Nhiều quốc gia đang tìm cách “chui” xuống lòng đất để xây dựng các thành phố ngầm, tận dụng quỹ đất đang ngày càng eo hẹp.
Một góc của tổ hợp quần thể ngầm ở khu vực Orchard sầm uất tại Singapore. ẢNH: HOÀNG ĐÌNH
Năm 2019, Singapore công bố quy hoạch tổng thể ngầm nhằm phát triển, khai thác không gian dưới lòng đất trong bối cảnh mật độ dân số của nước này đã cao lại tiếp tục tăng. Theo đó, Singapore tập trung sử dụng không gian ngầm cho giao thông, nhà máy, công sở và kho chứa… nhằm giải phóng phần đất trên bề mặt để phát triển nhà ở, các công trình cộng đồng và không gian xanh. Ngoài ra, các nhà quy hoạch cũng nghiên cứu phát triển công trình ngầm bằng công nghệ tiên tiến để hạn chế cảm giác bức bối khi phải làm việc, sinh hoạt dưới lòng đất.
“Xây dựng dưới lòng đất mang lại nhiều cái lợi như tiết kiệm đất, cải thiện chất lượng môi trường và kết nối tốt hơn. Mạng lưới tàu điện ngầm, đường cao tốc ngầm của chúng tôi là một vài minh chứng cho thấy lợi ích từ tận dụng lòng đất lớn hơn những thách thức về kỹ thuật và chi phí”, Reuters dẫn lời ông Ler Seng Ann thuộc Cơ quan Tái phát triển đô thị Singapore (URA).
Hình ảnh bể bơi ngầm tại thủ đô Helsinki (Phần Lan) từ cách đây khoảng 2 năm đã xuất hiện trên rất nhiều các tạp chí quốc tế và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Khi đó, các nhà quy hoạch tại Helsinki tiếp tục lên kế hoạch xây dựng ở dưới lòng đất quần thể có tổng thể tích tới 9 triệu m3, bao gồm các cửa hàng, một đường chạy bộ, sân khúc côn cầu trên băng, những trung tâm thương mại, ga tàu và thậm chí là trung tâm triển lãm rộng 2.200 m2. Phần Lan đã tận dụng các công trình hạ tầng ngầm cho giao thông từ rất lâu và nhận ra rằng không gian ngầm rất lý tưởng cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau.
Ở những khu đô thị đông đúc ở nhiều quốc gia phát triển như New York (Mỹ) hay Paris (Pháp), chính quyền các thành phố (TP) này đang có kế hoạch đi sâu xuống mặt đất để xây dựng các tiện ích phục vụ cho con người.
Tại VN, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, không gian ngầm vẫn đang bị lãng phí, chưa được khai thác, quản lý một cách tập trung. Chính vì vậy, theo kiến trúc sư Trần Tuấn (chuyên gia về quy hoạch), hiện nay tại các TP lớn như Hà Nội hay TP.HCM, việc quy hoạch và quản lý không gian ngầm dưới mặt đất cần nhanh chóng được thực hiện trong bối cảnh dân số tăng nhanh và giao thông mặt đất không đáp ứng được nhu cầu cho lượng xe quá đông. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại ở nhiều nơi trên thế giới.
“Ở các đô thị lớn, người ta sử dụng không gian ngầm như trên mặt đất, phục vụ không chỉ cho giao thông mà có thể kết hợp xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, hầm trú ẩn khi có chiến tranh, thiên tai… Khi đó, phần ngầm của các tòa nhà đều được quy hoạch để nối kết, liên thông với nhau như một đô thị ngầm trong lòng đất và giao thông lên xuống được bố trí phù hợp nhằm giảm tải áp lực cho khu trung tâm. Như ở Singapore, nhiều lúc trên mặt đất thưa thớt người, phương tiện qua lại, nhưng khi chui xuống đất thì rất sầm uất, náo nhiệt”, ông Tuấn cho hay.
Theo Hà Mai – Đình Sơn/TNO
Bình luận (0)