Sự kiện giáo dụcTin tức

Xu hướng chọn ngành có nhiều thay đổi

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh tự do nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ 2012 tại văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT khu vực phía Nam ngày 20-3. Ảnh: M.Tâm

Tuyển sinh năm nay có nhiều điểm mới và xu hướng chọn ngành của thí sinh trong những năm gần đây có nhiều thay đổi. Thí sinh có gặp khó khăn gì không và các trường sẽ trợ giúp thí sinh như thế nào? Đối với một trường ngoài công lập, việc thu hút người học cũng là vấn đề không dễ trong bối cảnh hiện nay. Giáo Dục TP.HCM trao đổi với PGS.TS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Phương Đông về những vấn đề này.
PV: Năm nay, tuyển sinh ĐH, CĐ có nhiều điểm mới. Trong đó đáng chú ý là kéo dài thời gian tuyển sinh. Cái khó khăn của thí sinh đó là làm thế nào biết được dateline của các trường để còn quyết định “rút lui” hay thẳng tiến. Ông nghĩ sao về điều này?
Về lý thuyết điều đó là đúng. Nhưng đối với các trường top trên, tôi không biết các trường sẽ suy đoán như thế nào để lấy được số thí sinh vừa ý. Còn với trường tôi và đại đa số các trường ngoài công lập thì thí sinh từ sàn trở lên nộp hồ sơ vào trường là hầu như đỗ. Tôi dự đoán các trường đều công bố chỉ sau một tuần nhận hồ sơ.
Bộ cũng có một quy định đó là các trường được nhận bản photo công chứng hoặc bản gốc phiếu báo điểm, với trường mình, ông nhận bản nào?
Trường tôi nhận photo công chứng cũng được. Tôi thấy không có gì phải băn khoăn vấn đề này. Trước đây, chúng tôi phản đối chuyện bắt thí sinh phải nộp hồ sơ qua bưu điện. Đến nay,  bộ đã kịp thời điều chỉnh điều này. Bên cạnh đó việc hạn chế cộng điểm cho thí sinh miền núi cũng là điều nên làm. Bởi cho các em đôi guốc ngày càng cao thì khi ra cuộc sống làm sao các em bắt kịp được những người chân đất.
Xu hướng chọn ngành mấy năm gần đây của thí sinh có thay đổi như thế nào, thưa ông?
Như trường chúng tôi những ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ thực sự khó khăn, một số ngành có khi phải dừng đào tạo. Hiện nay có khối kế toán tài chính, quản trị doanh nghiệp là hút được nhiều người học, còn khối ngoại ngữ cũng bắt đầu thay đổi. Tiếng Anh, tiếng Trung một số năm trước thì đông nhưng gần đây cũng ít đi. Với một số môn ngoại ngữ khác như tiếng Đức, tiếng Nga chúng tôi đã ngừng đào tạo. Tiếng Nhật lại phát triển tốt.
Theo ông, giải pháp nào hợp lý để không phải đóng cửa ngành?
Hiện nay rất bí, rất khó khăn trong việc thu hút người học một số ngành mà người học cho rằng xã hội không có nhu cầu. Có thực tế ví dụ như ngành điện, học 5 năm rất khó, phức tạp, phải vẽ 5 bản vẽ về hình họa một cách rất vất vả nhưng học ra lại khó kiếm việc hơn ngành học nhẹ nhàng chỉ mất 4 năm học, lương lại cao hơn. Tôi nghĩ rằng xã hội sẽ tự điều chỉnh vấn đề này. Đầu ra sẽ quyết định đầu vào.
Sinh sau nên chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Theo ông, làm thế nào để các trường ngoài công lập thu hút được người học?
Mở chợ làm sao để thu hút được người mua và người bán là một câu hỏi khó. Tôi nghĩ có một tâm huyết của những người sáng lập, có một đội ngũ nhà giáo để đảm bảo chất lượng. Tôi cũng phải nói thật, trường nào cũng thế, kể cả trường lớn cũng cần giáo viên thỉnh giảng rồi điều kiện cơ sở vật chất. Nghe qua thì thấy giáo điều nhưng không thể làm gì khác. Cũng như hai người hát một bản nhạc, phải có người này hát hay hơn người kia. Do đó, các trường cũng phải phấn đấu ngay từ ban đầu.
Trong điều lệ các trường ĐH, bộ cũng quy định rất rõ về tỷ lệ giảng viên từ thạc sĩ trở lên đối với các trường. Vấn đề này, ở trường ông có gặp khó khăn không?
Hiện nay ở trường tôi từ thạc sĩ trở lên chiếm hơn 70%. Ở đây có hai vấn đề. Tôi nghĩ không nên nói “cơm chấm cơm” là không tốt.
Bởi có những cơm còn quý hơn thịt. Khi chúng tôi thành lập trường có những người chỉ là “cơm” nhưng là cơm đặc biệt. Tôi nghĩ chỗ này phải thận trọng. Người ta nói cơm ở đây là mấy năm cuối chúng ta cung cấp “cơm” không chất lượng lắm. Việc không cho cử nhân mới ra trường đứng lớp là điều thực hiện được. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chất lượng thạc sĩ hiện nay chưa ổn. Do xu thế của xã hội nên việc đào tạo thạc sĩ hiện nay không khó lắm.
Nhìn lại lịch sử, khi thành lập nền giáo dục Việt Nam năm 1956 thì toàn “cơm chấm cơm” sao chất lượng khóa đầu của chúng ta tốt thế? Những người cơm giỏi họ thành thạc sĩ, tiến sĩ là rất tốt, nhưng chúng ta cũng không nên quá cứng nhắc. Những người thầy không có bằng như thầy tôi thì tôi nghĩ những người tốt nghiệp ĐH như hiện nay cũng không bằng ông ấy.
Xin cảm ơn ông!
Thiên Lam

Bình luận (0)