Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Xứ Đoài thương nhớ: Người cả đời đau đáu vì chữ Nho

Tạp Chí Giáo Dục

Thật kỳ là và đáng trân trọng khi giữa cuộc sống xô bồ, hiện đại lại vẫn tồn tại một lớp học với ông đồ, chữ Nho, mực tàu.

Sao Khuê là lớp học đặc biệt mà học trò từ đứa trẻ lên chín, mười cho đến những cụ già đã 86 tuổi cùng một lúc tham gia. Gần chục năm nay, dưới mái nhà chật chội của mình, có một cụ đồ già vẫn miệt mài truyền chữ cho đời. Thật kỳ là và đáng trân trọng khi giữa cuộc sống xô bồ, hiện đại lại vẫn tồn tại một lớp học với ông đồ, chữ Nho, mực tàu và không khí Nho học- những hình ảnh tưởng như đã lùi vào quá vãng!

Rèn chữ rèn người
Cụ đồ già mà chúng tôi nói đến đó là cụ Nguyễn Nghiêm Đạt ở xóm Đình, xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội. Học trò vẫn thường gọi cụ  với cái tên thân mật: cụ đồ Vết.
Giữa muôn vàn khó khăn của cuộc sống thường nhật, ông cụ vẫn ngày đêm hết mình uốn nắn những nét chữ cho các  học trò. Bất cứ ai đến với lớp học đều được thu nhận không kể lớn bé, giàu nghèo. Qua lớp học nhỏ của mình, mỗi buổi học, cụ vẫn chỉ bảo cho học sinh từng chữ, từng giá trị đạo lý cũng như cách để giữ gìn và bảo tồn văn hóa Việt.
Ít ai biết, cụ đồ Vết đã phải trải qua một quãng đời đầy gian khó. Cụ đồ Vết sinh năm 1942 trong một gia đình nghèo nhưng có truyền thống dạy học.  Bố cụ mất sớm nên ngay từ nhỏ, mấy anh chị em trong gia đình đã phải tự trang trải lao động kiếm sống qua ngày. Con đường học hành chữ nghĩa dường như đã chấm dứt và truyền thống dạy chữ của gia đình cũng đứng trước nguy cơ chấm dứt. Thế nhưng tranh thủ những lúc rảnh rỗi, cậu bé Đạt lại mang giấy, bút lông, mực tàu đến nhà ông nội để học chữ. Từ những nét chữ nhất, nhị, tam, tứ,… dần dần, với sự ham học hỏi, cậu bé Đạt đã nhanh chóng đọc thông, viết thạo chữ Nho. Hồi đó, cậu còn được đánh giá là một người có nét chữ như "rồng bay phượng múa".
Cả cuộc đời tuổi trẻ như bao nhiêu thanh niên khác cùng thế hệ phải sống trong những tháng ngày sống trong binh lửa chiến tranh với bao gian khó chồng chất, anh thanh niên Đạt đành phải gác bút nghiên để bươn bả khắp nơi kiếm tiền nuôi sống gia đình. đã trải qua biết bao nhiêu nghề như buôn cát, bán đồng nát… Thế nhưng giữa bộn bề mưu sinh, tranh thủ lúc rỗi, anh thanh niên Đạt lại đem mực tàu, giấy đỏ ra múa bút để khỏi quên đi những nét chữ ngày nào. Với chàng thanh niên này: luyện chữ Nho cũng là rèn tính cách cho bản thân.
Về sau này, khi cuộc sống đỡ vất vả hơn, cụ có cơ hội quay trở lại với thú vui tao nhã xưa! Là một người thạo chữ nghĩa, ông cụ không đành lòng đứng nhìn những nét chữ của nền Nho học ngày trước bị chìm dần vào quên lãng. Bởi vậy mà sau nhiều trăn trở, ông cụ quyết định mở lớp để dạy chữ nho cho ai có nhu cầu học. Ông cụ Đạt bảo: "Mỗi nét chữ mình dạy cho học trò cũng chính là tấm lòng mình gửi gắm vào đó. Chính từ việc mong muốn hậu thế vẫn có thể đọc, viết và hiểu được chữ nho cho nên tôi không thu học phí". Ngoài việc không thu học phí, thì mọi cơ sở vật chất của lớp học, đặc biệt cả cuốn giáo án cũng do một tay cụ đồ này tạo dựng.
Thuở ban đầu, ông cụ dạy chữ nho cho con cháu trong nhà, trong dòng họ. Lâu dần, nhiều người biết, thấy hay và xin theo học. Đến bây giờ, đã có học trò thứ 502 đến xin học chữ. Điều đáng nói là lớp học của ông cụ gồm nhiều độ tuổi. Trẻ nhất có em mới 10 tuổi. Người già nhất cũng đã ngoài ngưỡng tuổi "thất tuần". "Có cụ tên là Trần Bình Trọng, người trong Nam, vì tuổi cao sức yếu, không thể đến Sơn Đồng theo học được. Nhưng vẫn nhất quyết muốn học chữ nho. Những con người ở tuổi xế chiều rồi mà vẫn ham học khiến tôi rất khâm phục. Tôi đành phải dạy cụ Trọng qua điện thoại", cụ Đạt nói.
Với ông, dạy chữ nho là dạy văn hóa ta, chữ ta, giấy ta, mực ta.
Đã bước sang tuổi 70, nét bút của ông vẫn bay bổng và điêu luyện.
Làm sống lại mực tàu, bút lông
Lớp học mang tên Sao Khuê. Giải thích về cái tên này, cụ đồ Vết cho biết: Trong văn hóa phương Đông, Sao Khuê là biểu tượng của văn học, học thuật cũng như sự đức độ, tài trí của con người. Đặt tên lớp là Sao Khuê cũng là cách qua chữ nho, cụ gửi gắm niềm hi vọng vào những học sinh của mình. Cụ hi vọng những học sinh của lớp không chỉ biết đọc, biết viết chữ nho mà còn biết cách học để làm người, biết tu dưỡng nhân cách để thành những người có ích cho xã hội.
Trong từng nét chữ là những lời giảng giải cho học trò về thánh hiền, về các chuẩn mực đạo đức và những chân lý sâu xa mà cha ông đã gửi gắm vào trong chữ Nho. Ông cụ tâm sự: "Đừng nói học chữ nho là học chữ người ta. Ông cha ta gửi gắm bao nhiêu điều tốt đẹp dạy đời trong từng nét chữ. Đó là chữ ta, giấy ta, mực ta và văn hóa ta. Văn hóa đâu có gì cao xa. Đó là lễ nghĩa. Ngay chính mảnh đất Sơn Đồng được soi chiếu từ ngọc phả ở đền thượng ở làng thì đã có tuổi đời hàng nghìn năm với biết bao tiến sĩ, thượng thư, quận công, thám hoa, bảng nhãn… đã đủ để con cháu học hỏi noi theo".
Đến lớp Sao Khuê, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy một người đàn ông trạc tuổi 60 đang ngồi chăm chú với từng nét chữ. Hỏi chuyện mới biết, đó là ông Nguyễn Văn Phao, học trò mới nhất của lớp Sao Khuê.  "Trò" Phao mới bay từ Eaka, Đắc Lắc ra Hà Nội để tìm thầy đồ Vết học chữ. Từ sân bay, chỉ với một thông tin khá mơ hồ: cụ đồ Vết ở xứ Đoài. Sau hơn 2 ngày tìm nhà thầy, ông được cụ đồ Vết không những tiếp nhận mà còn thu xếp cho "trò" ăn nghỉ ngay tại nhà mình.
Ông Phao kể rằng, trước đây công tác ở Hội cựu chiến binh của huyện. Sau khi nhận được quyết định nghỉ hưu là ông ngay tức khắc tìm thầy Vết để thỏa ao ước được học chữ nho. "Học qua đài báo, qua sách vở, thậm chí tôi mua băng về học nhưng vẫn cảm thấy mình còn phải học nhiều hơn nữa. Một lần nghe Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu về thầy đồ Vết. Tôi đã ghi địa chỉ lại và chỉ mong đến ngày nghỉ hưu để lên đường. Rất may, khi đến nhà thầy, lại được thầy tạo điều kiện hết sức. Quả thật, ngoài sự mong đợi của tôi".
Cụ đồ Vết kể rằng có những học trò trước khi đến với lớp Sao Khuê tính tình nóng nảy, vô lễ. Nhưng chỉ qua một thời gian theo học,  nhiều trường hợp đã thay tính đổi nết, mê chữ quên cả chơi bời, đi thưa về gửi khiến cho bố mẹ cũng phải ngạc nhiên.
Ông cụ bật mí bí quyết khi dạy chữ: Cụ thường đưa ra câu chuyện về những nhà nho nghèo, về những tấm gương vượt khó học hỏi ở chính quê mình vì cuộc sống phải đánh vật từng bữa với miếng cơm manh áo nhưng vẫn giữ vững được cốt cách, tâm hồn. Qua lời dạy của thầy, những học sinh đó dần dần trở nên hiền hòa hẳn và biết chăm lo cho cuộc sống gia đình hơn… Cứ thế, những con chữ đã gieo vào tâm trí học trò  kiến thức lễ nghĩa quý giá và đời thường nhưng nếu không để ý học hỏi thì không thể biết được.
Suốt cuộc đời gắn bó với chữ nho, giờ đây, tóc đã bạc, mắt không còn sáng như xưa, tai nặng khó nghe nhưng tâm huyết với chữ nho trong con người cụ đồ già này dường như không bao giờ vơi cạn.
"Tôi sẽ truyền dạy chữ khi còn sống trên cõi đời này. Đó là cốt cách, là tinh hoa của cha ông để lại. Bây giờ, giới trẻ sa đà vào nhiều thứ văn hóa lai căng, quan điểm sống bị xô lệch, thấy mà lo. Tôi tự nhận mình là một loài cây hoang dã trong vườn cây. Đóng góp chút ít cho đời thì nguyện không màng danh lợi. Nếu chính quyền địa phương tạo điều kiện mở lớp học đàng hoàng khang trang thì không còn gì bằng", cụ đồ Vết tâm sự.
Người ta biết về xứ Đoài là một vùng đất đậm đà bản sắc văn hoá- Đóng góp âm thầm của những người như cụ đồ Vết thật đáng trân trọng vô cùng.
 Nguyễn Quang Thành
GiadinhNet 

 

Bình luận (0)