Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Xót xa muối đắng

Tạp Chí Giáo Dục

Đã 3-4 vụ muối rồi, hễ trời mưa là diêm dân lại trắng tay. Đi trên những đồng muối bạt ngàn chỉ trơ lại nền đất và lượng muối ít ỏi còn sót lại, chúng tôi cảm thấy xót xa đến nao lòng. Lại một mùa muối đắng nữa làm khổ diêm dân và không biết bao giờ người làm nghề muối mới hết khổ?

Phụ thuộc ông trời

Chúng tôi đến ấp An Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải), một trong những nơi có diện tích làm muối lớn nhất Bạc Liêu. Trận mưa trái mùa vào những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua đã biến bao nhiêu công sức, mồ hôi của diêm dân tan theo bọt nước. Gần 8 tỷ đồng, một con số thiệt hại quá lớn so với thu nhập của bà con diêm dân. Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, những đợt mưa trái mùa vừa qua đã làm cho hơn 1.958ha muối chuẩn bị thu hoạch thiệt hại nặng nề, đẩy đời sống của 1.266 hộ diêm dân vào cảnh khốn khó. Trên các đồng muối xác xơ, diêm dân đang gắng sức cải tạo lại đồng muối.

Đứng nhìn ruộng muối chẳng còn mấy hạt để thu, ông Trịnh Văn Quý xót xa nói: “Năm nay, do mưa xuất hiện bất ngờ vào ban đêm nên tôi và bà con ở đây không kịp trở tay. Đợt mưa này, tôi bị thiệt hại khoảng 60% lượng muối”. Xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), nơi được xem là vương quốc muối (đứng thứ 2 của Bạc Liêu) cũng không thoát khỏi số phận. Vào những ngày này, đồng muối mênh mông nước. Nhiều diêm dân cảm thấy chán nản, chẳng muốn cải tạo lại để làm muối. Mới vào vụ mà diêm dân ở đây đã bị thiệt hại nặng nề, có gia đình chưa kịp thu được hạt muối nào lại phải gánh thêm chi phí đầu tư mới cho việc cải tạo lại ruộng muối. Phần lớn diêm dân đều là hộ nghèo, muốn có tiền tái đầu tư không phải là chuyện dễ. Vả lại, chuyện “ăn trước trả sau” vốn luôn đeo bám diêm dân từ bao đời nay.

Diêm dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) cải tạo lại đồng muối.

Ông Trần Văn Thảo, diêm dân ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Thịnh), than thở: “Nghề muối phụ thuộc vào ông trời nhiều lắm. Nếu thời tiết nắng tốt, nhiệt độ cao, không chỉ trúng mùa mà hạt muối làm ra đẹp vô cùng. Còn nếu thời tiết ẩm thấp, mưa gió thất thường thì thất thu. Đợt mưa vừa qua, tôi chỉ thu hoạch được 0,8/2,8ha muối, còn lại 2ha mất trắng. Như vậy là còn may, bởi nhiều hộ khác trắng tay, không thu được hạt muối nào”. Những cơn mưa trái mùa đã đi qua nhưng tiếng than từ đồng muối cứ âm ỉ đâu đó làm người ta không khỏi đắng lòng. Nghề muối cực lắm, nhưng khó có thể làm giàu. Song, đó là “cái nghiệp” đã trót mang. Nếu không phải thế thì làm sao có gia đình 3 – 4 đời vẫn gắn bó với nghề muối.

Còn ông Ngô Văn Dứt, diêm dân ấp Vĩnh Hòa, cho rằng: “Những năm gần đây, do mưa gió thất thường, giá muối thấp, người làm muối nhiều lúc trắng tay. Tôi đã làm nghề này hơn 30 năm chẳng qua chỉ vì yêu nghề, chứ thu nhập từ hạt muối mang lại chẳng là bao”. Tình yêu của diêm dân đối với hạt muối là thế, nhưng không biết tình yêu đó có mãi vững bền khi sự nghiệt ngã của thiên tai, thị trường cứ thay nhau đẩy diêm dân vào cảnh khốn khó. Muối Bạc Liêu đã có thương hiệu và nổi tiếng từ xa xưa, cớ sao diêm dân vẫn nghèo, vẫn khổ?

Khổ vì thương lái

Người làm muối không những chỉ đối mặt với thời tiết, mà còn phải giải quyết khó khăn đầu ra cho hạt muối. Vất vả hàng tháng trời làm ra hạt muối, bà con chỉ mong bán được giá, vậy mà năm nào cũng bị thương lái ép giá. Ở xã Vĩnh Thịnh, việc thu mua muối của diêm dân phần lớn phụ thuộc vào thương lái hay phải thông qua các điểm thu mua đầu mối. Thông thường, muối thu mua tại ruộng bao giờ cũng rẻ hơn 2.000 – 3.000 đồng/giạ so với bán trực tiếp cho các công ty. Mặc dù biết bị ép giá, nhưng diêm dân vẫn phải bán.

Ông Hứa Văn Niên, diêm dân ở ấp Vĩnh Mới (xã Vĩnh Thịnh), nói: “Những diêm dân có diện tích làm muối nhiều, có vốn thì có điều kiện vựa muối lại để chờ giá cao mới bán. Còn những người có diện tích sản xuất nhỏ, phải vay mượn tiền đầu tư thì dù giá muối có thấp cũng phải bán để trang trải chi phí. Dựa vào khó khăn này mà các thương lái thay nhau chèn ép giá”. Đó là chưa kể đến chuyện mỗi khi thu hoạch rộ là muối bỗng dưng mất giá mà không rõ nguyên nhân. Từ đầu năm đến nay, giá muối thay nhau giảm đến thảm hại. Hiện nay, giá muối chỉ còn 1.100 – 1.200 đồng/kg đối với muối đen và 1.500 – 1.600 đồng/kg đối với muối trắng (giảm so với thời điểm tháng 1-2013 từ 1.200 đến 1.400 đồng/kg). Vì vậy, những hộ có tiền chuyển sang nuôi tôm, cá kèo hay nuôi artemia. Còn những hộ nghèo có vài ba công muối thì bán đất đi nơi khác mưu sinh, lập nghiệp.

Ông Lưu Văn Tỷ, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, lý giải: “Trước tình trạng mưa trái mùa xuất hiện đột ngột làm thiệt hại cho người làm muối, Phòng NN-PTNT huyện đã đề xuất với tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ cho diêm dân như hỗ trợ xăng, dầu phục vụ bơm tát để khôi phục lại sản xuất; hỗ trợ lượng muối đã tan trên sân chưa kịp thu hoạch nhằm giúp diêm dân giải quyết phần nào khó khăn”. Thực hiện chính sách hỗ trợ diêm dân bị thiệt hại là cần thiết nhưng đây cũng chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời, chưa mang tính bền vững.

Tôi còn nhớ gương mặt ướt đẫm mồ hôi của chị Tư, diêm dân xã Điền Hải (huyện Đông Hải), đang cố tận thu những hạt muối còn sót lại trên đồng sau những trận mưa trái mùa. Chị Tư bộc bạch: “Của đổ thì hốt chứ bỏ tội lắm. Hơn nữa, nghề muối là nghề ông bà để lại, nên dù có vất vả đến mấy cũng phải gìn giữ”.

SONG HỶ (SGGP)

Bình luận (0)