Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Xôn xao tin đồn ăn cánh gà có nguy cơ u nhọt, ung thư

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trên Internet, nhiều người truyền nhau thông tin: ăn cánh gà thường, nhất là với phụ nữ sẽ dễ bị u nang trong dạ con, u vú… vì ở cánh gà chứa một lượng lớn hormone tăng trưởng. Thông tin dịch lại từ báo nước ngoài này đã khiến người dân rất hoang mang.

Theo thông tin này, nhiều các con gà đã được tiêm hormone tăng trưởng để lớn nhanh và vị trí tiêm là cổ hoặc hai cánh. Vì vậy, ở các bộ phận này, lượng hormone (steroid) sẽ tập trung cao nhất. Nếu ăn cánh gà thường xuyên sẽ có nguy cơ xuất hiện các khối u…
Hormone tập trung nhiều nhất ở… cánh gà?
Trước lo lắng của nhiều người dân, liệu Việt Nam có tồn tại các thuốc hormone dạng tiêm để kích thích sự tăng trưởng của gà, TS Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, tại VN quy trình trong chăn nuôi gà, không tiêm các hormone tăng trưởng nói chung và steroid nói riêng.
Đặc biệt, kể cả trong thức ăn cho gà cũng quy định không sử dụng các chất tăng trưởng và hormone tăng trưởng. Vì vậy, nếu gà được nuôi đảm bảo theo đúng quy định sẽ hoàn toàn không có hormone tăng trưởng, an toàn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, ông Giao cũng thừa nhận, hiện nay nguồn thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm kích thích tăng trưởng không kiểm soát được, do đó người dân nên mua thực phẩm ở những nơi tin cậy, có sự kiểm soát của thú y.
Còn ông Đỗ Phú Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho rằng, nếu nói con gà bị tiêm hóc môn tăng trưởng và phần cánh tập trung nhiều hormone nhất, khi ăn nhiều có nguy cơ xuất hiện các khối u là không chuẩn.
Bình thường, khi tiêm thuốc, vắc xin… cho gà, vịt người ta thường phải tiêm vào đầu cánh vì vị trí này ít dây thần kinh, da mỏng nên dễ tiêm. Tuy nhiên sau tiêm, thuốc sẽ ngấm dần vào máu và lan toả khắp cơ thể. Vì thế, nếu một con gà có tiêm hormone tăng trưởng, thì ăn bất cứ phần nào trên cơ thể con gà cũng có nguy cơ chứ không riêng gì cánh. Trừ khi, vừa tiêm xong con gà đã làm thịt ăn ngay thì có thể thuốc vẫn chưa kịp tản ra hết.
Ông Sơn cho biết thêm, ở Việt Nam, chưa có thuốc tăng trưởng dưới dạng tiêm để tiêm cho động vật, gia cầm. Hơn nữa, cũng đã có quy định cấm không sử dụng các chất tăng trưởng và hormone tăng trưởng trong chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn thức ăn gia súc vẫn rất khó khăn. Vì thế, người dân nên mua thực phẩm, rau quả có nguồn gốc, ở những nơi tin cậy, có chứng nhận kiểm dịch, có kiểm soát của thú y.
Thực phẩm ô nhiễm đều gây hại cho sức khoẻ
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư Việt Nam, về nguyên tắc, thực phẩm nếu bị ô nhiễm bất kỳ thuốc, hoá chất nào, trong đó có thuốc trừ sâu, hoá chất bảo vệ thực vật, các hormone, thuốc tăng trưởng khác đều ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ con người.
Sử dụng nhiều thịt gà, vịt, lợn… được nuôi bằng các hormone tăng trưởng hay chất kích thích đều gây hại cho sức khoẻ con người. Vì trong cơ chế gây bệnh ung thư, có nguyên nhân là do hoá chất, trong đó, hormone cũng là hoá chất. Hormone (steroid) vốn là gốc sinh ra các nội tiết tố kích thích phát triển như nội tiết tố tuyến thượng thận, nội tiết tố sinh dục) nó sẽ có nguy cơ làm phát triển một số bệnh ung thư hoặc khối u. Đặc biệt, nó gây ảnh hưởng tới một vài bộ phận đích của cơ thể như dạ con, tuyến vú vì đây là những bộ phận chịu tác động nhiều nhất của hormone.
Ngoài ảnh hưởng của hóc môn tăng trưởng khi ăn thịt động vật, các chất tồn dư độc hại trong thịt, trứng sữa như hormone, thuốc kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, độc tố vi sinh, nấm mốc, kim loại nặng và hoá chất khác… cũng có thể âm thầm ảnh hưởng cho sức khoẻ, trong đó có nguy cơ bệnh ung thư.
“Nếu ăn nhiều những nguồn thực phẩm này, trước hết, có thể gây bệnh béo phì và con người trở thành đối tượng “gián tiếp” bị tác động của hormone. Ngoài ra, có thể sẽ sinh ra một số rối loạn có thể gây ảnh hưởng không bình thường tới cơ thể. Vì thế, để không ảnh hưởng tới sức khoẻ, mọi người nên sống hoà mình với thiên nhiên, sử dụng các sản phẩm được nuôi dưỡng tự nhiên, hạn chế sử dụng thuốc tăng trưởng, phân bón để động vật, thực vật lớn nhanh”, GS Đức nói.
Hồng Hải /Dan tri

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)