Nhiều bậc phụ huynh xử lý vết thương bỏng của con mình theo kinh nghiệm dân gian đã dẫn tới các biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong hoặc tật nguyền suốt đời.
Hậu quả từ những bài thuốc “truyền miệng”
TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Viện Bỏng quốc gia cho biết, mỗi năm có hàng trăm người, trong đó có rất nhiều trẻ em bị tử vong và tàn phế do những sai lầm nguy hiểm khi xử lý vết bỏng. Chẳng hạn khi con bị bỏng, có bố mẹ bôi kem đánh răng, mỡ trăn, nhựa chuối , dội nước mắm,… lên vùng bị bỏng. Có người trát bùn, muối lên vết bỏng, nhúng vùng bị bỏng vào vại muối dưa, cà…đặc biệt là đắp các thuốc lá, thuốc đông y không rõ nguồn gốc hoặc chạy chữa ở các thầy lang.
Nhiều bậc làm cha mẹ đã không biết rằng, thời điểm ngay sau khi bỏng, nếu bôi những thứ nói trên lên vết bỏng không những không làm giảm đau mà còn làm bệnh nhân đau đớn hơn. Các tác nhân trên có thể gây tổn thương sâu hơn và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vết bỏng. Việc tìm kiếm sử dụng các loại đó sẽ còn làm chậm trễ việc sử dụng nước mát sạch làm hạn chế tổn thương vết bỏng.
Giám sát hoạt động của trẻ, đặc biệt khi hướng dẫn trẻ sử dụng những dụng cụ có nguồn điện – Ảnh: shutterstock
|
Các thầy lang thường không có kiến thức về phân loại tổn thương bỏng do đó bỏng nào họ cũng chữa giống nhau, cùng dùng một loại thuốc. Trong trường hợp bỏng nông vết bỏng sẽ tự khỏi dù không có thuốc, nhưng nhiều trường hợp bôi thuốc thầy lang không đúng còn làm bỏng sâu thêm, chậm liền da hơn. Đặc biệt, đối với bỏng sâu, thầy lang không bao giờ chữa khỏi vì họ không có kỹ thuật ghép da, ghép tế bào…
Xử lý đúng khi bị bỏng
Để tránh các tai biến khi trẻ em bị bỏng, cha mẹ cần hết sức bình tĩnh để có cách xử lý kịp thời.
– Ngay lập tức tách trẻ ra khỏi tác nhân gây bỏng một cách nhanh chóng nhất. Nếu trẻ bị điện giật, không được dùng tay kéo trẻ ra, phải cắt cầu dao, dùng gậy khô hoặc vật không dẫn điện để gạt tách dây điện ra khỏi trẻ.
– Nếu trẻ bị ngưng thở, ngừng tim do điện giật, hãy để trẻ tại chỗ trên nền cứng tiến hành hô hấp bằng thở miệng, ép tim ngoài lồng ngực cho đến khi trẻ tự thở lại và tim đập trở lại mới đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Để phòng tránh bỏng ở trẻ
• Luôn theo dõi các hoạt động của trẻ, đặc biệt những trẻ đang trong độ tuổi tập đi
• Để các đồ dùng như phích nước nóng, đồ điện… tránh xa tầm với của trẻ • Không để trẻ đùa nghịch ở những nơi có nguồn điện, hay nguồn nhiệt • Khi pha nước tắm cho trẻ nên đổ nước lạnh trước sau đó mới pha thêm nước nóng để vừa ấm và có thể tắm được cho trẻ |
– Càng sớm càng tốt ngâm vùng bị bỏng vào nước mát (15 – 20oC), sạch, dội nước hoặc hứng vùng bị bỏng dưới vòi nước mát, sạch trong khoảng 20 phút. Trong trường hợp nước không sạch lắm vẫn có thể sử dụng, ưu tiên hàng đầu là thật sớm. Nước mát sẽ giúp làm giảm nhiệt độ tại chỗ, giúp làm sạch hay hòa loãng các hóa chất gây bỏng, hạn chế rối loạn vi tuần hoàn tại chỗ do đó sẽ hạn chế bỏng sâu, giảm đau cho trẻ và tránh được việc hình thành nốt phỏng. Lưu ý: không dùng nước quá lạnh hoặc đá lạnh chườm lên vết bỏng. Mùa lạnh hoặc bỏng vùng mặt có thể lấy khăn ướt đắp lên.
– Sau khi ngâm nước, dùng gạc sạch đắp lên vết bỏng và băng ép vùng bị bỏng vừa phải. Vùng mặt không băng được có thể để hở.
– Cho trẻ tiếp tục bú mẹ, uống sữa, uống nước và chuyển trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được xử lý bổ sung, chẩn đoán và điều trị đúng.
Hà Tường (TNO)
Bình luận (0)