Năm 2008, Hàn Quốc bắt tay vào xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên từ rác đã giúp nước này giảm được gánh nặng tài chính, tạo việc làm cho hàng ngàn người, hơn hết ô nhiễm môi trường đã được đẩy lùi. Tại Việt Nam, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn là bài toán khó. Nhưng bước đầu nếu làm tốt khâu phân loại rác tại nguồn sẽ giảm được phần lớn kinh phí trong xử lý rác thải.
Bà Nguyễn Ngọc Lý – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR). Ảnh: L.Anh
Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Ngọc Lý – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) – dựa trên kết quả học tập, nghiên cứu về quy trình xử lý rác thải tại Hàn Quốc.
Phải trả tiền cho rác
Theo bà Lý, 30 năm trước Hàn Quốc cũng giống Việt Nam ở thời điểm hiện tại – 96% rác thải bị chôn lấp dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, thiếu quỹ đất dành cho các bãi chôn lấp. Lúc này, Hàn Quốc bắt đầu bàn đến chuyện giải quyết rác thải chính là giải quyết vấn đề tài chính. Đất nước này xác định phải tạo ra nền kinh tế mà ở đó lấy rác là tài nguyên đầu vào.
Năm 2008, Hàn Quốc thành lập Luật Thúc đẩy tái chế và tiết kiệm tài nguyên. Đồng thời thành lập hai quỹ K-ECO (Korea Environment of Cooperation) với mục tiêu thúc đẩy tuần hoàn tài nguyên rác và KORA (Korea Resource Circulation Service Agency) – trung tâm thực thi nhiệm vụ tái chế; còn Nhà nước đóng vai trò trung lập. Theo đó, thị trường mua bán, luật lệ tài chính, hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, hành vi, trách nhiệm xã hội được tạo ra. Trong luật đều thể hiện rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan từ Nhà nước, bộ môi trường, doanh nghiệp, người dân.
Xác định nguồn gốc thải ra nhiều rác nhất chính là doanh nghiệp bao bì. Một ly nước, một bao bì, một túi nilon, một hộp xốp… sau sử dụng đều là rác thải. Vì thế Hàn Quốc đưa ra yêu cầu doanh nghiệp phải trả tiền cho quá trình xử lý rác thông qua quỹ KORA chứ không phải Nhà nước. Quỹ này có trách nhiệm trả tiền cho các công ty tái chế. Phí doanh nghiệp phải trả dựa trên khối lượng, kinh phí xử lý từng loại rác. Còn K-ECO quản lý thông tin, dữ liệu khối lượng, loại rác thải của từng doanh nghiệp nâng cao tính trách nhiệm.
Hàn Quốc cũng khuyến khích doanh nghiệp tự thu gom, xử lý rác thải của chính mình nhằm thúc đẩy quyết tâm chế tạo sản phẩm thân thiện với môi trường, bớt kinh phí thu gom, xử lý.
Xử lý rác thải sinh hoạt là bài toán khó tại Việt Nam. Ảnh: Kiều Khánh
Đối với người dân, cũng phải chịu trách nhiệm trước khối lượng rác sinh hoạt thải ra hàng ngày với yêu cầu phải phân loại rác tại nguồn. Rác hữu cơ bỏ vào hệ thống máy xử lý và trả tiền tùy theo cân nặng. Các loại rác khác phải phân loại, bỏ vào từng loại túi khác nhau để lực lượng thu gom mang đến từng nhà máy xử lý khác nhau. Tuy nhiên, các túi được bán với giá rất cao. Để tiết kiệm tiền mua túi, người dân bắt buộc giảm thải rác sinh hoạt, đặc biệt là các loại rác khó phân hủy như nilon.
Kết quả, đã có 800 công ty chỉ chuyên tái chế ra đời. Sản lượng rác tái chế tăng 72% và đến 93% bao bì nhựa được tái chế năm 2016. Tất cả rác đều tuần hoàn, rác nào không tuần hoàn được sẽ đốt lấy tro làm gạch lát đường. Hàng năm Hàn Quốc thu được 6 tỷ USD từ vật dụng tái chế nền kinh tế tuần hoàn, giảm được 5 tỷ USD từ cắt giảm chi phí đốt rác và chôn rác; đặc biệt đã tạo ra gần 15 ngàn việc làm cho người dân.
Những kết quả đạt được giúp Hàn Quốc đạt mục tiêu giảm gánh nặng tài chính và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Ô nhiễm môi trường được đẩy lùi, các bãi chôn lấp cũ được cải tạo thành công viên và không còn bãi chôn lấp. Và hiện nay Hàn Quốc còn trở thành nước xuất khẩu máy móc, công nghệ xử lý rác.
Phân loại rác tại nguồn là rất quan trọng
Bà Lý cho rằng, để làm hiệu quả nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên từ rác, chính sách tái chế của Hàn Quốc đóng một phần quan trọng. Cùng với đó, tất cả các cơ quan liên quan từ Nhà nước, cơ quan tái chế, doanh nghiệp đều phải phối hợp nhuần nhuyễn để chính sách tái chế thành công. Đơn cử, ngay khu vực vứt rác hữu cơ đều được Hàn Quốc trang bị nước rửa tay để người dân cảm thấy thoải mái, thuận tiện, sẵn sàng tham gia vào xử lý rác thải. Điều này cho thấy mỗi khâu đều được tính toán rất kỹ lưỡng nhằm đạt hiệu quả cao. Các nước, trong đó có Việt Nam có thể học hỏi.
Tại Việt Nam, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn là bài toán khó. Ngay việc yêu cầu doanh nghiệp tự thu gom, xử lý rác thải do doanh nghiệp đó sản xuất ra cũng mới chỉ bắt đầu và số lượng rất ít. Hay kết quả phân loại rác tại nguồn cũng chưa cao. Chúng ta đang khởi công một số nhà máy xử lý đốt rác phát điện bằng công nghệ. Tuy nhiên các nhà khoa học đang phân vân rác thải sinh hoạt ở Việt Nam có gần 70% hàm lượng hữu cơ gồm nước và rác tổng hợp, nếu đốt tất cả thì hiệu quả sẽ không cao vì chi phí rất lớn, chưa tính đến khí thải gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần làm tốt khâu phân loại rác tại nguồn, tại mỗi hộ gia đình. Nếu làm thành công sẽ giảm được phần lớn kinh phí trong xử lý rác thải.
“Hiện mỗi gia đình đều “sản xuất” ra rác, chăm chỉ vứt rác mỗi ngày nhưng ngại phân loại vì có suy nghĩ trách nhiệm xử lý rác là của Nhà nước. Để phân loại rác tại nguồn hiệu quả cần tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức ngay từ chính các hộ dân bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin. Bên cạnh đó, đẩy mạnh những mô hình bảo vệ môi trường như giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy, chỉ ra các cách làm cụ thể để người dân thực hiện. Từ những giải pháp, mô hình nhỏ nhưng sẽ góp phần thành công cho bài toán xử lý rác thải ở Việt Nam hiện nay…”, bà Lý nhấn mạnh.
Linh Anh (ghi)
Bình luận (0)