Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xử lý người đứng đầu cơ quan để xảy ra thất thoát, lãng phí

Tạp Chí Giáo Dục

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, xử lý nghiêm vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Ngày 23-5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Cả nước tiết kiệm gần 54.000 tỷ đồng
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2022, tổng số tiền tiết kiệm là 53.887 tỷ đồng.
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 12 luật, 6 nghị quyết. Các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 602 văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương đã ban hành 7.465 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, định mức, chế độ mới.
Sáng 23-5, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc tại hội trường.
Hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam được bổ sung, mức độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Đến năm 2022 có khoảng 13.500 tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để.
Về nợ công, đến năm 2022, ước quy mô nợ công của Việt Nam khoảng 3,6 triệu tỷ đồng, tương đương 38% GDP (giảm so với mức 43,1% GDP năm 2021). Cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục được cải thiện theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.
Cả nước đã mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật, vận hành có hiệu quả, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1,7 triệu tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, việc sắp xếp này còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.
Cả nước đã thực hiện chuyển dịch gần 20.000 ha đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp. Kiểm tra xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích trên 10.000 ha. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên nước; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi…
Đồng thời rà soát, ban hành 2.315 quyết định công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý; cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhìn nhận, năm 2022, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.
Bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí
Năm 2023, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 đề ra với 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp.
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc; từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên để đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến. Đồng thời, có các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
Ngoài ra, tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào những lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước; quản lý vốn đầu tư công; quản lý nợ công; quản lý tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp…
Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Trong năm 2022, ngành thanh tra cả nước đã triển khai 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỷ đồng, 8.777 ha đất. Cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 26.654 tỷ đồng và thu hồi 574 ha đất.
 
VĂN MINH (theo SGGP)

Bình luận (0)