Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Xử lý rác thải trong dịch: Bài toán khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Tại TPHCM, mỗi ngày, chỉ riêng 151 khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến đã thải ra trên 69 tấn chất thải y tế.

Trong khi đó, các đơn vị quản lý các khu cách ly, phong tỏa, điều trị COVID-19 vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng về việc phân loại chất thải, gây khó khăn cho việc thu gom.

Rác y tế nằm chung với cơm thừa canh cặn

Chị T.H. – trú tại một chung cư ở P.An Lạc, Q.Bình Tân – kể từ ngày 5/6, lô chung cư nơi chị ở bị phong tỏa do có nhiều người nhiễm COVID-19. Sau đó, người sống cùng tầng với người nhiễm COVID-19 phải tự cách ly tại nhà. Mỗi ngày, người dân chỉ ra khỏi cửa một lần để bỏ rác. Khi xảy ra dịch COVID-19, đơn vị chức năng để hai thùng rác ở nhà rác các tầng, gồm một thùng màu xanh đựng rác thải sinh hoạt và thùng màu vàng đựng rác thải y tế.

Liên tục cập nhật tình hình thu gom, xử lý chất thải 

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã lập hai nhóm trên Zalo để trao đổi thông tin về tình hình thu gom, xử lý chất thải, gồm nhóm quận, huyện và nhóm sở, ngành. Sở cũng giao Ban Quản lý Các khu liên hợp xử lý chất thải rắn TPHCM giám sát công tác tiếp nhận, lưu giữ, thu gom chất thải phát sinh tại các khu cách ly tập trung và chuyển đến nhà máy xử lý của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM để xử lý đúng quy định.

“Đơn vị thu gom có dán bảng phân loại chất thải trên mỗi thùng nhưng tôi thấy rất ít người phân loại sẵn. Trong thùng rác thải y tế, tôi vẫn thường xuyên thấy hàng xóm bỏ cơm, canh vào; ngược lại, trong thùng rác thải sinh hoạt lại có khẩu trang, băng gạc. Cách ly tại chỗ ở chung cư mà rác thải vứt bừa bãi như vậy là rất nguy hiểm, dễ lây lan dịch bệnh” – chị H. nhận xét.

Theo quy định, toàn bộ rác thải ở khu vực cách ly, phong tỏa, bệnh viện điều trị COVID-19 phải được thu gom theo quy trình rất nghiêm ngặt: rác được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh, được xịt khử khuẩn trước khi đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng có thùng kín. Công nhân thu gom phải được trang bị đồ bảo hộ an toàn. Chất thải y tế phải được khử khuẩn nhiều lần trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao; sau khi đốt, tro được hóa rắn và chôn lấp ở bãi dành riêng cho chất thải nguy hại.

Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM thu gom chất thải tại một khu cách ly. Ảnh: Sơn Vinh

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM – cho biết TPHCM hiện có 151 khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến có phát sinh chất thải y tế. Tổng lượng chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 từ ngày 9/7 đến 20/7 là trên 813 tấn. Mỗi ngày, các đơn vị chức năng phải thu gom trên 69 tấn chất thải y tế. Bình thường, việc thu gom chất thải y tế do một đơn vị và một số ít công nhân thực hiện. Trong giai đoạn TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, có 417 công nhân và 95 phương tiện thuộc bốn đơn vị được huy động thu gom rác thải y tế. Chất thải y tế phải được thu gom ngay trong ngày.

“Khi thành lập các bệnh viện dã chiến, đơn vị chức năng phải nhanh chóng cung cấp thiết bị lưu chứa chất thải y tế. Mới đây nhất, theo đề nghị của đơn vị chức năng, chúng tôi đã bổ sung 450 thùng rác có dung tích 25 lít và 50 thùng rác có dung tích 24 lít đến Bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 số 10” –  ông Nguyễn Toàn Thắng thông tin.

Tăng cường phân loại rác từ nguồn

Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM hiện là đơn vị chủ lực thu gom chất thải y tế trong khu cách ly, phong tỏa và điều trị COVID-19. Hiện công ty huy động khoảng 300 công nhân, làm việc ba ca mỗi ngày để đảm bảo việc thu gom rác thải. Một cán bộ ở chi nhánh dịch vụ môi trường cho biết, phải cho lò đốt hoạt động gần như 24 giờ/ngày; nếu kéo dài, thiết bị sẽ không chịu nổi. 

Giáo sư – tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TPHCM – nhận định: “Toàn bộ rác thải ở khu phong tỏa, cách ly hay khu điều trị COVID-19 đều phải được xử lý theo quy trình riêng. Tất cả rác thải ở đây đều có thể gây nguy hiểm. Tuy nhiên, người dân không nên vứt chất thải sinh hoạt thông thường vào chung với chất thải y tế. Nếu trộn chung thì đơn vị chức năng buộc phải thu gom và xử lý toàn bộ bằng quy trình chất thải y tế nguy hại, rất tốn công sức và tiền bạc”.

Theo giáo sư Lê Huy Bá, TPHCM đang có nhiều khu cách ly, phong tỏa, điều trị COVID-19 với lượng người đông nên việc tiếp nhận, thu gom và xử lý chất thải y tế rất vất vả. Do đó, TPHCM nên dùng lò đốt mini để giải quyết rác thải y tế. Ông nói: “Ở các khu cách ly, phong tỏa có đông người, chỉ cần một lò đốt với công suất 500kg/ngày là xử lý được, giúp giảm áp lực trong thu gom, vận chuyển”.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai – nguyên Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TPHCM – cho rằng ngay cả khi không có dịch, các cơ quan chức năng đã yêu cầu người dân phân loại rác tại nguồn. Ở các khu cách ly, phong tỏa, cũng có quy định về việc thu gom, xử lý chất thải nói chung và chất thải y tế nói riêng. Do đó, các đơn vị quản lý khu cách ly, phong tỏa và điều trị COVID-19 phải hướng dẫn, giám sát việc này. Nếu làm không nghiêm túc, có thể gây nguy hiểm cho người thu gom chất thải và cả cộng đồng, bởi virus SARS-CoV-2 rất dễ phát tán và lây lan. 

Cần có quy định về phân loại, tạm trữ chất thải y tế

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) hướng dẫn cụ thể việc phân loại, tạm trữ chất thải y tế, bảo quản tập trung chất thải y tế phát sinh liên quan đến dịch COVID-19 tại các khu cách ly tập trung, phong tỏa, bệnh viện dã chiến, khu vực điều trị… và các khu vực liên quan đến hoạt động y tế phòng, chống dịch COVID-19.

Đơn vị chủ quản/quản lý khu cách ly, phong tỏa cũng cần có hướng dẫn và tổ chức công tác phân loại, tạm trữ chất thải y tế, bảo quản tập trung chất thải y tế phát sinh liên quan đến dịch COVID-19.

Đối với UBND cấp huyện, khi thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà, cần tổ chức quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định. Cần có phương án thu gom, vận chuyển các chất thải rắn sinh hoạt thông thường, chất thải lây nhiễm phù hợp điều kiện của từng địa phương; đồng thời hỗ trợ, trang bị phương tiện phòng hộ cho lực lượng thu gom chất thải tại các hộ có F0, F1 cách ly tại nhà.

Đặt hàng xử lý thêm khoảng 1.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày

UBND TPHCM vừa có văn bản đặt hàng xử lý bổ sung lượng rác sinh hoạt tại nhà máy của Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Theo đó, UBND TPHCM chấp thuận cho Sở Tài nguyên và Môi trường đặt Công ty Vietstar tiếp nhận, xử lý thêm 500-600 tấn/ngày, Công ty Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận, xử lý thêm 400 tấn/ngày. 

Theo Sơn Vinh/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)