Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xôn xao mùa chạy trường: Kỳ 1: Gồng mình chống quá tải

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù trời đã tối, phụ huynh vẫn đợi với hy vọng đưa được con vào Trường Thực nghiệm  (Hà Nội) năm 2012. Ảnh: I.T

Mùa tuyển sinh năm 2012, cổng trường Thực nghiệm tại Hà Nội đã đổ do sự quá tải của đám đông phụ huynh. Sau Tết Dương lịch, đi bất cứ đâu ở các TP lớn dù có bàn chuyện gì thì cuối cùng người ta cũng quay lại câu chuyện chạy trường cho con cái. Dường như, nó đã trở thành nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh khi mùa tuyển sinh về.
Năm nay được dự báo là năm có số lượng HS vào lớp 1 và lớp 6 khá đông. Bởi, với lớp 1 là “heo vàng” (những cháu sinh năm 2007) đi học, còn lớp 6 là “ngựa vàng” (những HS sinh năm Nhâm Ngọ 2002) chuyển cấp. Dù đã chuẩn bị trước nhưng các TP lớn vẫn không tránh khỏi quá tải.
“Căng mình” đón “heo vàng” vào lớp 1
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội thì năm 2013, số trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 của TP tăng lên 11.000 trẻ so với năm 2012. Thống kê của Hà Nội cho thấy năm nay chỉ có khoảng hơn 87.000 HS lớp 5 ra trường trong khi có tới 125.000 HS chuẩn bị vào lớp 1, chênh lệch khoảng 38.000 HS. Bởi thế, mối lo lớn đối với các quận, huyện là làm thế nào để bảo đảm chỗ học cho mọi HS trong điều kiện mạng lưới trường, lớp còn hạn hẹp, nhất là với các trường trong khu vực nội thành. Còn theo lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội thì phòng cũng như các trường đã chuẩn bị “tâm lý” từ cách đây 5 năm.
Lãnh đạo huyện Sóc Sơn – đơn vị có số lượng HS vào lớp 1 tăng nhiều nhất (hơn 1.800 HS) cho biết, việc gia tăng số lượng HS lớp 1 như năm nay là chưa từng có và rải đều ở các xã. Khảo sát của huyện cho thấy, trường tăng nhiều nhất là 70 HS, nơi ít nhất là 25 HS. Với những điều kiện về cơ sở vật chất, số phòng học hiện có thì hầu hết các trường trên địa bàn huyện vẫn bảo đảm số HS bình quân theo quy định là 35 HS/lớp, không có trường vượt quá 40 HS/lớp. 
Còn tại quận Thanh Xuân, bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết, ngay từ đầu năm học, dự báo được số lượng HS vào lớp 1 tăng hơn 850 em, lãnh đạo quận đã tăng cường đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cho các trường tiểu học. Hiện 12 trong số 14 phòng học cần tăng thêm để đáp ứng chỗ học cho HS đã cơ bản hoàn thành, 2 phòng còn lại đang khẩn trương xây dựng để đưa vào sử dụng đúng dịp đầu năm học mới. Ngoài ra, để tránh bức xúc trong công tác tuyển sinh, quận đã xây dựng 3 phương án phân tuyến tuyển sinh: Thứ nhất là theo trục giao thông, tránh để HS phải vượt qua các trục đường lớn; thứ hai là theo phường; thứ ba là phân tuyến với những phường giáp ranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS đi học an toàn. Các thông tin cụ thể về từng phương án sẽ được công bố công khai đến người dân.
Quận Cầu Giấy năm nay có số lượng HS vào lớp 1 tăng hơn 500 em, song hiện tại tất cả các trường đều có bình quân ở mức 50 HS/lớp. Lãnh đạo quận cho biết đang triển khai dự án xây thêm nguyên đơn cho những trường quá đông HS, tổ chức phân tuyến lại với một số trường. Theo Phó chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Vân Anh, 10 năm qua, quận đã xây thêm 20 trường học mới với kinh phí đầu tư hơn 700 tỷ đồng, song do tốc độ tăng dân số quá nhanh, các trường học đều quá tải. Bởi thế, từ nay đến hết năm 2014, trên địa bàn quận sẽ có thêm 6 trường học nữa. 
Tuyển sinh theo nguyên tắc “4 rõ”
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội thì không chỉ tuyển sinh đầu cấp tiểu học tăng mà ở các cấp học khác đều có sự gia tăng đáng kể như mầm non tăng 5.000 cháu, THCS tăng 4.000 HS. Do đó, để đảm bảo theo đúng kế hoạch của ngành, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ đạo ngoài việc phải bảo đảm đủ chỗ học cho HS trong độ tuổi, có lộ trình để giảm dần số HS bình quân/lớp, các quận, huyện phải công khai kế hoạch tuyển sinh với nguyên tắc “4 rõ”, gồm: Rõ chỉ tiêu tuyển sinh, rõ tuyến tuyển sinh, rõ thời gian tuyển sinh và rõ phương thức tuyển sinh. Chậm nhất tới ngày 30-5-2013, phải niêm yết kế hoạch này trên cổng điện tử của các quận, huyện và của Sở GD-ĐT để người dân biết, thực hiện đúng các quy định của ngành và cùng tham gia giám sát việc thực thi.
Về thời gian tuyển sinh, theo quy định là bắt đầu từ ngày 1 đến ngày 15-7, song các quận, huyện có thể bố trí lệch thời gian tuyển sinh cho từng độ tuổi hoặc cho từng địa bàn dân cư, tổ dân phố để tránh tình trạng lộn xộn hoặc tập trung quá đông người tại trường trong những ngày đầu. Kinh nghiệm của một số quận năm ngoái là ưu tiên 3 ngày đầu tuyển HS 5 tuổi, sau đó đến 4 tuổi, 3 tuổi.
Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng yêu cầu các quận, huyện, nhất là những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp phải rà soát kỹ lại số lượng HS trong độ tuổi đi học để chủ động, kiên quyết không để xảy ra điểm “nóng”, gây bức xúc trong dư luận về tuyển sinh. Quan điểm của lãnh đạo TP là dù HS có hộ khẩu hay HS theo cha mẹ đi làm việc, tạm trú tại địa bàn đều được hưởng những điều kiện thuận lợi nhất trong học tập. Việc tổ chức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp là trách nhiệm của các quận, huyện. Lãnh đạo TP sẽ xử lý nghiêm khắc những cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm các quy định liên quan đến công tác chỉ đạo, tổ chức các kỳ thi và tuyển sinh trên địa bàn năm 2013.
Tuy nhiên, sự tăng dân số cơ học quá nhanh đã khiến ngành giáo dục TP.Hà Nội sau mỗi năm lại có những khó khăn mới. Liệu năm nay có hết “điểm nóng”  không, câu trả lời sẽ có khi mùa tuyển sinh đầu cấp bắt đầu.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)