Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Xu-đăng: Trẻ em tị nạn trở về xây dựng trường học cho quê hương

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học tại Xu-đăng (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Alang Majok, một thiếu nữ 16 tuổi bị bệnh nặng, phải vượt qua các bụi rậm ở châu Phi mới đến được Bệnh viện Trẻ em thất lạc Duk nằm ở miền Nam Xu-đăng. Đây là bệnh viện được thành lập từ một dự án do vài chục trẻ em thất lạc trước kia góp tiền xây dựng.

Hiện nay, nhiều trẻ tị nạn trước đây đã trở về miền Nam Xu-đăng để xây dựng trường học, đào giếng lấy nước sạch và cung cấp viện trợ y tế trong những làng mà trước kia họ đã phải trốn chạy và bị thất lạc vào năm 1987. Trong 10 năm, “các trẻ em thất lạc” do trốn chạy khỏi chiến tranh, đã đến sống tại các trại tị nạn ở Kenia và Mỹ. Ngày nay, một số em đã quay về và đóng góp xây dựng quê hương với sự giúp đỡ của những người Mỹ cảm kích lòng can đảm và quyết tâm sống sót của các em. Để có tiền ủng hộ các bạn châu Phi, học sinh Mỹ đã bán những chiếc áo ngắn tay do các em làm ra. Một số khác tổ chức những bữa cơm từ thiện. Còn một số thầy thuốc và giáo viên thì đóng góp cả tiền, bạc, thời gian và công sức.
 Ở miền Nam Xu-đăng, phụ nữ có nhiều khả năng bị chết vì sinh đẻ do không được sự hỗ trợ về y tế. Vì lý do đó, Jon Bul Dau – một trẻ em thất lạc trước đây đã quyết định mở “Trung tâm Y tế Dust của trẻ em thất lạc” nhằm giúp các sản phụ sinh con trong những điều kiện tốt hơn. Nằm trong một vùng heo hút, không điện, không điện thoại, trung tâm phải nhờ đến những công nghệ cao – những tấm thu năng lượng mặt trời giúp tạo ra điện chạy máy lạnh để cất giữ văc-xin. Một ăng ten parabol bảo đảm điều kiện sử dụng internet với dung lượng cao, có thể giúp các nhân viên y tế truy cập mạng để xin ý kiến hai bác sĩ ở Hoa Kỳ.
 Cuộc chiến tranh ở miền Nam Xu-đăng đã chấm dứt năm 2005, nhưng đến nay, đời sống của khoảng 10 triệu dân tại đây vẫn thiếu thốn đủ bề. Những cuộc xung đột chủng tộc vẫn xảy ra dai dẳng, vì thế, 130 nhân viên tình nguyện phi chính phủ có mặt ở Nam Xu-đăng rất khó để tiếp cận với những vùng khó khăn, nơi những bạn trẻ cố gắng góp phần xây dựng lại quê hương.
Dù có nguồn tài nguyên quan trọng là dầu hỏa, nhưng Xu-đăng vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Những trẻ em thất lạc ngày xưa rất bức xúc trước những bất công mà chúng chứng kiến. Chúng đã học đọc, học viết trong những trường tạm bợ của các trại tị nạn. Mắt chúng đã thấy bạn bè chết trong trại vì không có thuốc chữa bệnh. Ông Franco Majok, 47 tuổi, tị nạn ở Xu-đăng, người đã xây dựng một trường học trong làng nói: “Chúng nó đã sống ở Ê-ti-ô-pi, Kenia và Hoa Kỳ, và chúng hiểu rằng ở Xu-đăng có một cái gì đấy bất ổn. Khi hòa bình được lập lại, chúng trở về quê hương và thấy rằng các nhà chức trách đã quá chậm chạp trong việc phát triển vùng này. Khi thấy trong vùng không có nước, không có trường học, chúng nhận ra rằng mình phải tự tay xây dựng chứ biết nhờ vào ai?”.
 Franco Majok, người giúp tìm và tập hợp những trẻ em thất lạc, đã xây dựng làng trợ giúp nhằm phát triển vùng Wunlang. Ông cũng xây dựng một bệnh viện và một trại mồ côi. Ông Franco Majok đã tuyển dụng Angelo Kiir, một “cựu trẻ em thất lạc” đang định cư ở Syracuse (bang New York) về làm việc tại Nam Xu-đăng. Năm 2009, Angelo Kiir, 28 tuổi, đã bỏ công việc đẩy xe cáng thương ở Bệnh viện St Joseph’s và Trung tâm Sức khỏe Syracuse để trở về quê hương sau khi hai người em của anh qua đời vì không nhận được sự quan tâm chu đáo của các cơ sở y tế. Angelo nói: “Ở đây, con người sẽ bị bệnh tật hành hạ cho đến chết do không được chăm sóc chu đáo. Vì lý do đó, tôi quyết định trở về quê hương”. Tự tay Angelo Kiir đã làm gạch để xây dựng bệnh viện. Từ ngày thành lập, bệnh viện đã điều trị cho 28.000 người bệnh, đỡ đẻ cho 250 sản phụ, chích ngừa cho 3.000 trẻ và khám thai cho 450 phụ nữ. Tháng giêng vừa qua, lần đầu tiên bệnh viện thực hiện được ca truyền máu. Đến giờ, cô Alang Majok vẫn chưa quên được cảm giác hạnh phúc khi được sinh con trong bệnh viện. Cô nói một cách cởi mở: “Cơn đau đẻ thật là khủng khiếp, tôi tưởng có thể chết được. Nhờ bệnh viện này mà bây giờ tôi mới còn sống ở đây”.
Hiện Angelo Kiir còn có kế hoạch xây trường cho học sinh trong làng. Trong vòng 6 năm tới, thay vì phải học tạm bợ dưới gốc cây, 600 trẻ em trong làng sẽ được học trong những căn phòng tươm tất. Bàn học được làm bằng gỗ acagiu, được khai thác từ những cây to lớn trong khu rừng cách làng không xa. Chính cánh rừng này là nơi dân làng đã ẩn nấp để tránh bọn lính Ả-rập trong cuộc nội chiến kéo dài 21 năm, làm thiệt mạng 2 triệu người và khiến 5 triệu người phải rời bỏ đất nước đi tị nạn.
(Theo Courrier International)
Phan Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)