Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xôn xao mùa chạy trường: Kỳ 2: Huy động mọi nguồn lực để… chạy

Tạp Chí Giáo Dục

Xếp hàng cả đêm để xin học cho con tại Trường TH Thực nghiệm (Hà Nội) trong mùa tuyển sinh năm 2012

Đến thời điểm này, hầu hết phòng giáo dục ở các quận, huyện của Hà Nội mới đang lên kế hoạch tuyển sinh. Thế nhưng ở ngoài, “cơn sốt” chạy trường đã “nóng”. Phụ huynh huy động mọi mối quan hệ để con có một chỗ trong trường “chuẩn”, trường có tiếng. Lãnh đạo nhiều trường tiểu học (TH), THCS, cũng như lãnh đạo các phòng, sở GD-ĐT bắt đầu chiến dịch “trốn”…
Chạy trường, chạy cả giáo viên chủ nhiệm
Nhà ở Định Công, năm vừa qua, anh Nguyễn Hải Sơn đã phải chật vật để xin bằng được cho con vào học ở Trường Mầm non Thực nghiệm Linh Đàm. Xong bước 1, dù con anh mới 3 tuổi, nhưng anh đã tìm mọi hướng để nhắm đến Trường Thực nghiệm. Bởi theo anh Sơn, học thực nghiệm mới đẳng cấp, mới chất lượng, mới đúng yêu cầu nguyện vọng của vợ chồng anh. Cùng quan điểm này, chị Hà Ngọc Phương (Nghĩa Tân – Hà Nội) cũng tìm mọi cửa để cho cậu quý tử nhà mình vào Thực nghiệm. Năm học 2013-2014, Minh Nhật (con trai chị Phương) vào lớp 1. Mặc dù nhà ở Nghĩa Tân, nhưng chị Phương lại cố chạy cho con vào Trường TH Thực nghiệm (Ba Đình – Hà Nội), vừa trái tuyến, lại trái cả đường đi.
Chị Phương cho biết: “Trường TH Thực nghiệm được coi là điểm mơ ước của nhiều phụ huynh. Để “mua” một chỗ học cho con ở trường này, vợ chồng tôi sẵn sàng chấp nhận bỏ ra “bao nhiêu cũng được”. “Mua” được chỗ ở trong trường, chị Phương tiếp tục cuộc “săn” tìm địa chỉ để con học chữ trước khi vào lớp 1. Tan lớp mẫu giáo Minh Nhật được mẹ dí hộp sữa vào tay, giục uống nhanh cho kịp tới lớp luyện chữ để tháng 9-2013 vào lớp 1. Nhiều hôm, vì muốn chơi xích đu thêm, cu cậu không chịu, khóc lu loa. Người ngoài nhìn thấy, ai cũng tỏ ra ái ngại, nhưng với chị Phương đó là một sự tự hào…
Những câu chuyện kể trên, mùa tuyển sinh nào cũng xảy ra và âm ỉ từ cuối học kì II của năm học. Nhưng nó thực sự “nóng” vào những ngày đầu tháng 4 và không chỉ với bậc TH mà cả với bậc THCS.  Hàng loạt tên trường được đưa vào “tầm ngắm” của phụ huynh như: TH Dịch Vọng A (Cầu Giấy), THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy), TH Tràng An, TH Quang Trung, Trưng Vương, THCS Nguyễn Du, THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm), TH Lê Ngọc Hân, THCS Lê Ngọc Hân (Hai Bà Trưng), TH Kim Đồng, THCS Hoàng Diệu (Ba Đình), TH Nam Thành Công, (Đống Đa), TH Thực nghiệm… Để kiếm một chỗ học ưng ý cho con trong năm học tới, nhiều phụ huynh đã huy động hết các mối quan hệ, từ bạn bè đến đồng nghiệp, hễ ai có dây mơ rễ má với lãnh đạo nhà trường hoặc lãnh đạo ngành giáo dục là tìm đến “nài nỉ”, thậm chí là “ngả giá”.
Không chỉ chạy trường mà các phụ huynh còn tìm mọi cửa để cho con vào được lớp cô giáo này cô giáo kia. Nhiều phụ huynh có con năm nay học lớp 1 ở TH Trưng Vương, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã nhờ các mối quan hệ để cho con vào học lớp cô Ly. Còn ở Trường TH Quang Trung thì lớp cô Hằng. Thế mới có chuyện ở các trường của Hà Nội thường có lớp gọi là lớp “ngoại giao”. Đó là những lớp không chỉ chạy trường mà còn phải chạy cả cô.
Điều đáng nói là, bên cạnh những trường có tiếng tăm chạy đã đành, những trường không tên tuổi, chỉ tiêu tuyển sinh còn chưa đủ cũng phải chạy. Một đồng nghiệp của chúng tôi công tác tại Báo Pháp Luật Xã Hội kể: “Biết tôi chơi thân với Hiệu trưởng Trường THCS B (Cầu Giấy – Hà Nội), chị hàng xóm đã nhờ xin cho con gái chị ấy vào trường. Nghĩ, Trường THCS B mới xây dựng, sĩ số học sinh còn ít nên tôi chủ quan không qua phòng GD-ĐT mà gọi thẳng cho hiệu trưởng. Nhưng khi tôi gọi điện đến, vị hiệu trưởng nói “không được em ơi! Trường chị quá tải lắm!”. Lúc này tôi hỏi lại, vậy có “ngoại lệ nào không chị? Chẳng hạn: Ngoại giao của phòng GD-ĐT hoặc UBND quận…”. “Cũng không được em ạ!”, vị hiệu trưởng này khẳng định. Tôi đành bỏ cuộc và xin lỗi chị hàng xóm. Nhưng ngay sau đó nghe nói chị hàng xóm tìm đến gặp hiệu trưởng “đặt vấn đề” và mọi chuyện được giải quyết như ý”. 
Làm khổ cho con

Chen lấn xin cho con học tại Trường TH Thực nghiệm (Hà Nội) năm học 2012-2013

Trong khi các phụ huynh tất tả ngược xuôi lo trường, lo lớp cho con thì những đứa trẻ, đối tượng chính được “lợi” từ vụ này lại nằm ngoài vòng tròn chạy chọt. Con được học trường tốt, trường “chuẩn” là mong muốn rất đáng trân trọng của các bậc cha mẹ. Nhưng việc ngày càng nhiều người cho con học trước lớp 1 và chạy trường “chuẩn” là do bị áp lực số đông. Sợ con người ta giỏi hơn con mình. Sợ con mình không theo kịp bạn bè, cứ thế người trước nhìn người sau, tạo thành một phong trào. Nhưng chính cái mà phụ huynh “sợ”, đã tạo sức ép lên tuổi thơ của trẻ và làm khổ chính mình, khổ cho cả giáo viên, nhà trường. Kết quả là trẻ học giỏi đâu chưa thấy, chỉ thấy phổ biến tình trạng thầy cô và cha mẹ kêu trẻ “chán” học, chủ quan vì đã học trước rồi, hoặc phải dạy sớm hơn các bạn học trường làng. Rất nhiều trẻ khi vào lớp 1 gặp những vấn đề  rối nhiễu tâm lí, chán học, sợ hãi, ức chế… Cuối cùng, khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” trở thành “mỗi ngày đi học là mệt mỏi cả cha lẫn mẹ và con”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lí giáo dục Việt Nam, phân tích: “Trẻ từ 0-6 tuổi phát triển thông qua tâm vận động là chính. Vậy nên trẻ cầnđược rèn các khả năng như bắt chước, vận động thô (chạy, nhảy, ném bóng…) vận động tinh (phối hợp tay – mắt, tay – chân…), tư duy (so sánh dài ngắn, to nhỏ…) phát triển ngôn ngữ, kĩ năng xã hội, chứ không phải là học chữ. Việc nhồi kiến thức cho trẻ giai đoạn này là sai. Bởi, ở tuổi này, khả năng tưởng tượng của trẻ phát triển, nên dạy con qua các câu chuyện kể, hỏi lại trẻ nội dung bằng các cụm từ tại sao, như thế nào…, giúp trẻ phát triển vốn từ. Điều nữa, bố mẹ cần làm là giúp con có kĩ năng sống tự lập, biết đi vệ sinh, tự lau sạch, khi có nhu cầu gì biết xin phép cô, dạy trẻ biết chào hỏi, giao lưu, biết sắp xếp đồ đạc, đồ dùng học tập, chuẩn bị sách vở, tự ăn, rửa bát, lau mặt… trước khi đến trường TH”.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục TH, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định không nên dạy trẻ học trước lớp 1. Bởi ở bậc mầm non, nhất là chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi đã chuẩn bị đầy đủ tâm thế, kiến thức cho trẻ vào lớp 1.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)