Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Xu hướng chọn môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Tạp Chí Giáo Dục

Việc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn, được dự đoán sẽ tác động đáng kể đến xu hướng chọn môn của học sinh ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau.

TIẾNG ANH: LỰA CHỌN HÀNG ĐẦU CỦA HỌC SINH THÀNH THỊ

Hà Nội có khoảng hơn 100.000 học sinh (HS) sẽ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025, chiếm khoảng 10% số thí sinh thi tốt nghiệp THPT toàn quốc. Do vậy, xu hướng chọn môn thi của các em là điều được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị kỳ thi này.

Minh Ngọc, HS lớp 11D2, Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), chia sẻ em dự kiến chọn môn tiếng Anh và lịch sử ngoài 2 môn bắt buộc. Ngọc nói vì khi học đã được chọn môn theo năng lực, đến khi thi lại tiếp tục được lựa chọn một lần nữa nên thi tốt nghiệp THPT sẽ rất nhẹ nhàng. Điều em và các bạn quan tâm là những trường đại học (ĐH), đặc biệt là ĐH tốp đầu, sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh ra sao.

Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết nhà trường đã khảo sát sơ bộ về nhu cầu lựa chọn môn thi của HS. Theo đó, việc lựa chọn môn thi cũng khác nhau theo từng lớp. Với những lớp HS học các môn lựa chọn là khoa học tự nhiên (KHTN) thì 2 môn thi các em lựa chọn nhiều nhất là tiếng Anh và vật lý, hoặc vật lý và hóa học. Với những lớp thiên về khoa học xã hội (KHXH), môn lựa chọn nhiều nhất là tiếng Anh, tiếp đến là lịch sử, địa lý. Các môn thi mới như tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật cũng có HS lựa chọn nhưng không nhiều.

Theo nhận định ban đầu, tiếng Anh sẽ là môn thí sinh lựa chọn dự thi nhiều, dù là môn không bắt buộc. ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngoài môn tiếng Anh, môn lịch sử cũng được nhiều HS ở khối KHXH lựa chọn do học theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp trải nghiệm nhiều hơn, HS cũng hào hứng với môn học này hơn. "Điều này cho thấy HS sẽ rất thích học lịch sử nếu chúng ta có phương pháp dạy học, kiểm tra đúng cách", ông Nam nói.

Đại diện Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa, Hà Nội) cũng cho hay dù không thi bắt buộc nhưng HS có xu hướng chọn môn tiếng Anh nhiều nhất vì đây là thế mạnh, cũng là môn học được cô và trò nhà trường coi trọng từ nhiều năm nay.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho hay theo kế hoạch, tuần tới nhà trường sẽ tiến hành khảo sát về mong muốn chọn môn đối với HS sẽ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. "Tuy nhiên, điều chắc chắn ngoại ngữ sẽ là môn thi được HS chọn nhiều nhất trong số các môn tự chọn, dù HS học theo hướng phát triển về năng lực KHTN hay KHXH", bà Quỳnh nói.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Trường Marie Curie (Hà Nội), nêu dự kiến khoảng học kỳ 1 năm học tới, nhà trường sẽ khảo sát nguyện vọng chọn môn thi của HS. Môn tiếng Anh dù thi bắt buộc hay không bắt buộc thì chắc chắn sẽ được HS chọn nhiều nhất.

HỌC SINH CÁC TỈNH CÓ XU HƯỚNG CHỌN CÁC MÔN XÃ HỘI ?

Tuy nhiên, ở các tỉnh thì nhiều ý kiến cho rằng việc lựa chọn 2 môn thi sẽ đa dạng hơn, không tập trung quá nhiều vào môn nào rõ rệt như Hà Nội và các thành phố lớn. Đặc biệt, xu hướng chọn môn thi thuộc lĩnh vực KHXH sẽ nhiều hơn vì từ lớp 10 các em chọn các môn này nhiều hơn hẳn KHTN.

Xu hướng chọn môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh là điều được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị kỳ thi này. NHẬT THỊNH

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, nêu thực tế khi thực hiện dạy học lựa chọn theo chương trình mới, có trường có 400 HS lớp 10 thì chỉ 65 HS chọn các môn KHTN.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định Vũ Đức Thọ cũng cho biết có thể do xu hướng xã hội trong những năm gần đây, nhất là năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, số lượng HS vào THPT tập trung đăng ký rất nhiều vào các môn KHXH.

Ông Đặng Ngọc Tú, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn), cho rằng tại các tỉnh miền núi, HS lựa chọn các môn như địa lý, tin học, công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật… nhiều hơn so với các môn trong tổ hợp KHTN.

Tại Trường THPT Phạm Hồng Thái (Nghệ An), bà Hồ Thị Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết ngoại ngữ chỉ có lợi thế với một số HS ở các lớp tốp đầu hoặc ở một số HS có nguyện vọng thi ĐH khối D. Chính vì thế, việc ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc sẽ tác động đến việc lựa chọn của HS và nhiều em sẽ chọn môn khác thay thế.

LÊN KẾ HOẠCH ÔN THI THEO NGUYỆN VỌNG CHỌN MÔN

Ông Nguyễn Anh Tuân, Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ), cho biết nhà trường đã xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể; chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch ôn thi tốt nghiệp phù hợp với sự thay đổi của Bộ GD-ĐT. Nhà trường khảo sát nguyện vọng, phân luồng HS để có phương án tổ chức lớp học, lớp ôn thi tốt nghiệp phù hợp với lựa chọn của HS.

Ông Trần Xuân Trà, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Trường B (Nam Định), thông tin nhà trường sẽ tổ chức cho HS đăng ký các môn thi tự chọn. Trên cơ sở đó, thực hiện phân luồng, phân loại HS theo các cặp môn lựa chọn để xây dựng mô hình lớp học tập và ôn tập phù hợp, hiệu quả… Để tạo động lực cho HS tích cực học và ôn tập, ông Trà đề nghị kết quả của cả 4 môn thi đều được đưa vào tiêu chí xét tuyển ĐH (dù mỗi trường có đề án tuyển sinh hoặc thêm tiêu chí riêng). Đặc biệt, phương án thi này phải giữ ổn định ít nhất từ 5 – 10 năm để tránh tâm lý hoang mang trong HS, phụ huynh và sự xáo trộn trong trường phổ thông…

Tương tự, ông Nguyễn Bá Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh), cho biết trường sẽ xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết cho từng lớp, nhóm HS trong lớp; hướng dẫn HS lựa chọn 2 môn thi sớm để có kế hoạch ôn tập. Dự kiến từ đầu năm học tới nhà trường bố trí môn toán và ngữ văn, mỗi môn ôn thi 1 buổi chiều; 2 môn lựa chọn, mỗi môn nửa buổi.

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm được dạy thêm ?

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng trong đổi mới kiểm tra, thi cử có thay đổi rõ nét việc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng đánh giá đúng và khích lệ thầy, trò dạy và học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất chứ không phải chỉ thu nhận kiến thức thuần túy. Với yêu cầu mới này, việc luyện thi theo cách truyền thống trước đây sẽ dần không còn phù hợp. Tại các thông tư quy định kiểm tra đánh giá quá trình của HS phổ thông đã có nhiều điều chỉnh, ghi nhận các hình thức đánh giá đa dạng, nhân văn, khích lệ HS tiến bộ, khích lệ các hình thức "thầy tổ chức, trò thực hiện nhiệm vụ" hơn là việc kiểm tra trên giấy với cách tăng mức độ khó của bài tập…

Theo ông Thành, khi việc này được làm tốt và có chuyển biến sâu ở các nhà trường, không quá chú trọng tập trung vào kỳ thi cuối cấp, HS sẽ yên tâm với việc học ở trường, học qua hoạt động nhóm, qua dự án học tập, qua việc tự học hơn là chạy theo các lớp ôn luyện. Đây là quá trình không giúp chấm dứt ngay việc dạy thêm, học thêm tràn lan nhưng sẽ có tác động lớn đến động cơ học thêm của HS, của phụ huynh.

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)