Ra đời muộn so với nghề gốm, nghề dệt… ở Gia Định xưa nhưng nghề tạc tượng mang nhiều dấu ấn riêng, tồn tại và phát triển đến nay cũng ngót trăm năm.
Những nhà điêu khắc tên tuổi khẳng định, trên cả nước có nhiều cơ sở đắp tượng Phật nhưng tượng Phật Thích Ca tọa tòa sen; Quán Thế Âm Bồ Tát; Di Lặc… có hồn, đáp ứng yêu cầu mỹ thuật thì chỉ có xóm tượng Sài Gòn (P.12, Q.6, TP.HCM).
Người lưu truyền nghề
Theo ông Mai Văn Tám, tên thường gọi chú Tám, con trai của nhà điêu khắc Mai Văn Lai, nghề đắp tượng có từ gần 100 năm nay. Trước đây, chỉ có hai cơ sở đúc tượng được trong và ngoài nước biết đến là cơ sở gia đình của hai họ Lê (Lê Văn Chánh) và Mai (Mai Văn Lai). Khi ông Chánh và ông Lai mất, những người con tiếp tục với nghề của gia đình và phát triển cho đến ngày hôm nay.
Tuy nhiên, theo các bậc cao niên của hai họ Lê và Mai, người khai sinh ra nghề thì đến nay cũng chưa rõ ràng lắm, chỉ quen gọi họ là sư chú, sư bác. “Hồi đó các sư đúc tượng đặt ở các chùa, chính là làm phước cúng dường, chia sẻ với người nghèo, không nặng về kinh doanh. Sư dạy nghề cho bá tánh trong vùng để giúp người, giúp đời. Người có nghề đông nhưng thời loạn lạc, mỗi người mỗi nơi, chỉ còn một vài gia đình kế tục và lưu truyền cho đến nay”, chú Tám nói.
Chị Lan tiếp nối dòng họ Mai giữ gìn và phát triển nghề đắp tượng Phật |
Nhắc đến nghề đắp tượng Phật ở Sài Gòn, giới điêu khắc cả nước còn biết đến ông Huệ Ngân, người đầu tiên dạy làm tượng bằng rơm làm nộm, dùng sắt đắp làm cốt và trét hồ (xi măng trộn cát) bên ngoài rồi tô vẽ lại. Mặc dù ông Huệ Ngân là một trong số ít người làm điêu khắc đầu tiên nhưng tổ nghề làm tượng Phật, có công gìn giữ và phát triển nghề cho đời sau là ông Chánh và ông Mai.
Cũng theo chú Tám, trước tượng được tạc từ gỗ, nhiều nhất là gỗ mít, loại nguyên liệu có nhiều trong vùng thời bấy giờ. Đất sét cũng là nguồn nguyên liệu chính để làm tượng thay thế gỗ mít, sau nữa là sử dụng xi măng, thạch cao. Thuở lên 5, lên 7, các con của ông Lai đã quen với trò chơi nặn hình thú từ đất sét, thỏa thích nặn những gì theo trí tưởng tượng. Lớn chút nữa, họ đã học việc, chẳng bao lâu trở thành thợ chính và ra riêng lập cơ sở, giữ nghề truyền thống của gia đình.
Con hẻm 1017/10 Hồng Bàng, P.12, Q.6 chỉ một đoạn ngắn nhưng có gần chục căn nhà là xưởng đắp tượng lớn nhỏ. Chủ cơ sở hầu hết là con, cháu trong gia đình họ Lê và họ Mai nối nghiệp. Xóm tượng có khoảng 100 lao động, đa phần là nam giới, chủ yếu nối nghiệp gia đình, số lao động bên ngoài học việc, theo nghề đến nay chỉ trên đầu ngón tay. Người mới vô nghề thường chỉ làm 1, 2 công đoạn đơn giản. Riêng với thợ lành nghề, họ làm nhuần nhuyễn ở tất cả các khâu, tạc những tượng khó đòi hỏi tính mỹ thuật cao, sự dày công. Tạc tượng, đặc biệt là tượng Phật không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Đến với nghề phải là người thật sự có chút năng khiếu về mỹ thuật, nắm rõ quy trình kỹ thuật, kiên nhẫn, đôi tay khéo và trên hết là tình yêu nghề.
Ở không ít nơi, gương mặt tượng Phật “Tây hóa”, mất đi gương mặt truyền thống nhưng với nghệ nhân xóm tượng Sài Gòn vẫn còn giữ được cái cốt cách đặc trưng của người Nam bộ.
Thịnh – suy của nghề
Một bức tượng lớn nhỏ đều phải qua nhiều công đoạn: Đúc tượng bằng bê tông (sắt thép, xi măng và cát), ráp khuôn (ghép hai mảnh tượng lại), sau đó trét thạch cao, chà giấy nhám và sơn tượng. Tạc một bức tượng (mặt tượng) có hồn là yếu tố thành công của người tạc. “Nhiều thợ học nghề lâu năm nhưng tạc một tượng nhỏ không ra hồn, coi như thất bại, nên chuyển nghề khác đừng theo đuổi chỉ thêm phí thời gian, không có khiếu thì học chục năm cũng vậy, chẳng tạc nổi một bức tượng đơn giản nhất”, chú Tám khuyên.
So với những năm trước, thu nhập từ nghề đúc tượng có giảm, trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chị Lan, con gái ông Lai cũng làm quen với nghề từ năm 15 tuổi, hiện là thợ chính cơ sở anh trai Mai Văn Tuấn. Chị Lan cho biết, trung bình thu nhập khoảng 250.000 đồng/ngày/người. Lao động siêng năng, làm thêm từ 2-4 giờ/ngày, thu nhập ngoài chục triệu/ tháng là không khó. Lao động nữ chiếm khoảng 1/4 ở xóm tượng, chủ yếu làm các công đoạn như chà giấy nhám, sơn vẽ mặt, thếp vàng. Đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay người phụ nữ.
Ông Nguyễn Mạnh, người có thâm niên gần 30 năm trong nghề cho biết trước đây xóm tượng khá lên nhờ tượng (tượng Phật) xuất ngoại. Cũng từ đó, nhiều cơ sở ra đời ồ ạt nhưng tồn tại không bao lâu vì nhiều lý do. Chú Tám cũng thừa nhận khoảng 20 năm trước, tượng Phật xuất đi nhiều quốc gia có cộng đồng người Việt sinh sống. Tuy nhiên, thời hưng thịnh tượng xuất ngoại sớm qua khi thị trường xuất hiện tượng tạc bằng đá (đá Non Nước – Đà Nẵng). “Phật tử đặt tượng tặng chùa hay thờ tự tại nhà hầu hết chọn tượng đá, giá khá rẻ, dễ di chuyển và có thể sử dụng lâu dài”, ông Mạnh nói.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)