Chiều tối 5-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp trực tuyến với các sở ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì cuộc họp.
Đoàn lãnh đạo TP kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại một cơ sở cách ly trên địa bàn TP
Karaoke trá hình có nguy cơ khiến dịch bùng phát
Báo cáo về kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một số địa phương trong những ngày qua, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – đánh giá người dân thực hiện khá tốt việc phòng chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn người dân không đeo khẩu trang. Cụ thể, kiểm tra tại Chợ nông sản, thực phẩm Bình Điền (Quận 8), một số tiểu thương không đeo khẩu trang hoặc đeo nhưng kéo khẩu trang dưới cằm. Chợ này cũng chưa có đủ dụng cụ đo thân nhiệt người ra vào ở khu vực cổng.
Điều đáng lo ngại nữa là tại các quán cà phê, trà sữa vỉa hè vẫn tập trung đông người và phần lớn không đeo khẩu trang. Hay mới đây, tối 4-5, đoàn kiểm tra đến kiểm tra đột xuất nhà hàng T.K trên địa bàn quận 1, phát hiện có nhiều phòng đang có khách ăn uống, hát karaoke trái phép. Trong đó, có một khách Trung Quốc hoàn thành cách ly tập trung tại Hưng Yên ngày 21-4, sau đó vào làm việc tại một doanh nghiệp ở Long An.
Trước thực trạng này, ông Đức đề nghị các quận, huyện, TP.Thủ Đức cần tăng cường nhắc nhở, kiểm tra công tác chống dịch trên địa bàn để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. “Thực tế chúng ta đang bỏ quên mảng karaoke trá hình, cụ thể như nhà hàng T.K trên địa bàn quận 1 vừa tổ chức ăn uống, vừa tổ chức cho khách hát karaoke. Những loại hình này cũng phải ngưng hoạt động vì nguy cơ khiến dịch bệnh bùng phát rất lớn. Các địa phương cần thành lập đoàn kiểm tra, nhắc nhở nếu không công sức phòng chống dịch của cả TP sẽ biến thành tro bụi”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành chống dịch
Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP – đã nhấn mạnh điều này trong phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ông Phong cho biết, tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 những ngày gần đây hết sức phức tạp. Theo nhận định của Bộ Y tế, TP.HCM có nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, đặc biệt sau kỳ nghỉ lễ khi người dân quay về TP làm việc. Mặc dù TP cũng thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch ở các địa phương, cho thấy sự nỗ lực của các đoàn, qua đó nắm được tình hình chống dịch ở các địa phương. Tuy nhiên, TP vẫn phải hết sức nêu cao cảnh giác, không được phép lơ là, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành chống dịch.
Hiện TP đang đứng trước 3 nhóm có thể dẫn đến bùng phát dịch, đó là nhóm xâm nhập ổ dịch trong nước; nhóm xâm nhập do nhập cảnh trái phép và nhóm lây nhiễm cộng đồng. Để duy trì thành quả phòng chống dịch của TP thời gian qua, đồng thời tiếp tục phát triển kinh tế, ông Phong yêu cầu các sở ngành, địa phương phải kiểm soát chặt chẽ 3 nhóm nguy cơ này. Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Trung ương, Chỉ thị số 10 của Thành ủy TP (ban hành chiều 5-5) về tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19; phải quán triệt tinh thần chống dịch cao nhất, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Riêng việc kiểm soát các ca xâm nhập các ổ dịch trong nước, ông Phong yêu cầu tất cả công chức, viên chức, người lao động phải chủ động khai báo y tế khi đến các nơi có người lây nhiễm. Các địa phương rà soát kỹ các ca nhập cảnh trái phép. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thông báo cho địa phương nếu phát hiện ca nhập cảnh trái phép. Rút giấy phép kinh doanh các trường hợp cho người nhập cảnh trái phép lưu trú.
Tại cuộc họp, Sở GD-ĐT TP đã báo cáo công tác phòng chống dịch Covid-19 trong các trường học trước và sau dịp lễ 30-4 và 1-5. Trong đó, việc kiểm soát giáo viên, học sinh đi ra khỏi TP trong dịp lễ 30-4 và 1-5, qua thống kê có 9.738 giáo viên, công nhân viên và 81.355 học sinh đi ra khỏi TP. Trên cơ sở rà soát, Sở GD-ĐT ghi nhận có 14 học sinh và một nhân viên nhà trường đi cùng chuyến bay VN113 với bệnh nhân mắc Covid-19 tại Đồng Nai. Những trường hợp đi cùng chuyến bay với bệnh nhân ở Đồng Nai là học sinh ở các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Quận 1, Quận 5 và TP.Thủ Đức. Các trường hợp tiếp xúc này đã được y tế địa phương đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Cùng với đó, ngành giáo dục cũng đã xác định được 134 trường hợp tiếp xúc với các học sinh và nhân viên nhà trường đi cùng chuyến bay VN113, tất cả đều được yêu cầu cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. |
“Tình hình hiện nay nếu chúng ta mất cảnh giác là phải trả giá rất lớn, ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng cuộc sống người dân và cả phát triển kinh tế. Chúng ta phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, như vậy mới thúc đẩy các hoạt động lâu dài. Mọi công tác chống dịch không được phép lơ là, phải thực hiện trên tinh thần chống dịch như chống giặc”, ông Phong nói.
Ngoài ra những chỉ đạo trên, Chủ tịch UBND TP còn yêu cầu các sở ngành, địa phương tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Luôn trong tâm thế chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các địa điểm tổ chức cách ly trên địa bàn để tiếp nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Mỗi quận, huyện có ít nhất 100 phòng cách ly, riêng TP.Thủ Đức phải có 300 phòng…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)