Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xóm se dây

Tạp Chí Giáo Dục

Sản phẩm từ nghề se dây
Nằm “bơ vơ” giữa một khu đất trống thuộc xã Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân TP.HCM là xóm se dây thừng đã xuất hiện cách đây gần 30 năm.
Chạy dây thừng
Xóm se dây thừng cách khu dân cư mới của xã Vĩnh Lộc chừng hơn 1km, nhưng đến đây hỏi những người dân địa phương về xóm làm nghề này thì hầu như ai cũng biết. Đường đi vào xóm là con đường đất nhỏ hẹp, quanh co với những dãy cỏ mọc um tùm hai bên. Xóm nhỏ chừng hơn 50 hộ dân với những dãy nhà lụp xụp, dựng tạm bợ bằng ván ép, mái lợp tôn. Gia đình anh Tâm (quê Cần Thơ) đã gắn bó với nghề hơn 9 năm nay chia sẻ: “Ngày trước, tôi có chị gái lấy chồng ở An Giang, về bên đó chị tôi cũng làm nghề này, sau chị kéo tôi đi làm cùng. Nghề se dây thừng vốn có nguồn gốc từ An Giang nên những hộ dân làm nghề ở đây chủ yếu là  người An Giang”.
Chúng tôi cũng tập làm công việc của một người se dây thừng. Quan sát từng công đoạn để làm nên một sợi dây mới thấm thía sự vất vả của những người thợ này. Chị Nguyễn Thị Diễm (quê ở An Giang) vừa kéo sợi dây, vừa tâm tình với chúng tôi: “Thoạt nhìn thì thấy nhẹ nhàng, nhưng kéo dây chạy vòng qua vòng lại cũng rất hao sức, hao cả người nữa. Cả ngày chạy qua chạy lại cũng ngót nghét chục cây số”. Công đoạn đầu tiên là tra dây vào máy, một người ngồi quay máy còn một người sẽ cầm sợi dây đó kéo về phía trước chừng hơn 300m, mỗi lần tra sẽ phải kéo qua lại 2 lần. Người kéo dây thường là đàn ông, có sức khỏe, còn phụ nữ được ưu tiên ngồi để tra dây vào máy. Chiếc máy se dây được đặt kế bên, người thợ tiếp tục khởi động máy, chiếc máy sẽ tự động đi về phía trước để tiến hành việc xoắn các sợi dây vào nhau. Sau đó, những vòng quay trên máy lại tiếp tục để thu lại những sợi dây vừa được làm xoắn và cho ra đời sợi dây hoàn chỉnh. Tiếp đến là quấn các sợi dây đó thành nhiều bó theo yêu cầu của người chủ.  Người làm nghề cho biết, các sợi dây này dùng để làm nên những tấm lưới, những chiếc võng…
“Không muốn bỏ nghề”

Anh Tâm đang se dây
Vợ chồng anh Tâm cho biết: “Gắn bó với nghề cũng khá lâu nên bây giờ chúng tôi không muốn bỏ nghề. Bởi lẽ làm miết rồi thấy quen, hơn nữa làm việc này thời gian thoải mái, tự do hơn làm công nhân mà lương thì cũng tạm ổn, chừng hơn 5 triệu/tháng”. Những hộ dân ở đây sẽ được người chủ chịu trách nhiệm cho việc đăng kí tạm trú và giúp đỡ con em họ đến trường. Thêm vào đó là họ không mất tiền thuê nhà, không mất tiền điện, tiền nước và công việc không giới hạn về mặt tuổi tác. Nhiều người thợ se dây khẳng định: “Cái nghề sinh cái tính”, công việc giúp cho con người ta rèn luyện sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Bởi lẽ mỗi khi sợi dây thừng bị rối thì người ta phải từ từ mà gỡ không kể khó khăn, không được cáu gắt. Anh Tâm cho biết: “Cứ nóng tính mà xem, giật dây cho thật mạnh đến khi dây bị rối thì mất cả ngày trời để mà gỡ”. Đang chăm chú quan sát bàn tay của chị Diễm thoăn thoắt quay máy, chúng tôi bỗng giật mình khi chị cầm sợi dây búng thật mạnh, bỗng dưng từ đầu dây bên kia chồng chị chạy về thay lại cái vòng tra dây đã hết. Chị cười bẽn lẽn tiếp lời: “Ăn rơ với nhau cả đấy!”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để giúp cho các gia đình tuy nghèo về vật chất nhưng thấm đẫm tình người. Chị Trà My (quê An Giang) cười xòa: “Cuộc sống vợ chồng có những lúc cơm không lành, canh không ngọt nhưng mỗi khi như vậy thì cũng bình tĩnh mà giải quyết giống như là gỡ rối các sợi dây thừng. Nhờ đó mà tình cảm vợ chồng, con cái trở nên khăng khít, gắn bó hơn”.
Ra về, chúng tôi ngoái lại phía những ngôi nhà lụp xụp của xóm se dây bỗng ánh lên một khung cảnh đẹp đến lạ. Các sợi dây đủ màu sắc được kéo dài trên những cây gỗ mảnh khảnh ở khu đất trống của Sài Gòn.
Bài, ảnh:  Nghiêm Quế
“Nghề se dây thừng chỉ thích hợp với kiểu thời tiết nắng nóng còn khi trời mưa những sợi dây sẽ bị ướt và khi se chúng sẽ không xoắn lại với nhau được. Điều kiện làm việc ngoài trời khắc nghiệt nên những người làm công việc này thường bị mất sức rất nhanh” – chị Trà My cho biết!
 
 

Bình luận (0)