Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xóm “Việt kiều nhiều không”: Kỳ cuối: ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG LẮM NỖI LO ÂU!

Tạp Chí Giáo Dục

Huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh có 334 học sinh TH và THCS gốc Việt người Campuchia hồi hương, riêng Trường TH Đồng Kèn chiếm gần phân nửa (146 em), trong đó chủ yếu ở ấp Tà Dơ, xã Tân Thành.

Nhiều học sinh gốc Việt người Campuchia phấn khởi trong ngày tựu trường ở Trường TH Đồng Kèn, huyện Tân Châu

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cứ đến Trường TH Đồng Kèn học tập là những đứa trẻ “Việt kiều” này vẫn hết sức phấn khởi. Ở đây, các em không còn bị cô lập, các em được học hành tử tế, có cơ hội để thay đổi cuộc đời…

Vui vì không còn bị cô lập

Nhớ lại 5 năm về trước, em Nguyễn Thị Thùy Trang, học sinh lớp 5C vẫn ngân ngấn nước mắt kể: “Hồi ở Campuchia, em học ở trung tâm học tập cộng đồng. Lớp học của em đủ mọi lứa tuổi, già-trẻ-lớn-bé đều có cả nhưng mọi người không ai chơi với em. Ở nhà bố mẹ em nói tiếng Việt, em cũng nói toàn tiếng Việt nên khi đến lớp bị phân biệt đối xử vì bất đồng ngôn ngữ”. Dù đã 14 tuổi nhưng hiện Trang vẫn đang học lớp 5 cùng với em trai là Phạm Xuân Trạng (11 tuổi) vì khi về lại Việt Nam em phải học lại từ đầu.

Khi chúng tôi hỏi tâm trạng của nhiều học sinh “Việt kiều” Campuchia về việc hồi hương, em nào cũng phấn khởi khẳng định rằng không còn bị cô lập. “Trước em học ở Campuchia không có ai chơi với em nhưng về đây em có bạn bè đồng lứa, có thầy cô quan tâm nên cuộc đời thay đổi nhiều, vui hơn nhiều” – em Trần Văn Nhí, 13 tuổi, học lớp 5 phấn khởi kể.

Mặc dù được thầy cô, bạn bè giúp đỡ nhiều khi hồi hương nhưng những học sinh này vẫn gặp không ít khó khăn trong học tập, đặc biệt là những em vừa vào lớp 1. Cô Trần Thị Kim Sa, giáo viên dạy lớp 1 chia sẻ: “Nếu được học qua lớp mầm non, các em sẽ biết nhận dạng chữ cái, biết cách cầm bút, nối nét thì giáo viên giảng dạy sẽ dễ hơn. Vậy nhưng những học sinh “Việt kiều” chưa qua lớp mẫu giáo vào lớp 1 ở đây là những tờ giấy trắng sạch tinh nên chúng tôi giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn. Đó là chưa kể ba mẹ các em phải mưu sinh hàng ngày nên ít có thời gian để quan tâm các em”.

Mong có hộ tịch để ổn định dài lâu

Bà Đoàn Thị Bích chỉ mong con cháu mình có một căn nhà vững chãi, có đất để làm nương làm rẫy
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cứ đến Trường TH Đồng Kèn học tập là những đứa trẻ “Việt kiều” này vẫn hết sức phấn khởi. Ở đây, các em không còn bị cô lập, các em được học hành tử tế, có cơ hội để thay đổi cuộc đời…

Quả thật, ngoài những khó khăn khi truyền đạt, giáo viên ở mảnh đất này còn phải chia sẻ với các em rất nhiều vấn đề khác. Cô Sa cho biết: “Nhiều em đến trường mà không có đủ sách vở, đồ dùng học tập nên giáo viên phải bỏ tiền túi ra để mua cho các em”.

Bố mẹ các em thường đi thả lưới bắt cá từ sáng sớm (khoảng 4 đến 5 giờ sáng) nên đây cũng là giờ đến trường của nhiều em. “Nhà trường mở cửa từ 5 giờ sáng để các em có chỗ chơi, không để các em ngồi dật dờ bên ngoài được. Giáo viên cũng đến rất sớm để chăm lo cho các em. Họ là những người còn rất trẻ, nhiệt tình và tâm huyết, dù đồng lương còn thấp nhưng vẫn sẵn sàng bỏ tiền túi để mua dụng cụ học tập cho các em” – thầy Tân Hải Sơn, Hiệu trưởng Trường TH Đồng Kèn cho biết.

Những gì mà thầy cô Trường TH Đồng Kèn phụ giúp chỉ là một phần nhỏ, khó ổn định về lâu về dài cho các em được. Không ổn định chỗ ở, các em vẫn rày đây mai đó, nghỉ học lúc nào chẳng hay. Theo thầy Sơn, mỗi năm cũng có vài trường hợp bỏ học để theo ba mẹ về Campuchia sinh sống.

Bà Đoàn Thị Bích đưa 3 đứa cháu học lớp 1, lớp 4 và lớp 5 đến tựu trường ở Trường TH Đồng Kèn lo âu kể: “Các con tôi ở Campuchia về được 6-7 năm nay, quanh năm đi thả lưới đánh cá nên cuộc sống rất khó khăn, đặc biệt là mùa mưa. Đầu năm học, cả nhà gom góp mãi mới đóng đủ tiền học cho ba đứa”. Nói về ước muốn của mình, mắt bà Bích sáng rực: “Tôi chỉ mong các con có hộ tịch, cất được một căn nhà tử tế, có ruộng đất làm rẫy để ổn định cuộc sống, các cháu tôi được học hành đầy đủ thôi”. Đây cũng chính là mong mỏi của hơn 1.000 “Việt kiều” hồi hương trên mảnh đất này…

Bài, ảnh: Minh Châu

Bình luận (0)