Nguồn nhân lực trong tương lai gần chủ yếu tập trung ở khối ngành kinh tế – dịch vụ và các ngành kỹ thuật ứng dụng, còn khối ngành khoa học xã hội và khoa học lý thuyết lại vắng dần người học.
Mùa tuyển sinh năm nay, nổi bật lên hiện tượng “cùng sào mới vào khối C”. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi ở khối này dưới 10% là con số đáng báo động. Cùng với đó, nhiều ngành khoa học được xác định là nền tảng của sự phát triển như: toán, vật lý, hóa, sinh, hay khoa học vật liệu… cũng đang dần ít người học.
Nếu đặt hai hiện tượng này bên cạnh nhau thì có thể thấy nguồn nhân lực trong tương lai gần chủ yếu tập trung ở khối ngành kinh tế – dịch vụ và các ngành kỹ thuật ứng dụng, còn khối ngành khoa học xã hội và khoa học lý thuyết lại vắng dần người học. Đây là điều rất đáng lo ngại.
Khối ngành kinh tế – dịch vụ và các ngành khoa học kỹ thuật ứng dụng là những ngành nghề đáp ứng được cho một nền kinh tế – xã hội (KT – XH) đang phát triển. Đất nước đang phát triển thì số đông người học chọn những nghề có thể kiếm tiền nhiều và nhanh cũng là điều dễ hiểu. Đấy là nhu cầu học vì cuộc sống trước mắt, học vì… bánh mì. Đối với từng cá nhân thì nhu cầu này chính đáng. Nhưng số đông người chọn học theo xu hướng ấy thì sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối trong tổng thể nguồn nhân lực ở cấp quốc gia.
Sự thiếu hụt nhân sự được đào tạo ở khối ngành khoa học lý thuyết và khoa học xã hội (theo truyền thống, đây là nhóm thường tổ chức thi tuyển khối C) lại là sự thiếu hụt đối với một nền KT – XH phát triển. Vì lực lượng này là lực lượng chủ chốt trong kiến trúc thượng tầng và tiên phong trong cơ sở hạ tầng. Một nền KT – XH mà thiếu đội ngũ kế thừa để phát huy các giá trị nhân văn và thiếu đội ngũ tiên phong trong lĩnh vực khoa học cơ bản thì chắc chắn không thể là một nền KT – XH phát triển bền vững.
Hồng Nhật / Đất Việt
Bình luận (0)