Tự tin với màu áo trường nghề
Trong năm học này, có rất nhiều tân sinh viên thi đại học (ĐH) đạt 19 – 20 điểm (3 môn bắt buộc) nhưng không chọn con đường làm “thầy” mà dấn thân làm “thợ” để có một tương lai nghề nghiệp vững chắc. Những tín hiệu vui này đang lan tỏa ở nhiều trường nghề có uy tín, thương hiệu.
Điểm cao nhưng thích học trường nghề
Là một trong nhiều tân sinh viên thi ĐH đạt 20 điểm có thể bước vào giảng đường ĐH nhưng Nguyễn Đình Tuấn, quê Quảng Ngãi, đã chọn Khoa Ô tô Trường Cao đẳng (CĐ) Kỹ thuật Cao Thắng TPHCM là nơi gửi gắm tương lai nghề nghiệp. Đình Tuấn cho biết: “Sau khi tìm hiểu về thị trường lao động và những ngành nghề dễ kiếm việc làm, thu nhập ổn định, em đã chọn ngành ô tô và trường nghề có uy tín để học”. Tương tự, Nguyễn Văn Huy, quê ở Đắk Lắk, cũng đạt 19,5 điểm và chọn học ngành ô tô của trường này để thỏa đam mê trở thành kỹ thuật viên sửa chữa ô tô thành thục. Theo Tuấn và Huy, cha mẹ các em ủng hộ ngay quyết định học nghề của con cái và mong muốn họ sớm có việc làm ổn định, tương lai vững vàng, thay vì chạy theo tấm bằng ĐH nhưng phải loay hoay – đối mặt với thất nghiệp.
Thầy Lê Xuân Lâm, Hiệu phó Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, đưa ra những thông tin vui: “Năm nay, nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 3.000 sinh viên và tỷ lệ đầu vào đạt trên điểm sàn thi ĐH chiếm tỷ lệ cao. Nhiều năm qua, Khoa Ô tô – máy động lực luôn lấy điểm cao từ 18,5 điểm, trong đó nhiều em đạt 19 – 20 điểm hoặc cao hơn vẫn đăng ký học. Còn Khoa Cơ khí chế tạo, tuyển sinh viên đạt 17,5 điểm trở lên, cũng thu hút nhiều sinh viên vào học”. Năm học này, chỉ riêng bộ môn ô tô đã có 600 sinh viên đạt điểm cao, đủ điều kiện bước vào giảng đường ĐH, nhưng các em đã tự tin chọn ngã rẽ trường vào trường nghề CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Theo thầy Nguyễn Thời Trung, Phó bộ môn Ô tô của trường, kỹ thuật viên ngành ô tô ra trường đã được các công ty trả lương khởi điểm 7 – 8 triệu đồng/tháng, nên các em rất yên tâm với ngành nghề đã chọn.
Các tân sinh viên khoa ô tô – máy động lực Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đang thực hành trên thiết bị điện tử
Tương tự, Trường CĐ Nghề Lilama 2 cũng là nơi nhiều tân sinh viên đạt trên điểm sàn ĐH nhưng chọn hướng học nghề để rút ngắn thời gian, chi phí học hành và cơ hội tìm việc dễ dàng. Nhờ đầu tư trang thiết bị dạy nghề hiện đại, đào tạo theo mô hình kép, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, học sinh, sinh viên của Trường Lilama 2 mới đi thực tập đã được DN ký hợp đồng – giữ chân mời làm việc ngay sau khi ra trường. Thậm chí, có nhiều đơn đặt hàng tuyển dụng của DN, tập đoàn kinh tế với số lượng lớn kỹ thuật viên nhưng nhà trường không thể đáp ứng. Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Lilama 2, cho biết thêm: “Ngoài đào tạo nghề chất lượng cao theo đơn đặt hàng của các DN trong và ngoài nước, năm học này nhà trường triển khai chương trình thí điểm hợp tác đào tạo nghề với Đức. Theo đó, trường sẽ tuyển sinh 200 sinh viên cho 4 nghề trọng điểm gồm kỹ thuật viên cơ khí xây dựng, kỹ thuật viên điện tử công nghiệp, kỹ thuật viên cắt gọt kim loại công nghệ cao và kỹ thuật viên cơ điện tử”. Theo học chương trình hợp tác đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế này, sinh viên được học với chương trình chuẩn và chuyên gia Đức. Kết thúc khóa học, sinh viên được cấp bằng của Đức và có cơ hội sang Đức làm việc.
Tín hiệu lạc quan
Điểm qua một số trường nghề có uy tín, thương hiệu, dễ nhận thấy tình hình tuyển sinh năm nay khả quan hơn, thậm chí nhiều trường CĐ nghề đạt và vượt chỉ tiêu ngoài mong đợi. Chia sẻ niềm vui này, Th.S Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, nói: “Khác với mọi năm, nhiều thí sinh đợi xét tuyển xong bậc ĐH và đến tháng 10 mới tìm đến trường chúng tôi, năm nay các em đã chủ động đăng ký chọn nghề, chọn trường nghề từ rất sớm. Vì thế, mới đến tháng 8 và 9, nhà trường đã tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Điều vui hơn cả là nhiều em đủ điều kiện vào ĐH nhưng cũng quyết chọn trường nghề để đeo đuổi đam mê nghề nghiệp, sở trường của mình”. Cũng theo nhận định của vị hiệu trưởng này, tín hiệu đáng mừng là đã có sự chuyển biến về tư duy, nhận thức của xã hội đối với việc học nghề. Trong đó, giới trẻ đã chủ động và độc lập trong suy nghĩ, không còn phụ thuộc vào cha mẹ trong việc định đoạt hướng đi, nghề nghiệp tương lai.
Tương tự, Trường CĐ Nghề TPHCM cũng tuyển sinh vượt chỉ tiêu với trên 1.700 học sinh, sinh viên đã nhập học. So với những năm trước, đây là con số tuyển sinh ngoài mong đợi. Một số trường nghề có thương hiệu, cơ ngơi khang trang khác trên địa bàn TPHCM cũng chung nhận định năm nay tuyển sinh dễ thở hơn, vì người học đã chủ động tìm đến trường nghề chứ không cho rằng “cùng đường mới chọn nơi tá túc” như kiểu nghĩ trước đây.
Lý giải hiện tượng ngày càng có nhiều sinh viên “bỏ trường ĐH dấn thân vào trường nghề, hoặc học xong ĐH nhưng quay lại trường nghề để bổ túc kỹ năng, trình độ tay nghề”, TS Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ TPHCM, cho rằng, ngoài nhận thức của xã hội đã thay đổi thì cơ chế, chính sách mới về thống nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng tác động đến người học. Để đáp ứng nhu cầu và sự cạnh tranh gay gắt của thị trường lao động, dù học chương trình nào, trường nghề nào thì họ cũng được đào tạo kỹ năng nghề theo chuẩn, có thể hành nghề ở bất cứ môi trường lao động, DN nào.
Có thể nói, xu hướng chọn trường nghề đang gia tăng và nhiều bạn trẻ đã tự tin “từ bỏ giảng đường ĐH để dấn thân vào trường nghề” là những tín hiệu vui đáng ghi nhận. Hơn ai hết, họ đã dần hiểu rõ bằng cấp, cái mác cử nhân sẽ không có ý nghĩa thiết thực bằng hành trang “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” trên con đường lập thân, lập nghiệp.
KHÁNH BÌNH/ SGGP
Bình luận (0)