Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Xu hướng du học: Đi sớm, về muộn

Tạp Chí Giáo Dục

Nói về việc các học trò của mình đi du học, tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, hiệu phó trường phổ thông Năng khiếu – đại học Quốc gia TP.HCM, chép miệng: “Điều đầu tiên của một em học sinh năng khiếu nghĩ đến bây giờ chính là làm sao để đi du học. Giờ bọn trẻ nó đi du học như đi chợ ấy”
Đông du, Tây du… sớm
Tư vấn du học. Ảnh: S.T
Theo tiến sĩ Hùng, cấp học mà trường của ông “mất quân” nhiều nhất, chính là cấp học lớp 10. Chính vì vậy, khi tuyển sinh vào trường, rút kinh nghiệm vài năm gần đây, nhà trường đã phải tuyển vượt chỉ tiêu để còn bù lại những “hao hụt” do các em sớm đi du học trong suốt quá trình ba năm học. Cứ khoảng vào đầu năm học, các em lại rộn ràng tìm “săn” và thi hàng loạt các học bổng từ các trường của Singapore, Úc, Mỹ, Anh.
Tiến sĩ Hùng nhận định, du học sớm ngay từ cấp phổ thông trung học đang như là một trào lưu của xã hội. Cơ hội mở ra quá nhiều cho các em so với khoảng 5 – 6 năm trước. Khi thị trường du học mở rộng đến cả cấp trung học, tiểu học như hiện nay thì việc các nước, các trường “buông mồi” bằng cách cấp một số học bổng để lôi kéo học sinh sớm đi du học là điều dễ hiểu. “Phong trào” dễ hình thành khi các em khá giỏi rủ nhau lên đường đi “Đông du, Tây du” bằng những học bổng toàn phần hoặc cho vay, kéo theo sự chộn rộn, ganh đua từ những bạn bè đồng lứa của mình.
Hiện tượng sớm “chảy máu chất xám” như ở trường phổ thông Năng khiếu – đại học Quốc gia cũng đang diễn ra ở những trường có nhiều học sinh giỏi như trường chuyên PTTH Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong… Theo ông Nguyễn Bác Dụng, hiệu trưởng trường Trần Đại Nghĩa, trung bình mỗi năm có khoảng 50 em học sinh của trường đi du học và chỉ riêng từ đầu năm học đến nay, đã có 42 em học sinh du học, trong đó có 12 em có học bổng.
“Ngoảnh mặt” với giáo dục trong nước
Các thế hệ du học hiện nay sướng hơn trước nhiều. Theo bà Trần Thu Hương, phó giám đốc cơ quan Xúc tiến giáo dục Úc tại Việt Nam, trong số bình quân gần 2.000 học sinh trung học Việt Nam du học tại Úc hàng năm, có nhiều em được đi cùng cha hoặc mẹ. Chính phủ Úc đã chấp nhận cho các em học sinh dưới 18 tuổi đi du học có được sự kèm cặp của cha hay mẹ hoặc người bảo trợ. Chính vì vậy, theo bà Hương, ở Việt Nam đang dần xuất hiện những đôi vợ chồng “con cò” như xu hướng của Hàn Quốc, nghĩa là chồng hay vợ ở lại trong nước “cày cục” để nuôi vợ hay chồng “cơm đùm cơm nắm” theo hỗ trợ con đi du học.
Xu hướng du học từ cấp phổ thông trung học có lẽ phát xuất từ sự mất niềm tin của một bộ phận người dân vào hệ thống giáo dục đào tạo trong nước. Điều mà TS Hùng cảm thấy “đau lòng” nhất cho ngành giáo dục của nước nhà chính là việc nhiều phụ huynh cho con đi học các trường quốc tế trong nước cũng như đi du học sớm đơn giản chỉ vì họ nghĩ nền giáo dục trong nước quá nặng nề nhưng lại thiếu hiệu quả, trong khi các chương trình giáo dục nước ngoài thường nhẹ nhàng nhưng rất thực chất, hiệu quả.
Theo tiến sĩ Trần Triết, trưởng bộ môn thực vật – sinh môi trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, cấp lớp đi du học lý tưởng nhất chính là cấp lớp 10. Do đã từng chật vật, khổ ải làm quen với môi trường, điều kiện học tập của năm thứ nhất khi đi du học ở Mỹ, ông cho rằng các em khi du học sớm sẽ có thời gian thích nghi với hệ thống giáo dục của đất nước mà mình đến học ngay từ cấp trung học, sẽ là tiền đề tốt để bước vào sự cạnh tranh khá khốc liệt ở cấp học đại học.
Có “chảy máu chất xám”?
Du học, từ bậc phổ thông cho đến đại học hiện nay, người đi thì rầm rộ nhưng kẻ về chẳng có mấy. Sự đầu tư công sức, tiền bạc của gia đình trong nhiều năm học buộc các du học sinh phải có một việc làm có thu nhập cao để “hồi vốn” và điều này chỉ có thể được đáp ứng ở thị trường lao động – nơi mà du học sinh du học. Một mặt thị trường lao động trong nước đang thiếu “đất dụng võ” cho các du học sinh, một mặt các nước nơi các em học thường có những chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài.
Không kể các nước đang cần nhiều nhân lực cao cấp như Singapore, Úc, ngay cả những nước lâu nay thường “siết chặt” vấn đề nhập cư như Anh vẫn đang có những chính sách nới rộng cho người tài. Những nhân lực tốt nghiệp bài bản, có việc làm ở các công ty sở tại hay những nhân lực làm trong các ngành nghề mà các công dân Anh không chuộng làm, đều được Chính phủ Anh cho phép ở lại làm việc.
Đoàn Đạt – Như Thuần (SGTT)
 

Bình luận (0)