Tòa soạnThư đi – tin lại

Xóm Gò mong một cây cầu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đò vẫn là phương tiện di chuyển bao năm qua của hàng trăm hộ dân ở xóm Gò

Không phải ở vùng núi cao hay miền Tây Nam bộ xa xôi mà hàng trăm hộ dân ngay giữa TP.HCM từ nhiều năm qua vẫn luôn mong mỏi có một cây cầu.
Đó chính là 160 hộ dân ở các tổ 16, 17, 18 của ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM hay còn gọi là xóm Gò, một xóm đảo biệt lập với thế giới xung quanh.
Được biết, 20 năm nay, hơn 300 con người thuộc xóm Gò hầu hết phải dùng đò làm phương tiện đi lại, bởi bao quanh xóm là con rạch Ông Lớn rộng chừng 10m với nhiều dừa nước mọc um tùm. Theo bà Huỳnh Thị Nhị, một người dân lâu năm ở đây cho biết thì từ lâu, xã và huyện đã có kế hoạch, chủ trương xây cầu cho người dân xóm Gò. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một viên gạch hay bao xi măng nào được chở tới xóm. Mùa nắng thì còn đỡ chứ mùa mưa như hiện tại, việc đi lại là vô cùng khó khăn bởi 2 con đường Xương Cá 1, Xương Cá 2 của xóm rất lầy lội (vì là đường đất). Tất cả các phương tiện của người dân xóm Gò như xe đạp, xe máy đều phải gửi lại ở một quán nhỏ phía bên này, còn 100% cư dân xóm Gò phải đi bộ để về nhà bởi chiếc ghe đi, về qua rạch rất nhỏ, không đủ sức chở thêm phương tiện nào nữa. Nhưng, người lớn còn có thể khắc phục khó khăn chứ mấy chục em nhỏ ở xóm Gò bao năm qua vẫn ngày hai buổi đến trường trên con đò mỏng manh như chiếc lá giữa dòng thì quả là rất nguy hiểm. Trường học của xã Phong Phú thực chất chỉ cách xóm Gò chưa đầy 3 cây số, nhưng vì không có cầu nên các em học sinh phải đi bộ từ nhà ra bến đò, sau đó lấy xe ở nơi gửi để đến trường. Vì thế, nếu không muốn bị trễ học thì các em học sinh ở đây đều phải đi sớm hơn các bạn bè trong lớp cả tiếng đồng hồ. Chúng tôi gặp ông Bảy, người đưa đò nhiều năm ở đây thì được biết, ông Bảy cũng là cư dân của xóm Gò này, nhà ông ở cuối đường Xương Cá 2. Hơn 20 năm qua, ông chỉ có chiếc ghe dài đúng 7m làm phương tiện đưa khách qua sông. Ông Bảy cho chúng tôi biết: “Hiện nay, phí đi đò của người lớn cả đi lẫn về là 2 ngàn đồng. Còn các cháu học sinh là 1 ngàn, đứa nào nhà nghèo thì tôi không lấy tiền bởi mình chỉ bỏ chút công sức chèo đò chứ đâu có tốn tiền xăng mà lo lỗ. Đã có rất nhiều người tới đo đạc, bảo sẽ xây cầu nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì cả”. Theo UBND xã Phong Phú, đường vào xóm Gò thực chất có một cây cầu chìm bắc qua rạch Ông Lớn. Nghĩa là, cầu được thiết kế chìm dưới lòng kênh do người dân và chính quyền làm tạm cách đây đã lâu. Tuy nhiên, vì là cầu chìm nên nó chỉ có thể sử dụng vào những lúc nước ở rạch này… cạn hết. Khi đó, cư dân xóm Gò muốn đi lại thì chỉ cần xắn quần lội men theo những cọc gỗ của cây cầu này. Tuy nhiên, nhiều người dân than phiền chỉ vì cầu chìm mà nhiều học sinh bị trượt ngã xuống rạch khi đi học bởi nó rất trơn do bị ngâm dưới nước quá lâu. Thế nên, cây cầu chìm đó gần như từ lâu đã không còn tác dụng với người dân ở đây.
Mặc dù được coi là một “ốc đảo” biệt lập, nhưng kỳ thật vị trí địa lý của xóm Gò lại khá gần trung tâm TP.HCM, chỉ cần nhìn ra phía xa xa la thấy những tòa nhà cao ốc chọc trời của khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Bài, ảnh: Đoàn Xá

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)