Dự báo giá thị trường tháng 4 tiếp tục có xu hướng tăng, nhưng tốc độ tăng sẽ chậm lại so với tháng 3, do cân đối cung cầu hàng hóa về cơ bản được bảo đảm, nhu cầu và giá cả một số hàng hóa thiết yếu trong nước đang có xu hướng giảm hoặc ổn định và hiệu quả bước đầu của các biện pháp tập trung kiềm chế lạm phát, theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Đó là nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đưa ra trong bản đánh giá về tình hình giá cả thị trường cả nước trong quý 1 và dự báo giá tháng 4/2011.
Theo phân tích của cơ quan này, trong 3 tháng đầu năm, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất trên thị trường thế giới tiếp tục tăng nhờ đà tiếp tục tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng như một số tín hiệu lạc quan hơn từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, liên minh châu Âu, EU.
Thêm vào đó, tình hình bất ổn chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục tác động làm giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới tăng, nhất là giá dầu, giá lương thực, thực phẩm.
Trong nước, việc điều chỉnh tăng giá điện, giá xăng dầu, tỷ giá, lương tối thiểu tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục gây sức ép tăng giá các mặt hàng chịu tác động. Bên cạnh đó, thời tiết, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình cung ứng điện thời gian tới có thể gặp khó khăn dẫn đến việc cắt điện luân phiên sẽ ảnh hưởng nhất định đến sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ cùng với đó là lãi suất ở mức cao, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn tín dụng để duy trì sản xuất kinh doanh… sẽ gây sức ép tăng giá trên thị trường.
Về mặt hàng lúa gạo, giá của mặt hàng này trong quý 1 năm 2011 tăng so với cùng kỳ năm 2010 nhưng so với tháng 12/2011 thì giá tăng tại thị trường miền Bắc và giảm tại thị trường miền Nam. So với tháng 12/2011, giá thóc, gạo miền Bắc tăng do bước vào thời kỳ giáp hạt nên giá gạo tăng cao.
Trong khi đó, giá gạo miền Nam giảm do lượng gạo tồn kho nhiều, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào vụ thu hoạch lúa đông xuân trong khi nhu cầu nhập khẩu của các nước nhập khẩu có xu hướng giảm làm cho giá gạo trong nước tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giảm. Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính dự báo, giá lúa gạo trong nước trong tháng 4 có xu hướng ổn định như hiện nay hoặc giảm nhẹ.
Khi giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước có xu hướng tăng thì giá đường tương đối ổn định trong quý 1/2011 nhưng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đường trong nước giảm so với cuối năm 2010 chủ yếu là do vào chính vụ sản xuất, nguồn cung dồi dào.
Giá đường thế giới trong quý 1/2011 giảm so với tháng 12/2010 chủ yếu do các nhà đầu tư tăng cường bán ra cùng với xu hướng giảm giá của thị trường hàng hóa sau khi đồng USD tăng mạnh và ảnh hưởng của động đất, sóng thần làm suy yếu nhu cầu của nhà tiêu thụ đường lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản. Dự báo đáng chú ý của Cục Quản lý giá là giá đường có xu hướng giảm trong tháng 4 năm nay.
Cùng với biến động của giá thế giới, giá gas trong nước cũng chịu những biến động tương đồng. Bộ Tài chính dự báo trong tháng 4, do ảnh hưởng bởi tình hình chính trị bất ổn ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi nên nguồn cung khí hóa lỏng sẽ hạn chế dẫn tới giá mặt hàng này trên thị trường thế giới có thể tăng.
Bên cạnh đó, thiên tai nghiêm trọng tại Nhật đã dẫn tới tình trạng đóng cửa 4 nhà máy điện hạt nhân, động thái này đã làm nhu cầu về khí hóa lỏng tăng cao bù đắp nguồn năng lượng thiếu hụt. Dự báo trong tháng 4/2011, giá khí hóa lỏng thế giới tăng, giá mặt hàng này trên thị trường trong nước có ảnh hưởng tăng theo.
Mặt hàng đầu vào của ngành sản xuất nông nghiệp là phân bón urê được đánh giá có xu hướng tăng so với tháng 12 năm 2010 do áp lực tỷ giá, giá xăng dầu và giá điện tăng. Dự báo của Cục Quản lý giá chỉ ra rằng, giá phân bón có khả năng sẽ không có nhiều biến động nhưng vẫn ở mức cao do tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu.
Cũng liên quan đến khu vực sản xuất nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng liên tục từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của các chi phí đầu vào. Dự báo, giá thức chăn nuôi trong tháng 4 tiếp tục có xu hướng tăng do ảnh hưởng của giá thế giới tăng và chi phí đầu vào sản xuất tăng.
Trên thị trường vật liệu xây dựng, giá xi măng được dự báo có thể tăng nhẹ do các yếu tố đầu vào tăng giá mạnh. Trong tháng 3, sản lượng sản xuất xi măng ước đạt 4,561 triệu tấn, tăng so với cùng kỳ tháng trước 2,12 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ ước đạt 5,623 triệu tấn, tăng 3,37 triệu tấn so với cùng kỳ tháng trước.
Trong quý 1, lượng sản xuất xi măng toàn ngành ước đạt 10,484 triệu tấn, lượng tiêu thụ ước đạt 11,405 triệu tấn. Tính chung 3 tháng đầu năm, các công ty xi măng điều chỉnh tăng giá bán xi măng 1 lần lý do điều chỉnh là do giá một số vật tư đầu vào tăng. Cục Quản lý giá dự báo, giá bán xi măng trong tháng 4 có thể tiếp tục tăng nhẹ.
Mặt hàng thứ hai có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường vật liệu xây dựng là thép cũng chịu mức tăng giá khá lớn trong quý 1 vừa qua, có doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá 4 lần, có doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán thép 7 lần. Cục Quản lý giá dự báo giá thép thành phẩm trong tháng 4 có xu hướng chững lại hoặc giảm nhẹ do nhu cầu thép giảm.
Nguồn VNECONOMY
Bình luận (0)