Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Xử lý ngộ độc thực phẩm quy mô lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Diễn tập hoạt động điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Nobland Việt Nam
BS. Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết: “Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Trong đó 1/3 dân số của các nước phát triển có bệnh liên quan đến thực phẩm, còn ở các nước đang phát triển như chúng ta thì tỷ lệ càng cao hơn”.
Ngộ độc thực phẩm…
Hàng loạt các quy định về ATVSTP được đưa ra nhưng vấn đề thực hiện còn lắm nhiêu khê nên vẫn còn tình trạng hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian gần đây. Trường Tiểu học Long Bình (quận 9, TP.HCM) có khoảng 100 em trong số 545 học sinh ăn trưa tại trường bị ngộ độc thực phẩm. Thực đơn các em ăn là cơm chiên Dương Châu, canh súp và bánh flan. Mới đây, hàng loạt các em học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (thành phố Vũng Tàu) cũng phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Được biết, các em ăn sáng tại căng tin của trường với nhiều món nhưng ăn nhiều nhất là cơm chiên Dương Châu. Làm việc tại các công ty hay KCX với số lượng công nhân đông nếu không đảm bảo ATVSTP thì có nguy cơ xảy ra ngộ độc hàng loạt. Hơn 370 công nhân của Công ty DHA (Bắc Ninh) bị ngộ độc thức ăn phải nhập viện trong tình trạng tiêu chảy cấp nhiều lần, đau bụng. Đây chỉ là số ít các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra với quy mô lớn còn các vụ ngộ độc xảy ra rải rác theo cá nhân diễn ra khá phổ biến và khó mà thống kê chính xác con số. Theo TS. Nguyễn Hùng Long (Phó cục trưởng Cục ATTP), nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể tại các KCX-KCN là rất lớn. Mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 15 vụ với 1.400 người mắc. Riêng TP.HCM có khoảng 3.000 bếp ăn tập thể tại các KCX-KCN và 1.000 bếp ăn tập thể tại các trường học, năm 2014 đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với khoảng 600 người mắc.
Xử lý ngộ độc thực phẩm
BS. Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – chia sẻ: “Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra đối với bất cứ ai và bất cứ nơi đâu”. Chính vì vậy chấp hành tốt các quy định về ATVSTP sẽ hạn chế được khả năng ngộ độc thực phẩm.
Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế TP.HCM, Chi cục ATVSTP TP.HCM tổ chức hoạt động “Diễn tập xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm tập thể có quy mô lớn tại TP.HCM”. Đây là buổi diễn tập có ý nghĩa thiết thực giúp các đơn vị liên quan tại TP.HCM cũng như các đơn vị khác ở một số tỉnh thành trong cả nước rút ra kinh nghiệm để có thể xử lý được vấn đề khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa (Chi cục trưởng, Chi cục ATVSTP TP.HCM) cho biết: “Đây là buổi diễn tập có quy mô lớn lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM. Tham dự hoạt động diễn tập có ban quản lý các KCX, KCN, các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên Chi cục ATVSTP TP.HCM và 31 chi cục ATVSTP tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam và một số tỉnh thành phía Bắc. Mục tiêu chung của buổi diễn tập là chuẩn hóa quy trình điều tra, xử lý, khắc phục, giảm thiểu hậu quả tác động sức khỏe, trật tự xã hội gây ra bởi ngộ độc thực phẩm tập thể có quy mô lớn, đồng thời nâng cao công tác phối hợp xử lý, điều tra vụ ngộ độc thực phẩm của các đơn vị chức năng trên địa bàn thành phố”.
BS. Hưng cho biết: “Khi vấn đề ngộ độc thực phẩm xảy ra, nhất là với số lượng người đông ở trường học hay công ty thì cần nhanh chóng gọi điện đến  Trung tâm Cấp cứu 115 để được hỗ trợ và xử lý ngộ độc một cách kịp thời. Đây là đơn vị tiếp nhận thông tin đầu tiên và trung tâm sẽ gọi điện thông báo đến các cơ quan có liên quan để được hỗ trợ. Sau đó, các đơn vị sẽ phối hợp xuống hiện trường xảy ra ngộ độc và làm công tác sơ cứu, phân loại, vận chuyển bệnh nhân, thống kê, báo cáo bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm, xử lý vệ sinh môi trường, khử trùng, tẩy uế chất thải, chất nôn, xử lý nguồn nước, xử lý vệ sinh cơ sở bếp ăn tập thể…”. TS. Nguyễn Hùng Long đề nghị các chi cục ATTP  học tập, rút kinh nghiệm để nâng cao năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác xử trí, điều tra khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn…”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
11 tháng, phát hiện 7.000 vụ vi phạm ATVSTP
Ông Nguyễn Trung Bính, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, hàng năm, chi cục phối hợp kiểm tra liên ngành bình quân trên 15.000 vụ, trong đó, ATVSTP chiếm 40% số vụ việc. Trong 11 tháng qua, chi cục phát hiện 7.000 vụ vi phạm ATVSTP, tiêu hủy trên 700 tấn hàng hóa. Bên cạnh đó, Chi cục ATVSTP tiến hành lấy hơn 19.000 mẫu giám sát, trong đó mẫu không đạt 13,88%. Riêng phụ gia thực phẩm có 164 cơ sở sản xuất kinh doanh, tiến hành kiểm tra 150 cơ sở, trong đó 19 cơ sở không đạt khi sử dụng formol, hàn the, chủ yếu chả lụa.
T.G
 
 

Bình luận (0)