Làm tăng ca 3 tiếng/ngày hoặc đi rửa bát, gội đầu thuê…là những việc mà công nhân đang phải bươn trải để kiếm tiền về quê ăn tết.
Càng sát kì nghỉ Tết, việc đặt mua vé tàu càng trở nên khó khăn. Biết được điều này, không ít công nhân đã tìm đủ mọi cách xoay xở tiền để đặt mua vé tàu từ sớm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chậm trả lương đã đẩy họ vào đường cùng, thế bí buộc phải cầu cứu cha mẹ của mình – những người nông dân nghèo khổ.
Nguyễn Thị Thủy – công nhân của một doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Tháng vừa rồi tôi bị chậm lương. Đến ngày 15/1 vẫn chưa có tiền tạm ứng nên buộc phải gọi điện về nhà, vay bố mẹ tiền mua vé tàu Tết”.
Rửa bát thuê kiếm tiền tiêu tết (Ảnh minh họa) . |
Trong khi không ít đồng nghiệp của Thủy chọn một công việc tạm bợ nào đó làm để kiếm “xổi” chút tiền tiêu tết, bản thân cô nàng quyết định làm tăng ca.
“Với tình hình kinh tế khó khăn, lương, thưởng thấp như hiện nay, nói thật, có về quê chơi, nghỉ dài ngày cũng chán.
Em đã phải xin làm tăng ca 3 tiếng/ngày để cải thiện thu nhập. Nhưng người ta chỉ cho phép tăng ca 3 ngày/tuần mặc dù em đăng kí cả tuần. Như vậy, khoảng thời gian rảnh rỗi còn lại, em tính vẫn phải kiếm thêm việc khác để làm chứ số tiền ít ỏi kiếm được từ việc tăng ca ở công ty cũng chỉ đủ để bù lại tiền mua vé tàu khứ hồi thôi”, Thủy tâm sự.
“Oằn lưng” xoay đủ nghề mưu sinh
Cùng cảnh ngộ nghèo khó như Thủy, chị Vũ Thị Trâm, công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long than thở: “Giá mà ngày tết các dây chuyền của công ty tôi vẫn hoạt động bình thường thì tôi cũng xin ở lại làm tới hết tết luôn đấy.
Đằng này, cứ theo quy định, đến kì nghỉ Tết là họ tạm dừng hoạt động đẩy chúng tôi vào bộn bề lo toan”.
Theo chia sẻ của chị Trâm, do mới lập gia đình nên tết năm nay vợ chồng chị phải gồng gánh rất nhiều chi phí mà một trong số đó là quà “nhận họ”. Với đồng lương ba cọc ba đồng chẳng đủ cho cặp vợ chồng trẻ chi tiêu trên đất Hà thành đắt đỏ, giờ lại phải lo cái tết sao cho đầu cuối, chị Trâm cho rằng đây là việc vượt quá sức của vợ chồng mình.
“Chồng tôi phải tranh thủ ban ngày đi làm ở công ty, đêm về chạy xe ôm kiếm tiền tiêu tết. Tính ra, một ngày anh ấy chỉ được ngủ chừng 3 – 4 tiếng, giấc ngủ chập chờn giữa màn sương, cái rét buốt của Hà Nội trên chiếc xe máy tàn tạ. Thương lắm, nhưng phận nghèo, biết làm sao được?!”, người phụ nữ trạc 30 tuổi rưng rưng lệ nói.
Gặp Lê Thị Thu (23 tuổi, quê ở Nam Định) khi cô đang ngồi rửa bát thuê cho một quán phở ở phố cổ Hà Nội, không ai nghĩ cô gái này mới chỉ ngoài 20 tuổi.
Thân hình tiều tụy, khuôn mặt hốc hác, các vết quầng thâm bủa vây hai con mắt kèm theo những nếp nhăn do thiếu ngủ trầm trọng và phải lo nghĩ nhiều khiến Thu – cô gái đang ở độ tuổi căng tràn sức sống, “bẻ gãy sừng trâu” trông như người phụ nữ ngoài băm (hơn ba mươi tuổi).
Thu chia sẻ: “Em quê ở Thanh Hóa. Là chị cả của 6 đứa em đang tuổi ăn, tuổi lớn, ngay khi học xong cấp 2, em đã phải đi làm thuê đủ thứ việc để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em.
Từ đầu năm ngoái, em được nhận vào làm công nhân ở khu công nghiệp Sài Đồng bên Long Biên (Hà Nội). Nhưng họ chỉ trả chưa đầy 3 triệu đồng/tháng trong khi chi phí thuê trọ, ăn uống đã ngốn quá nửa tháng lương của em.
Thời gian đầu em cũng xin làm tăng ca, nhưng chẳng kiếm được mấy mà thời gian lại eo hẹp. Sau đó, em xin gội đầu thuê cho người ta. Mỗi ngày họ trả em 30 – 50 nghìn đồng cho cả buổi tối làm thêm ở quán.
Do chủ quán quá khó tính, em lại chưa có kinh nghiệm gì nên chỉ chưa đầy 1 tuần, họ đuổi việc em. Thế là em xin đi rửa bát thuê ở đây với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng”.
Còn không ít công nhân khác đang phải làm “nghề tay trái” để mưu sinh, kiếm tiền chi tiêu dịp tết Nguyên Đán này.
Theo Minh Quân
VTC News
VTC News
Nghịch lý lương, thưởng tết tăng?
Bộ Lao động Thương binh Xã hội công bố, lương thưởng tết của người lao động năm nay đều tăng so với năm trước, thậm chí có mức tăng lên tới 12%. Tuy nhiên, theo một cán bộ của Vụ tiền lương, thống kê này chỉ dựa trên báo cáo của 3% tổng doanh nghiệp cả nước.
Trong khi đó, có một thực tế đau xót là tại địa bàn nhiều tỉnh, thành phố (đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh và TP.Hải Phòng) rất nhiều các vụ ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động xảy ra vào dịp cuối năm do lương, thưởng tết. Bên cạnh đó hàng ngàn công nhân không có lương, thưởng tết do doanh nghiệp giải thể, hoặc xin “khất” sang năm sau.
Tại TPHCM, công ty Nissey, KCX Tân Thuận, Q.7 dù được xem là có mức thu nhập cao ở TPHCM, nhưng năm nay thưởng tết cũng bị giảm đi gần một nửa”. Vì lương thưởng tết giảm nên có lúc khoảng 2.600 CN Cty TNHH Nissey Việt Nam ở 2 xưởng sản xuất đã ngừng việc phản đối. Cũng ở KCX Tân Thuận, gần 300 CN Cty TNHH SoWa VN đã ngừng việc vì lý do Cty tăng lương định kỳ “nhập nhèm” với lương tối thiểu. Tại buổi thương lượng không thành, Cty cũng đã tuyên bố luôn sẽ giảm thưởng khoảng 60% so với năm 2011. Cty TNHH may-thêu giày An Phước sử dụng hơn 3.500 NLĐ làm việc tại 7 chi nhánh, chuyên may veston, jacket, quần áo… Nhưng cách đây vài ngày gần 700 CN ở xưởng KCN Tân Bình ngừng việc, lý do cũng chỉ là bị giảm tiền thưởng nhiều so với năm ngoái vì cách tính và trừ điểm thưởng tết khá oái oăm của Cty. Tại Hải Phòng, nhiều đơn vị, DN bị đình đốn sản xuất do thiếu vốn, không ký được hợp đồng, sản phẩm tồn đọng… dẫn đến việc trên 800 DN phải ngừng hoạt động, phá sản, chủ DN bỏ trốn. Trên 1.000 DN đóng mã số thuế, 14.800 LĐ bị thiếu việc làm, 8.790 LĐ bị mất việc khiến đời sống hết sức khó khăn. Cùng với đó, tình hình nợ đọng BHXH của các đơn vị, DN còn khá lớn. Chỉ tính riêng các DN thuộc Vinashin đã nợ BHXH tới 154 tỉ đồng, nợ lương CNLĐ hơn 110 tỉ đồng. Các DN này đã tạm ứng tiền lương đến tháng 12.2012, một số DN mới thanh toán lương đến tháng 5.2012, tổng số LĐ mất việc của Vinashin ở Hải Phòng là 4.561 người. M.Khang – PV
|
Bình luận (0)