Vụ việc học sinh ở Tuyên Quang khóa cửa nhốt, ném dép vào giáo viên được Bộ GD-ĐT đánh giá là có tính chất nghiêm trọng, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với giáo viên và đề nghị xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm khắc.
Nữ giáo viên ngất xỉu sau khi bị nhóm học sinh ở Tuyên Quang nhốt, dùng lời lẽ thiếu lễ độ và ném dép vào người (ảnh cắt từ clip)
Liên tục các vụ việc bạo lực học đường ở nhiều cấp học gây xôn xao dư luận thời gian qua. Trong đó, nổi cộm lên vụ sinh viên ĐH đòi đuổi giảng viên; học sinh THCS khóa cửa nhốt, ném dép vào giáo viên.
Nhốt, ném dép, đòi đuổi giáo viên
Hai vụ việc nói trên đều được xuất hiện thông qua video clip lan truyền trên mạng xã hội. Đối với vụ việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), các học sinh có những hành động vi phạm đạo đức như khóa cửa nhốt, nói năng vô lễ, thậm chí ném dép vào cô giáo. Đối với vụ việc tại Trường ĐH Hoa Sen, sinh viên cho giảng viên dạy “quá tệ”, thờ ơ, không tôn trọng sinh viên. Thậm chí, em này còn thất lễ khi yêu cầu giảng viên phải “cúi mặt, không được ngẩng mặt lên khi em trình bày”; yêu cầu nhà trường… đuổi giảng viên.
Sau nhiều buổi làm việc rõ ràng giữa các bên, nữ sinh viên đã bị Trường ĐH Hoa Sen cho thôi học vì lý do đánh nhau trong lớp, vô lễ với giảng viên. Riêng vụ việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Bộ GD-ĐT đánh giá rằng hành động bạo lực của một số học sinh có tính chất nghiêm trọng và đã vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với nữ giáo viên, gây bức xúc dư luận.
Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Bộ GD-ĐT đã đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, xác minh, làm rõ để trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan gồm: Giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, lãnh đạo cơ sở giáo dục, đơn vị quản lý giáo dục huyện cùng những cá nhân, đơn vị liên quan khác.
Đồng thời, chỉ đạo sở GD-ĐT rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc; tập trung tăng cường công tác quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng đội ngũ nhà giáo; tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ở các cơ sở giáo dục; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
Cần chú trọng các giải pháp tâm lý
Ở cả hai vụ việc trên, TS. Đinh Thị Thanh Nga (Trưởng bộ môn Hành chính hình sự, Khoa Luật, Trường ĐH Sài Gòn) cho rằng, các học sinh, sinh viên đều đã vi phạm đạo đức, vi phạm quy chế học sinh – sinh viên. Đối với trường hợp của sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, việc áp dụng các biện pháp kỷ luật, cụ thể là buộc thôi học, theo quy chế của nhà trường là hoàn toàn phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Trường hợp của nhóm học sinh Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), do các em là người chưa thành niên nên theo TS. Nga, cần áp dụng những biện pháp phù hợp quy định theo thông tư của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, TS. Nga nhận định, giải pháp đình chỉ học tập không nên thực hiện với trẻ em. Các em cũng đang trong giai đoạn tuổi dậy thì nên việc xử lý cần tinh tế, chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý của các em, đặc biệt, không quy kết toàn bộ lỗi cho trẻ.
Đề cập sâu hơn về giải pháp, TS. Nga cho rằng, cần xem xét các vụ việc này trong mối liên hệ với nhiều vụ việc bạo lực đang xảy ra tại nhà trường và trong xã hội để nhìn thấy chỉ dấu về việc thiếu kiểm soát hành vi ngày một gia tăng. Qua các thông tin trên truyền thông, có thể thấy, chỉ vì chút mâu thuẫn, một người có thể hại chết cả gia đình người yêu, cầm dao đâm người dám can ngăn hay một học sinh có thể hành hung bạn học, lại còn quay clip. “Sự lệch chuẩn về đạo đức có thể liên quan đến rối loạn kiểm soát, cảm xúc và hành vi của học sinh, sinh viên” – TS. Nga nói.
Chính vì vậy, TS. Nga nhấn mạnh việc chú trọng các giải pháp về mặt tâm lý, bên cạnh những giải pháp như tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. “Các giáo viên trước hết phải chuẩn mực và bình tĩnh ứng xử trong mọi tình huống giảng dạy cũng như sinh hoạt hằng ngày. Ngoài việc nêu gương, chính giáo viên cũng phải ý thức về trách nhiệm giáo dục nhân cách đạo đức cho người học” – TS. Nga nêu quan điểm.
Việt Ngân
Bình luận (0)