Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Xu hướng phim về các nhân vật truyền kỳ

Tạp Chí Giáo Dục

Dự án phim điện ảnh "Công tử Bạc Liêu" do Lý Minh Thắng đạo diễn là dự án khai thác về nhân vật truyền kỳ nối tiếp mỹ nhân Ba Trà và Tư Nhị trong "Chị chị em em: Đệ nhứt mỹ nữ", mỹ nhân Bạch Cúc trong phim "Người đẹp Tây Đô".

Nhà sản xuất phim điện ảnh "Công tử Bạc Liêu" cho biết tác phẩm cũng là dự án điện ảnh đầu tiên được UBND tỉnh Bạc Liêu cấp phép quay hình, nhằm góp phần quảng bá những dấu ấn văn hóa đặc sắc của địa phương lên màn ảnh rộng. Đặc biệt, bản quyền tên phim cũng được nhà sản xuất đăng ký độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ.

"Công tử Bạc Liêu" là cụm từ dân gian ở miền Nam Việt Nam, thịnh hành vào cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, để chỉ các công tử, con của những gia đình giàu có sống ở Bạc Liêu. Nổi bật nhất trong số các "công tử Bạc Liêu" và dần dần trở thành nhân vật truyền kỳ gắn liền với cụm từ dân gian này là ông Trần Trinh Huy, còn gọi là cậu Ba Huy hay Hắc công tử, con trai thứ hai của ông Hội đồng Trần Trinh Trạch. Được du học Pháp từ sớm, cậu Ba Huy tiếp thu văn hóa và lối sống phóng khoáng của phương Tây. Cậu Ba Huy có rất nhiều giai thoại như "dùng tiền nấu trứng", "đốt tiền tìm hoa tai cho người đẹp"…

"Chúng tôi luôn muốn làm những dự án thuần túy về con người, vùng đất và văn hóa Việt Nam. Đây đều là những chất liệu rất đặc sắc nhưng chưa được khai thác sâu trong các tác phẩm điện ảnh. Lần này, chúng tôi chọn hình ảnh "công tử Bạc Liêu" vì tìm thấy ở ông những yếu tố đặc biệt" – nhà sản xuất phim thông tin. Dự án phim "Công tử Bạc Liêu" tiến hành thử vai toàn quốc để tìm kiếm diễn viên hóa thân ông Trần Trinh Huy diễn ra tại TP HCM vào ngày 17 và 18-9. Phim dự kiến ra rạp vào năm 2023.

Xu hướng phim về các nhân vật truyền kỳ - Ảnh 1.

Phim điện ảnh khai thác về “Công tử Bạc Liêu”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Ngoài "Công tử Bạc Liêu", màn ảnh rộng Việt còn khai thác các giai thoại truyền kỳ về mỹ nhân Ba Trà, Tư Nhị qua phim "Chị chị em em: Đệ nhứt mỹ nữ". Phim do Vũ Ngọc Đãng làm đạo diễn, Minh Hằng và Ngọc Trinh đóng vai nữ chính, tái hiện cuộc chiến giành vị trí đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn những năm 1920-1930.

Trong khi đó, Tư Nhị là mỹ nhân gốc Khmer từng được Ba Trà dìu dắt nhưng dần thành đối thủ cạnh tranh. Tình cảm của 2 người dần rạn nứt. Cả hai đều đi vào con đường "hồng nhan bạc phận" giai đoạn cuối đời khi nhan sắc tàn phai. Phim dự kiến ra rạp dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Cuộc đời của mỹ nhân một thời Bạch Cúc từng được lột tả qua phim truyền hình "Người đẹp Tây Đô". Hiện chưa có nhiều thông tin về dự án phim điện ảnh "Người đẹp Tây Đô" nhưng khán giả yêu thích mỹ nhân Bạch Cúc vẫn mong chờ được trông thấy bà trên màn ảnh rộng.

Theo người trong giới, phim khai thác về nhân vật truyền kỳ có thuận lợi là gần gũi, mang đậm dấu ấn bản địa, chất liệu phong phú, dễ sáng tạo. Với sự phát triển của điện ảnh theo hướng khắc họa đậm nét giá trị văn hóa bản địa, phim khai thác các câu chuyện dân gian, nhân vật truyền kỳ được nhận định sẽ là xu hướng trong thời gian tới.

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Bình luận (0)