Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Xử lý mạnh xe tải chở hàng quá tải

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiếc xe này chở sắt thép quá tải trông rất nguy hiểm

Hiện nay, tình trạng xe tải chở hàng hóa quá tải trọng cho phép chạy trên nhiều tuyến đường làm hư hỏng đường sá cũng như gây ra sự bất an cho nhiều người dân sinh sống trong khu vực. Các lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản và xử lý nhiều trường hợp. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn còn xảy ra rất nhiều…
Kiểm tra ngay nơi xuất phát
Theo các số liệu thống kê từ cơ quan chức năng trong hơn 3 tháng đầu năm 2013, trên tuyến quốc lộ 1A và xa lộ Hà Nội, Đội Thanh tra giao thông số 5 và lực lượng CSGT đã phối hợp lập biên bản 960 trường hợp chở quá tải; tạm giữ giấy phép lái xe 30 ngày đối với 629 trường hợp, giữ 60 ngày đối 301 trường hợp. Việc xử lý xe quá tải, ngoài biện pháp cân xe, lực lượng chức năng thường quan sát và khi thấy xe nào có dấu hiệu chở quá tải thì thanh tra giao thông, CSGT tiến hành kiểm tra, đối chiếu hóa đơn hàng trên xe với tải trọng cho phép của xe. Tuy nhiên, cách làm này hiện nay không còn phát huy hiệu quả vì chủ hàng thường xuất hóa đơn giả tại nơi lấy hàng như: Các cảng, nơi nhận hàng… thậm chí tài xế còn cố tình không xuất trình hóa đơn, nên rất khó xử lý. Ngoài ra, khi phát hiện xe vi phạm cũng chỉ dừng ở mức lập biên bản vi phạm hành chính và đành thả xe chứ không thể hạ tải vì không có kho bãi lưu hàng. Thời gian qua, thành phố cũng đã cho tách làn xe ô tô với xe gắn máy trên quốc lộ 1A, xa lộ Hà Nội. Ngoài ý nghĩa tích cực về mặt trật tự ATGT thì việc lắp đặt dải phân cách vô hình trung đã trở thành bức tường “che chắn” các loại xe tải, xe container vi phạm Luật Giao thông vì mật độ lưu thông dày đặc, nếu kiểm tra phương tiện ngay trên làn xe ô tô thì lập tức sẽ gây ùn tắc kéo dài. Theo Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 5 Lê Văn Tuấn, để nâng cao hiệu quả xử lý xe ô tô chở quá tải, phải thắt chặt quản lý, kiểm tra ngay tại những cảng cung cấp, xếp dỡ hàng hóa, để các hành vi vi phạm được giải quyết ngay từ điểm xuất phát. Nếu làm tốt việc này, thì vấn đề hạ tải, bảo quản hàng hóa sẽ được thực hiện dễ dàng và không phát sinh chi phí. Ngoài ra, phải có giải pháp căn cơ ràng buộc trách nhiệm của các cảng biển; buộc các đơn vị quản lý cảng phải cho phép lực lượng chức năng vào tận nơi để kiểm tra, ngăn chặn vi phạm từ “gốc”.
Phải xử lý thật mạnh để răn đe
Theo các cơ quan hữu trách, lâu nay, trên địa bàn TP.HCM, nhiều tuyến đường trọng điểm đang bị hư hại, mà một trong những nguyên nhân chính là do tình trạng xe quá tải cày nát. Cụ thể là đường dẫn vào cảng Cát Lái (quận 2) xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1A đoạn qua thành phố, ở nhiều đoạn mặt đường bị lồi lõm, “ổ trâu”. Trên đường Đồng Văn Cống, chỉ một đoạn hơn 2km từ cầu Giồng Ông Tố 2 thuộc tỉnh lộ 25B cũ cũng là tuyến đường duy nhất dẫn vào cảng Cát Lái, do lưu lượng xe container ra vào cảng luôn ở mức cao, nên đã dẫn đến sụt lún mặt đường nhiều vị trí. Tương tự như vậy, gần chục năm qua, trên quốc lộ 1K đoạn dài gần 10km chạy qua địa bàn TP.HCM, tình trạng xe ben chở đá quá tải trọng hoạt động bất kể ngày đêm.
Theo nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt người điều khiển xe bánh xích; xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả xe ô tô chở hành khách): Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định trong giấy phép lưu hành. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường từ 10% đến 20%, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe khi có tín hiệu; hiệu lệnh yêu cầu kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe; chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ; điều khiển xe có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe nếu có) vượt quá quy định trong giấy phép lưu hành… Ngoài việc bị phạt tiền, người điền khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Đình chỉ lưu hành cho đến khi thực hiện đúng quy định hoặc bị buộc phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ; nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô).
Bài, ảnh: Phúc An
Người dân sống ở những khu vực thuộc các tuyến đường mà xe tải chở hàng quá tải trọng đi qua luôn mong các cơ quan chức năng có những biện pháp mạnh xử lý triệt để vấn nạn này để không còn gây ra sự bất an cho cuộc sống của họ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)