“Cần phải có những giải pháp giải quyết triệt để về vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực âu thuyền Thọ Quang. Trong vòng 3 tháng, các ngành chức năng liên quan phải xử lý, trả lại môi trường trong sạch ở âu thuyền này”. Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ tại cuộc họp bàn về giải quyết ô nhiễm tại khu vực âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà).
Việc xả trộm nước thải chưa xử lý, xả rác bừa bãi gây nên tình trạng ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà) |
Âu thuyền ô nhiễm nặng
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý âu thuyền cảng Thọ Quang cho biết, nguyên nhân chính gây nên tình trạng nước tại khu vực âu thuyền này đen và bốc mùi hôi là do ở khu vực xung quanh âu thuyền có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến. Cụ thể, có 23 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản; 11 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền; 8 cống thải ra biển. Mặt khác, hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu. Một nguyên nhân khác là do ý thức của nhiều người dân còn kém, quá trình sinh hoạt, đi lại, buôn bán ở đây vô tư xả ra một lượng rác tương đối lớn, bình quân chiếm đến 75m3/tháng. Bên cạnh đó, mỗi năm, âu thuyền Thọ Quang đón hàng chục ngàn lượt tàu cập cảng, một số tàu cá nhiều lúc vứt rác xuống nước. Các tàu cá thường chưa có nhà vệ sinh nên đôi khi các thành viên trên tàu phóng uế bừa bãi xuống mặt nước. Lượng rác không được dọn dẹp kịp thời gây mùi hôi khó chịu, nhất là mỗi khi trở gió. Đó là chưa kể, một số cơ sở đóng, sửa chữa tàu bè ít nhiều thải ra nào là dăm gỗ, xốp, dẻ lau, sơn… Nhiều ki-ốt buôn bán, tập kết thủy sản chưa tổ chức thu gom rác thải nên rác phát tán dọc theo vỉa hè, đường nội bộ gây ô nhiễm. Vào thời điểm mưa lớn, rác bị nước cuốn vào cống thoát nước. Sau mỗi đợt mưa lũ, Ban quản lý phải tiến hành thu gom từ 2 đến 3 ngày mới xong. Vì việc xả thải thiếu ý thức trách nhiệm nên công tác dọn vệ sinh của Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng như muối bỏ bể.
Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 20 trường hợp xả lén ra môi trường. Một số nhà máy đục ống cống, thông ống xả nước thải với ống xả nước mưa để nhân những ngày mưa to họ xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. |
Điểm đáng chú ý khác, hiện khu vực âu thuyền vận hành 2 trạm xử lý nước thải nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chất lượng nước sau khi xử lý. Việc nạo vét bùn lưu cữu chưa được xử lý thường xuyên. Trong khi nguyên nhân chính là vấn đề nước thải gây nên mùi hôi nồng nặc tại đây khó xử lý.
Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 20 trường hợp xả lén ra môi trường. Một số nhà máy đục ống cống, thông ống xả nước thải với ống xả nước mưa để nhân những ngày mưa to họ xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Cần có giải pháp triệt để
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, Ban quản lý cảng cá cần xây dựng bảng giá dịch vụ. Thu phí các hoạt động trên cảng. Có thể tính giá theo lượt đối với mỗi tàu vào cảng, tính theo giờ neo đậu để nâng cấp, xây dựng cảng cá sạch đẹp, văn minh. Các hoạt động diễn ra ở đây đều tuân thủ theo nội quy. Đối với hành vi xả thải, ông Thơ cho rằng cần lắp camera có độ phân giải cao để quan sát người dân, chủ tàu nào xả rác sai quy định thì có hình thức xử phạt đích đáng. Ông Thơ cũng yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với công an, Ban quản lý cảng cá tiến hành kiểm tra đường ống xả thải của các nhà máy thủy sản. Trường hợp, phát hiện doanh nghiệp đục đẽo, thông đường ống xả với đường ống nước mưa thì cần có hình thức xử phạt nghiêm minh. Bắt buộc các nhà máy, doanh nghiệp ở khu vực này phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải; Mở rộng quy mô hố ga nước thải, nước mưa đồng thời xây dựng bên ngoài nhà máy để tiện cho việc giám sát, đảm bảo môi trường trong sạch.
Ông Thơ nhấn mạnh, việc xử lý, trả lại môi trường sạch cho âu thuyền Thọ Quang cần khẩn trương triển khai, và sau thời hạn 3 tháng, các cơ quan chức năng liên quan phải đảm bảo môi trường sạch, không còn mùi hôi.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)