Hàng tháng, sau khi trừ đi các khoản đóng góp, ủng hộ… mức lương thực lãnh của tôi cũng như những đồng nghiệp là giảng viên trẻ khác trong trường chưa tới 1.300.000đ. Mức thu nhập này còn kém xa mức thu nhập của một công nhân hay lao động phổ thông hiện nay.
Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, tôi có nhiều cơ hội được ở lại công tác tại một trường đại học lớn ở một thành phố lớn của đất nước. Nhưng, tôi lại quyết định trở về quê nhận công tác tại một trường đại học.
Đấy là trường đại học mới thành lập của tỉnh Trà Vinh – một trong những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam. Bỏ qua mọi lời mời gọi với mức lương hấp dẫn và điều kiện sinh hoạt tốt của nhiều nơi. Một quyết định khiến nhiều bạn bè tôi ngạc nhiên. Nhưng, tôi luôn tin tưởng ở quyết định của mình, tôi muốn được đóng góp, được cống hiến…
Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra ở đây khiến tôi cũng như bao đồng nghiệp khác không khỏi thất vọng và hoài nghi về môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong ngành giáo dục mà sau một thời gian công tác, tôi chua xót nhận ra bao điều bất cập trong ngành giáo dục của tỉnh nói riêng cũng như trong hệ thống giáo dục nhiều nơi khác.
Từ nỗi xót xa ngậm ngùi mỗi khi nhận tiền lương…
Hàng tháng, sau khi trừ đi các khoản đóng góp, ủng hộ… mức lương thực lãnh của tôi cũng như những đồng nghiệp là giảng viên trẻ khác trong trường chưa tới 1.300.000đ. Đó là mức thu nhập của một giảng viên trong suốt một tháng lao động vất vả – mức thu nhập này còn kém xa mức thu nhập của một công nhân hay lao động phổ thông hiện nay.
Với đồng lương ít ỏi đó, chúng tôi phải chi trả biết bao là thứ: tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước… Sau khi trừ đi những khoản đó, thực sự, chúng tôi không biết rồi với số tiền còn lại ít ỏi đó sẽ làm sao để sinh sống trong suốt 30 ngày trong tình trạng cơn lốc giá như hiện nay. Thay vì để đầu óc cho việc đọc sách và nghiên cứu khoa học, chúng tôi lại phải để giành nó cho việc phân chia số tiền để chi tiêu – nghe có vẻ nực cười!
Nhưng cho dù có phân chia khoa học, tiết kiệm đến đâu đi chăng nữa, chúng tôi cũng chỉ đủ trang trải cho khoảng tối đa là 15 ngày mà thôi. Vì vậy, những bữa ăn sáng ở mức tối thiểu là 3.000đ ít ỏi cũng dần bị cắt vào những ngày nghỉ hay vào cuối tháng. Nhiều hôm, nhịn đói đứng trên bục giảng từ sáng tới trưa vì… hết tiền! Quả thật là chua xót ngậm ngùi cho nghề giáo! Nhưng biết phải làm sao đây?! Bữa chính của những giảng viên trẻ như chúng tôi là bữa trưa và chiều thì cũng chỉ gọi là bữa cho qua loa!
Qua báo chí, chúng tôi thấy mức chi cho ngành giáo dục không ngừng tăng hàng năm. Vậy, tại sao đời sống của chúng tôi vẫn không ngừng giảm? Vẫn biết, khi chọn nghề sư phạm là chấp nhận sự hi sinh. Vì thế, chúng tôi cũng đâu có dám đòi hỏi gì nhiều cho bản thân mình?! Chẳng lẽ, một chỗ ở ổn định, một bữa cơm đạm bạc để đủ sức làm việc là những đòi hỏi quá cao so với sức lao động của chúng tôi hay sao?
…Tới những ràng buộc vô lí trong cơ chế hành chính
Bao đam mê, háo hức là vậy. Khi bước vào môi trường làm việc thật sự, tôi mới nhận ra bao đắng cay chua xót của một nhà giáo.
Trước khi về đây, chúng tôi được nghe bao hứa hẹn về việc ưu đãi nhân tài của các vị lãnh đạo của trường cũng như tỉnh. Nhưng, có vào rồi mới biết chính sách vẫn… chỉ là trên giấy hoặc lời nói.
Đầu tiên là việc kí kết hợp đồng. Khi về đây, chúng tôi phải kí kết hợp đồng khóan 3 tháng với Khoa chủ quản trước khi kí hợp đồng thử việc 12 tháng với Trường. Cứ tưởng là sau 3 tháng chúng tôi sẽ được kí hợp đồng với Trường. Nhưng, khi hết hợp đồng khoán 3 tháng, chúng tôi lại không được kí hợp đồng với Trường mà vẫn phải kí lại hợp đồng khoán với Khoa tiếp 3 tháng nữa.
Khi kí hợp đồng khoán với Khoa như vậy, chúng tôi cũng không được tham gia bảo hiểm (Bảo hiểm Y tế và Bảo hiểm xã hội ) hay hưởng bất kì chế độ gì của Nhà trường và Nhà nước. Và, càng vô lí hơn, chúng tôi cũng không được tính quãng thời gian đó vào thời gian tập sự. Và, sau sáu tháng “công cốc”, chúng tôi mới được kí hợp đồng lao động với Nhà trường – mô phật!
Nhưng, không chỉ có vậy, mà điều quan trọng nhất là môi trường làm việc. Môi trường làm việc ở đây thật sự khiến chúng tôi cảm thấy rất ngột ngạt. Hàng ngày chúng tôi cứ tới Khoa rồi đợi hết giờ là ra về với một không khí căng thẳng, nặng nề, mặc dù chúng tôi không phải là những nhân viên văn phòng nhưng vẫn phải túc trực suốt ngày (trừ những tiết đi dạy). Thử hỏi như vậy thì lấy đâu thời gian để đọc sách, nghiên cứu tài liệu.
Chính vì điều đó, càng ngày càng nhiều những nhà giáo có tài, có đức, thậm chí có cả những vị lãnh đạo cấp cao nhưng không chịu nỗi cảnh tù túng đã phải rời khỏi Nhà trường. Họ ra đi để lại những khoảng trống lớn. Và, thật sự những người chịu thiệt thòi không ai khác ngoài sinh viên. Thiếu giảng viên, đặc biệt là những giảng viên có trình độ chuyên môn cao, nên có những giảng viên phải dạy tới 5-6 môn khác nhau. Hoặc thậm chí còn cho cả những người chưa đủ chuẩn, chưa đủ trình độ giảng dạy. Với thực trạng như vậy, thử hỏi chất lượng đào tạo rồi sẽ đi về đâu?
Thiết nghĩ, với cơ chế như hiện nay thì một mặt giảm đi sự năng động, sự cống hiến của giới trẻ, mặt khác, tạo nên sự lãng phí lớn ngân sách nhà nước, giảm niềm tin của đội ngũ trí thức. Và những người không chấp nhận cuộc sống đó tất yếu sẽ ra đi. Và như vậy, mọi sự thiệt thòi sẽ do sinh viên gánh chịu.
Vì vậy, các cấp lãnh đạo, quản lý cần sớm thực hiện những cải cách cần thiết trong văn hóa công sở ở các cơ quan hành chính nghiệp vụ; đồng thời, cần có những chính sách đãi ngộ thiết thực, làm sao cho các nhà giáo cũng như công chức nói chung sống được bằng đồng lương và yên tâm với công việc. Có như vậy các nhà giáo mới có thể toàn tâm toàn trí cống hiến cho xã hội.
Một giáo viên tại Đại học Trà Vinh
LTS – Đọc bài viết trên đây, ai cũng thấy buồn cho thân phận những giáo viên đại học, hơn thế còn thấy buồn và lo lắng cho kết quả học tập và tương lai của sinh viên học ở đây.
Không biết hiệu trưởng của trường đại học này có bao giờ đặt địa vị vào một giảng viên trẻ tuổi mà bị trả lương và đối xử như vậy thì liệu ông ta (hay bà ta) còn đủ sức lực và nhiệt tình đứng trên bục giảng nữa hay không?!
Đã đành chính sách chung hiện nay còn những điều bất cập, nhưng trách nhiệm của Hiệu trưởng một trường đại học trong phạm vi quản lý của mình, cần tìm những giải pháp khả thi nhằm bảo đảm đời sống của giáo viên cũng như tạo cho họ có điều kiện làm việc thoái mái có hiệu quả. Đấy cũng là điều kiện số1 bảo đảm chất lượng giảng dạy giúp cho sinh viên học tập có kết quả.
Theo Dan tri
Bình luận (0)