Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xu hướng tìm mua thực phẩm quê

Tạp Chí Giáo Dục

Bất an trước tình trạng thực phẩm ngoài thị trường thiếu an toàn, nhiều người tiêu dùng (NTD) đã tìm mua thực phẩm vùng thôn quê thông qua bạn bè, người thân, thay vì mua ngoài chợ hay siêu thị như trước đây. Hàng đa dạng từ rau, củ, quả đến thịt, cá, tôm… bán với giá đắt nhưng NTD vẫn mua vì tin vào độ an toàn.

Bất an với chất lượng rau củ quả ngoài thị trường, nhiều NTD đã tìm mua rau sạch vùng quê thông qua người quen, bạn bè (trong hình: NTD đang đắn đo lựa chọn hoa quả tại một siêu thị)

Chấp nhận giá đắt

Đều đặn nửa tháng một lần, chị Nguyễn Lệ Chi (quận Tân Phú) lại lấy khoảng 5kg rau đặt sẵn từ một người bạn quen biết, rau muống, cải, mùng tơi, dền, ngót… về để ăn dần. Riêng các loại củ quả như bí xanh, bí đỏ, su su, chanh, đu đủ, bơ chị lấy khá nhiều vì thời gian để được lâu hơn. Các loại rau củ này được chuyển từ Bình Dương xuống, do chính gia đình người bạn đứng ra gieo trồng không thuốc trừ sâu. Mối thân quen của chị Chi cũng được nhiều bạn bè khác đặt mua.

Để có thể mua, chị Chi phải đặt trước. Giá cả theo đó cao hơn hẳn ngoài chợ, siêu thị từ 10-15 ngàn đồng/kg. Như mùng tơi, rau đay giá 20 ngàn đồng/nửa kg; đọt bí đỏ chưa tước xơ 40 ngàn đồng/kg, bí đao, su su 20 ngàn đồng/nửa kg; cà chua 30 ngàn đồng/kg…

“Giá cao hơn thị trường là do phải trả phí gửi xe đò. Nhưng với mặt hàng có xuất xứ rõ ràng, lại được trồng bởi người quen, không thuốc khiến tôi cảm thấy yên tâm, chấp nhận mua. Thú thực cả năm nay rồi, gia đình tôi rất ít mua rau củ ngoài thị trường vì nguồn gốc, chất lượng khó kiểm soát, ăn uống bất an”, chị Chi cho biết.

So với rau củ quả, thời gian gần đây, cá, thịt xuất xứ từ Quảng Ninh, Vũng Tàu, Phú Quốc cũng là thực phẩm được đông đảo NTD nhờ mua giúp vì được cho rằng cá sạch. Gia đình chị Trần Thị Phú (nhà quận Bình Thạnh) có đến 5 người, lại rất thích ăn hải sản vì thế mỗi lần nhờ họ hàng tận Phú Quốc đặt mua ít nhất cũng 10kg các loại cá nục, bạc má, tôm, cá thu về cất tủ lạnh ăn dần. Do chọn mua số lượng ít, quãng đường vận chuyển xa, tính ra mỗi ký cá nục chuối có giá 70 ngàn đồng/kg; tôm thẻ loại trung 220 ngàn đồng/kg, cá thu 190 ngàn/kg… cao hơn 20 ngàn đồng mỗi loại bán ngoài thị trường.

“Ăn miếng thịt mua ở quê có vị thơm, ngọt, dai hơn là thịt mua ngoài chợ, siêu thị. Mặc dù chẳng thể khẳng định được hàng sạch, không có chất tạo nạc, thuốc tăng trọng nhưng ít nhất nhờ chính người thân quen chọn mua và ngay bản thân họ cũng mua ăn khiến tôi phần nào yên tâm hơn, tin tưởng gửi mua”, chị Phú cho biết.

Chị Phú chia sẻ, hải sản được người thân đến tận cảng mua của các tàu thuyền mới cập bến nên thịt khá tươi ngon, an toàn. Chẳng riêng hải sản, đến thịt heo, chị cũng thường nhờ bạn bè ở Đồng Nai, Bình Phước mua giúp. Mỗi ký thịt ba rọi, đùi có giá 130 ngàn đồng/kg. “Ăn miếng thịt mua ở quê có vị thơm, ngọt, dai hơn là thịt mua ngoài chợ, siêu thị. Mặc dù chẳng thể khẳng định được hàng sạch, không có chất tạo nạc, thuốc tăng trọng nhưng ít nhất nhờ chính người thân quen chọn mua và ngay bản thân họ cũng mua ăn khiến tôi phần nào yên tâm hơn, tin tưởng gửi mua”, chị Phú cho biết.

Tận dụng cơ hội để kinh doanh online

Nắm bắt được nhu cầu chuộng mua thực phẩm từ các vùng quê nói trên, nhiều người đã tận dụng cơ hội, bắt tay kinh doanh online nhằm tăng thu nhập, lấy kinh nghiệm buôn bán. Phần lớn, thực phẩm bán online đa dạng các loại, được giới thiệu là cây nhà lá vườn.

Chị Kim Thoa, làm việc tại Hội quán Các bà mẹ tại TP.HCM sử dụng facebook cá nhân, thậm chí lập hẳn một tài khoản facebook về thông tin rau vườn miền Tây. Từ trái cây, rau củ quả hữu cơ, đồ khô đến thịt gia súc, gia cầm… cũng ngót hàng trăm loại được đăng tải thường xuyên, đầy đủ thông tin, số lượng, giá cả, phí vận chuyển kèm theo hình ảnh rau quả, gà vịt tại vườn để khách hàng tiện theo dõi mua. Mỗi lần thông tin đăng lên, có hàng trăm lượt khách hàng yêu thích, bình luận, đặt mua mặc dù giá bán mỗi loại cao gần gấp đôi ngoài thị trường. Sau khi đặt hàng với số lượng tùy ý, người mua sẽ đến một địa chỉ nhất định tại quận Bình Thạnh để lấy.

Đối với loại hình kinh doanh online, người bán hưởng không ít lợi thế. Lợi trước mắt là không tốn tiền thuê mặt bằng nhưng hàng hóa vẫn được giới thiệu rộng rãi, cụ thể đến khách hàng. Mặt khác, trước khi lấy hàng, đòi hỏi người mua phải chuyển khoản trước vì thế người kinh doanh online được cho là không có lời nhưng cũng không thể lỗ.

Thu Phương (nhân viên kế toán một công ty xây dựng tại quận 5) đang bán cà phê sạch trên facebook chia sẻ, cứ 1kg cà phê, Phương cũng lời được 20 ngàn đồng. Đợi khách đặt đủ 20kg, Phương mới lấy hàng về giao cho khách, trừ mọi chi phí, Phương có được 400 ngàn đồng lời mỗi đợt. Theo Phương, kinh doanh online chỉ mất thời gian cập nhật thường xuyên thông tin, hình ảnh, theo dõi trả lời khách hàng. Tuy nhiên, bất cứ lúc nào rảnh đều làm được việc này. Đối với cá nhân buôn bán nhỏ lẻ, chỉ vất vả lúc đi giao hàng cho khách nhưng nếu chịu khó thì có thể có thu nhập ổn định.

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Bình luận (0)