Đã từ rất lâu, triết học được xem như là cốt lõi, nền tảng chung của con người và đời sống. Có thể nói, ngành nghề nào cũng cần đến triết học và nên tìm hiểu về triết học, từ hoạt động kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội và hoạt động của mỗi cá nhân, đâu đâu cũng cần đến những định hướng chung nhất của triết học. Vậy đâu là cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành triết học, hơn thế nữa, trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay, việc dạy và học triết học sẽ có xu hướng như thế nào?
Hãy cùng tìm hiểu từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh (ĐH KHXH & NV TP.HCM) – Nơi chắp cánh cho rất nhiều vị lãnh đạo đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…
Ngành nghề nào cũng cần đến triết học
Có thể hiểu rằng, triết học là một ngành học khá rộng, không phải là một nghề cụ thể như nghề giáo viên, nghề thợ sửa chữa ô tô, sữa chữa xe máy, nghề kế toán hay nghề thiết kế đồ họa… Triết học thường nghiên cứu, suy tư về các vấn đề chung nhất của thế giới, cuộc sống, con người nhằm đi đến bản chất, quy luật chung nhất; đưa ra đánh giá, rút ra giá trị, ý nghĩa, định hướng các phương pháp chung cho nhận thức và hành động của con người. Điều này triết gia Voltaire từng phát biểu: “Khám phá ra điều gì đúng và thực hành điều gì tốt, đó là hai mục tiêu quan trọng nhất của triết học”.
Với tính chất, đặc điểm của Triết học như trên, có thể hiểu rằng ngành nghề nào cũng cần đến triết học và nên tìm hiểu về triết học. Từ hoạt động kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội và hoạt động của mỗi cá nhân đâu đâu cũng cần đến những định hướng chung nhất của triết học. Có thể minh họa bằng câu nói của C.Mác: “Triết học không treo lơ lửng bên ngoài thế giới, cũng như bộ óc không tồn tại bên ngoài con người”.
Thực tế đào tạo tại Khoa Triết học – Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM thời gian qua cho thấy, cựu sinh viên của khoa đang làm việc trên rất nhiều ngành, nghề khác nhau như: Làm công tác giảng dạy, nghiên cứu trong các học viện, viện nghiên cứu;Các trường đại học, cao đẳng; Trường chính trị; Trường phổ thông. Làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp như: Chính trị gia, nhà lãnh đạo; Làm công tác văn phòng tại đảng ủy các cấp; Tại ban tuyên giáo, ban dân vận, ban dân tộc, ban tôn giáo, làm công tác đoàn – hội trong các cơ quan, trường học. Làm việc tại các cơ quan Thông tấn báo đài, tạp chí, nhà xuất bản, công ty truyền thông. Làm tại các trung tâm huấn luyện; Văn phòng các tập đoàn, công ty tư nhân và nhà nước,… Một số sinh viên sau khi ra trường đã tự khởi nghiệp, làm doanh nhân, hoặc tham gia công tác trên nhiều lĩnh vực tưởng chừng chẳng liên quan với triết học như: Bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, quân đội, cảnh sát, giáo dục…
Những buổi đối thoại về cơ hội nghề nghiệp được tổ chức thường xuyên để giúp sinh viên có hành trang chuẩn bị vững chắc.
Ứng dụng kiến thức từ ngành triết học cho công việc
Triết học là một ngành có lịch sử lâu đời, và bao quát nhiều vấn đề chung nhất của cuộc sống, do đó muốn học tốt ngành học này đòi hỏi người học phải nỗ lực rất nhiều, nhất là phải đọc lịch sử triết học, danh tác triết học, đọc các kiến thức bổ trợ khác. Các kiến thức này sẽ được đưa vào chương trình đào tạo, triển khai qua các môn học cụ thể. Sinh viên một mặt theo dõi bài giảng trên lớp, song mặt khác phải tự học rất nhiều. Do đó, trước tiên sinh viên cần phải làm việc chăm chỉ và đọc thật nhiều các tài liệu mà thầy/cô giới thiệu. Chúng ta sẽ không thấy hay nếu chúng ta không biết, không hiểu và khi ra cuộc sống, chúng ta cũng không thể vận dụng thứ mà chúng ta không có.
Bên cạnh học chuyên môn thật tốt, sinh viên cũng cần chú ý học thêm ngoại ngữ; tham gia các hoạt động đoàn – hội, các dự án, tham gia nghiên cứu khoa học,… để rèn luyện, học hỏi trao dồi thêm về kiến thức, kỹ năng, thái độ,… Những phong trào, hoạt động này trong Trường ĐH KHXV&NV TP.HCM luôn chú trọng, nhằm tạo ra môi trường cho các em học tập, rèn luyện.
Trong 4 năm đại học, nếu học tập bài bản, làm việc chăm chỉ, tích cực rèn luyện thì tôi tin rằng các bạn sẽ thành công trên con đường mình lựa chọn.
Không có ngành nghề khô khan…
Quan điểm trong cuộc sống phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Có người thích cái này, người khác thích cái kia. Đối với ngành triết học cũng vậy, cũng có người hiểu và yêu thích, cũng có người không hiểu và không thích. Tôi thiết nghĩ khô khan nhất chính là sự trống rỗng hoặc hời hợt về tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc. Không có ngành nghề khô khan, chỉ có con người cụ thể là khô khan thôi. Tôi rất tâm đắc với sự khái quát của C.Mác khi ông cho rằng: “Mọi triết học chân chính đều là tinh hoa về mặt tinh thần của thời đại mình, là linh hồn sống của văn hóa…”. Nếu các bạn tìm hiểu về triết học một cách nghiêm túc, bài bản, thì tôi tin các bạn sẽ có cái nhìn khác về ngành học này.
Ngành triết học có mấy điểm nổi bật như: với lịch sử hơn 2.500 năm đã sản sinh ra nhiều trường phái khác nhau trong luận giải về bức tranh chung của thế giới và con người, luôn đập cùng nhịp đập thời đại, trăn trở suy tư về các khía cạnh của cuộc sống. Do vậy, việc nghiên cứu các trường phái, học thuyết, các chủ đề triết học dĩ nhiên là không thể bỏ qua các lý thuyết muôn màu muôn vẻ đó. Hiện nay, trong thế kỷ XXI, trong bối cảnh CMCN 4.0, bên cạnh các lý thuyết truyền thống, xã hội, nhân loại lại tiếp tục nảy sinh nhiều vấn đề của cuộc sống, do vậy đã, đang và sẽ tiếp tục hình thành các lý thuyết mới khác. Do vậy, tổng kết thực tiễn để bổ sung lý thuyết và học lý thuyết để vận dụng vào thực tiễn vẫn là quy luật phát triển của triết học hiện nay.
TS. Đào Tuấn Hậu – Trưởng Khoa Triết học (ngồi giữa)
Xu hướng dạy – học triết học trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0
Có thể thấy, sự phát triển của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã tạo ra sự thay đối lớn lao trong cách thức làm việc, sống và học tập của loài người. Nếu tận dụng tốt các công nghệ hiện nay, việc giảng dạy và học tập triết học sẽ thuận tiện và hiệu quả hơn rất nhiều. Hiện nay tại Khoa và Trường chúng tôi đang đẩy mạnh triển khai, hoàn thiện hệ thống E – Learning; xây dựng các bài giảng số; số hóa tài liệu của thư viện trường, xây dựng thư viện điện tử; thời gian tới có thể triển khai các lớp học trải nghiệm, người học có thể học thử, hoặc tìm hiểu trước các môn học thông qua video bài giảng,… Có thể thấy, dù muốn hay không việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập là không thể tránh khỏi trong thời đại hiện nay. Chưa bao giờ việc tiếp cận, truyền bá thông tin, kiến thức và việc học tập lại thuận tiện như vậy, mọi thứ đã chuẩn bị sẵn, phần còn lại thuộc về chúng ta.
Kết nối thế hệ – chắp cánh tương lai
Trường ĐH KHXH & NV được biết đến là nơi tạo ra rất nhiều vị lãnh đạo đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lớn. Trong thời gian tới, trường ĐH KHXH & NV nói chung cũng như Khoa Triết học nói riêng sẽ có những hoạt động để kết nối cho sinh viên trong thời đại mới. Cách đây 4 năm, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường (1957 – 2017), Nhà trường đã công bố 60 gương mặt cựu sinh viên tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, trong đó có nhiều người là cựu sinh viên của khoa đã và đang giữ các cương vị lãnh đạo cấp cao. Ngoài các gương mặt tiêu biểu này, thì còn có rất nhiều cựu sinh viên khác đang làm nhiều công việc khác nhau và có những đóng góp khác nhau cho đất nước.
Có thể hiểu cựu sinh viên thành đạt tức là nhà trường và khoa thành đạt. Với mong muốn kết nối các thế hệ sinh viên và cựu sinh viên, tạo ra môi trường, điều kiện để học hỏi, chia sẽ kinh nghiệm cuộc sống, tôn vinh cựu sinh viên thành đạt, tôn vinh các tài năng, giúp đỡ sinh viên, cựu sinh viên khó khăn, tạo ra sức mạnh tổng hợp vì một sự phát triển nhân văn, bền vững; được sự chỉ đạo kịp thời của Nhà trường, Khoa Triết học Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM đã thành lập Ban Liên lạc Hội cựu sinh viên khoa Triết học, đã và đang triển khai các hướng hoạt động nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên.
Cựu sinh viên Khoa Triết học đã và đang giữ các cương vị lãnh đạo cấp cao trong các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp và có những đóng góp khác nhau cho đất nước.
TS. Đào Tuấn Hậu (Trưởng Khoa Triết học)
Bình luận (0)