bán à?, tôi bắt chuyện. Bà chủ quán nước nghe vậy chen vào: “Tụi nó trắng trẻo thế kia, ai bảo đi bán vé số? Con của chủ đại lý cả đấy. Bọn trẻ nghỉ hè vào chơi với cha mẹ, còn được đi học thêm ở mấy trung tâm lớn. Mấy đứa tuổi này, giờ dễ gì được ở nhà tung tăng như thế?”.
Ba đứa trẻ tên Khanh, Đô và Tiền là số ít trẻ may mắn được biết thế nào là mùa hè, còn lại hôm nào như hôm nấy, mãi gánh gồng nỗi lo toan. Bà chủ quán còn “dài chuyện” khi chúng tôi ra về: “Đại lý của vợ chồng thằng Hùng cho con đi học trường quốc tế”. Ừ thì mừng cho bọn trẻ có điều kiện học tập. Và mong những đứa trẻ xuất thân trong gia đình lam lũ, từ những tháng ngày vật lộn mưu sinh nơi đất khách mà chúng tự tin bước vào đời, dẫu biết rằng con đường phía trước lắm chông gai.
Đến mùa nông nhàn hay nghỉ hè, “xóm bán ước mơ” thêm đông vui, đó cũng là thời điểm hiếm hoi trong năm (trừ ba ngày Tết) cha mẹ, vợ chồng, con cái gặp nhau. So với vài năm trước, thu nhập trung bình của người bán vé số chỉ bằng một nửa. “Người ta làm không ra tiền, vé số mình cũng ế, bán ngày kiếm lời 100.000 đồng không dễ”, anh Thìn, người bán vé số tâm tư. Cũng vì bán chậm mà gần đây không ít người chuyển sang làm phụ hồ, bốc vác… Không chỉ người bán vất vả mà chủ đại lý cũng oằn vai vì nhà thuê dài hạn lại chỉ lèo tèo vài người ở, kể cả thời điểm nông nhàn. Chỉ tay về phía chiếc tủ vé số nằm phơi nắng ở đầu xóm, anh Thìn tiếp: “Từ một đại lý có đến trên 30 người bán, lúc khó khăn chỉ còn phân nửa. Gần đây ông chủ còn phải sắm tủ ra vỉa hè bán nhưng ế quá dẹp luôn. Bán tủ chẳng ai mua, mà mua làm gì thời buổi này, nhà không chỗ để nên vứt đại ngoài nắng”.
Bài, ảnh: Trần Anh
Nhịp đời lặng lẽ trôi. Những mảnh đời “xóm bán ước mơ” vẫn không thôi hy vọng một ngày nào đó, cuộc sống của họ đổi thay, chí ít là bớt đi cái lo toan cơm áo. Hay với lũ trẻ, cánh cổng trường luôn mở ra. |
Bình luận (0)