Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xóm nhà hộp

Tạp Chí Giáo Dục

Để nhường chỗ cho con cháu, bà Thị dọn ra kê giường ngủ ở đầu con hẻm
Mang tiếng là cư dân sống ở khu vực gần trung tâm của thành phố Đà Nẵng, nhưng cả trăm hộ dân xóm Cầu Vồng phường Hải Châu 2, quận Hải Châu phải sống trong những ngôi nhà bé xíu như những chiếc hộp. Thậm chí, diện tích xây nhà vệ sinh cũng không có, phải đi nhờ nhà vệ sinh của ngôi chợ nằm bên cạnh…
Chen chúc
Những trận mưa đầu mùa khiến con đường dẫn vào các căn nhà ở tổ 10, 11, 12, 13 (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, Đà Nẵng) vốn chật hẹp càng trở nên tối tăm. Một người đàn bà tóc bạc phơ, thân hình gầy nhom, cặm cụi nhặt rau ngay trên lối ra vào cửa nói: “Mấy chục năm rồi, bà con sống khổ như vậy. Chưa biết đến ngày nào được nằm ngủ một giấc an nhàn mà không bị nắng chiếu, mưa dột làm mình tỉnh giấc”. Bà tên là Nguyễn Thị Lanh, 71 tuổi, là cư dân của tổ 11. Ngôi nhà của bà mang tiếng là nhà nhưng chỉ bé bằng căn gác trọ tầm 10m2 với đủ thứ đồ đạc cũ kỹ chất chồng lên nhau, nhường không gian cho hai mẹ con sinh hoạt. Đứa con trai của bà năm nay cũng đã ngoài tuổi 40, phần vì bệnh tật, phần vì nhà nghèo nên đã đi qua quá nửa dốc cuộc đời vẫn độc thân, tương lai mờ mịt. Hai mẹ con sống nhờ hàng quán bán tạp hóa vặt nghèo nàn.
Rời nhà bà Lanh, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Thi (79 tuổi). Nói là nhà nhưng thực ra nơi bà Thi ở chỉ là mái hiên của con hẻm nhỏ che kín lại. Bà Thi nói: “Trước tui có căn nhà rộng 8m2 nhưng do hai đứa con lớn có gia đình nên tui chia đôi ra cho tụi nó, còn tui ngủ tạm ở đây cho bớt chật chội”. Với 4m2 chia đôi từ căn nhà của mẹ mà cả gia đình của cô Nguyễn Thị Sáu (con dâu bà Thi) phải cùng chen chúc nhau sống. Cô Sáu cất giọng buồn buồn: “Hai vợ chồng tui có 2 đứa con. Đứa lớn có gia đình, không có chỗ ở nên tui xin phường cơi nới lên căn gác cho vợ chồng thằng lớn ở. Còn thằng bé và hai vợ chồng tui ngủ dưới nền đất”. Đảo mắt nhìn qua một lượt, căn nhà 4m2 ấy của gia đình bà Sáu không chỉ là chỗ ngả lưng ban đêm cho cả ba người mà còn phải dành không gian cho việc nấu nướng, bắt vòi nước sinh hoạt, áo quần, xoong nồi, chén bát…
Đó chỉ là hai trong hơn 100 hộ dân ở các tổ dân phố kể trên suốt 40 năm qua vẫn chen chúc sống trong cảnh nhà cửa ngày càng “teo” lại, trong khi quân số con người ngày một tỷ lệ nghịch với không gian của những căn nhà. Khó có thể tưởng tượng ra cảnh của các gia đình này chen chúc, chỉ cần một cái quay lưng vô ý là đụng mặt nhau. Mùa hè, trời nóng khiến cho những căn nhà này trở thành cái lò nung. Còn mùa mưa thì nước dột tứ bề. Co bên nào cũng ướt.
Khổ về chỗ ở kéo theo cái khổ về sinh hoạt của những người dân nơi đây. Việc ngủ chồng lên đồ đạc nấu nướng đã đành. Đến cả đi vệ sinh cũng phải đi nhờ nhà vệ sinh công cộng của chợ Cồn (chợ nằm bên cạnh xóm). Còn việc tắm rửa, nhiều người đành nhắm mắt làm liều dựa vào sự che khuất của những bức tường ở con hẻm. Có gia đình che tạm một chỗ đủ để một người đứng khép nép dành cho con gái lớn, hoặc ai có bà con thì tới tắm nhờ.
Chờ quy hoạch
Ông Trà Thanh Hải, Chủ tịch phường Hải Châu 2 cho biết, hơn 101 hộ dân này đều sống trong những căn nhà tạm bợ, có diện tích bình quân từ 9 đến 20m2. Nhiều hộ chỉ có 4m2 là do gia đình ngày càng đông người, các thành viên mới lại lập gia đình nhân số người càng đông trong khi diện tích nhà thì không thể cơi nới nên phải ngăn chia ra nhiều nhà nhỏ. Nhà vì thế lại càng nhỏ hơn.
Điều đáng nói, có nhiều hộ dân ở xóm này chưa được cấp sổ đỏ. Cách nay 10 năm, Đà Nẵng bắt đầu có ý định biến nơi đây thành khu thương mại chợ Cồn. Thế nhưng 10 năm trôi qua, dự án vẫn nằm đâu đó trên giấy. Những người dân ở xóm Cầu Vồng trong khi chờ được cấp đất mới để dựng ngôi nhà rộng rãi hơn thì vẫn ở trong những ngôi nhà cũ nát, rệu rã mà không thể cơi nới, sửa chữa vì không được phép. Ông Hải cho hay, trước nhu cầu bức xúc của người dân, mới đây UBND thành phố Đà Nẵng đã đồng ý cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các hộ dân ở đây và chấp nhận cho bà con xây nhà 2 tầng để giải quyết tình trạng chen chúc. Thế nhưng, xem ra đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Người dân xóm Cầu Vồng vẫn hi vọng, tương lai không xa, khi trung tâm thương mại chợ Cồn được quy hoạch xây dựng, bà con sẽ được cấp đất mới rộng rãi hơn. Khi đó, như niềm hi vọng của bà Sáu: “Có điều kiện, các cháu sẽ được tới trường học chữ đàng hoàng hơn để mai này thoát cảnh làm thuê chân tay nặng nhọc!”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Sống trong sợ hãi
Mang tiếng là nhà nhưng phần lớn chỉ là những căn nhà xây gạch đã có thời gian ngót 50 năm, nay chực rệu rã hoặc là những tấm tôn, ván ghép lại một cách xộc xạch để làm nơi trú ngụ. Người dân ở đây cho biết, vào những trận bão, lũ, sau sơ tán trở về thì nhà cửa ở xóm chẳng khác gì cái ổ chuột, bẩn thỉu và xơ xác. Nhưng không ở đây thì họ chẳng biết đi đâu?
 
 

Bình luận (0)