Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xử lý rốt ráo hàng vạn xe vô chủ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Thay vì phải chờ 1 năm theo quy định hiện hành, từ 1.5, những phương tiện bị tạm giữ quá 30 ngày mà chủ xe không đến nhận, cảnh sát có quyền tịch thu, bán đấu giá để sung công quỹ.
Vô số xe máy vi phạm giao thông bị thu giữ nhưng không có người đến nhận  /// Ảnh: Ngọc Dương
Vô số xe máy vi phạm giao thông bị thu giữ nhưng không có người đến nhận. Ảnh: Ngọc Dương
Tịch thu, bán đấu giá xe tạm giữ quá 30 ngày
Cụ thể, theo Nghị định 31 bổ sung, chỉnh sửa một số điều tại Nghị định 115 ban hành năm 2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu Chính phủ vừa ban hành, trong 3 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm, cảnh sát phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở.
Việc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được rút ngắn từ ít nhất 2 lần như quy định hiện hành, còn một lần theo quy định mới. Hết thời hạn 30 ngày nhưng người vi phạm không đến nhận thì cảnh sát sẽ tịch thu phương tiện vi phạm.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc lý giải việc tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vi phạm hiện gặp nhiều khó khăn. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu quyết định xử phạt là 1 năm, nên sau khi tạm giữ phương tiện mà người vi phạm không tới nộp phạt thì phải chờ hết 1 năm mới xử lý được, dẫn đến tồn nhiều phương tiện trong thời gian dài, khiến phương tiện hư hỏng, không sử dụng được. Số lượng phương tiện cũng rất lớn. Đến tháng 9.2019, cả nước còn 136.989 phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được.
Tại TP.HCM, tính từ tháng 7.2013 – 9.2019 có hơn 169.000 xe vi phạm bị tạm giữ tại 5 kho bãi. Lượng xe vi phạm ngày càng tăng trong khi số lượng có thể thanh lý, đem bán đấu giá rất ít nên các kho bãi đều rơi vào tình trạng quá tải.
Theo đại diện Phòng CSGT đường bộ – đường sắt TP.HCM, có nhiều nguyên nhân người vi phạm chọn cách không nộp phạt để nhận lại phương tiện như: mức phạt do lỗi vi phạm cao, thậm chí cao hơn rất nhiều lần so với giá trị phương tiện, do người vi phạm ở xa…
“Vốn dĩ các xe không được thừa nhận đã là xe cũ, giá trị thấp. Sau khi xác định xe vi phạm không có người đến nhận, một năm sau mới làm thủ tục thanh lý. Tiếp đó, lực lượng công an địa phương phải hoàn thiện thủ tục xác minh, lập danh sách, trình lên Bộ trưởng Bộ Công an hoặc chủ tịch tỉnh (TP) để ra quyết định thanh lý, bán đấu giá tài sản. Trung bình quy trình thực hiện tính từ lúc xác định vô chủ đến hoàn tất công tác thanh lý tài sản phải mất từ 1 – 2 năm. Trong thời gian đó rất nhiều xe đã thành sắt vụn, rất khó giải quyết”, đại diện Phòng CSGT đường bộ – đường sắt TP.HCM cho biết.
Vẫn để lọt xe máy gửi rồi “vứt”
Quy định 31 ra đời, các bãi xe bị tịch thu do vi phạm được giải tỏa nhưng hàng trăm phương tiện vô thừa nhận chất đống tại các bãi xe ở sân bay, bệnh viện, bến xe… vẫn chưa có phương án giải quyết.
Đơn cử nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất (do Công ty TCP làm chủ đầu tư), suốt 4 năm qua, khốn khổ vì hàng trăm chiếc xe máy từ cũ tới mới nằm chất đống ngày này qua tháng khác không có chủ tới lấy về. Ông Nguyễn Anh Tuấn, thuộc Phòng Vận hành – Công ty TCP, thông tin hiện có khoảng 250 xe máy gửi quá hạn ở đây. Con số này vẫn tăng đều, cứ 6 tháng lại tăng thêm khoảng vài chục xe dù trên thẻ xe của công ty đã ghi rõ thời hạn nhận giữ không quá 30 ngày. Về nguyên tắc, những chiếc xe gửi quá hạn công ty được toàn quyền xử lý, nhưng trong thời gian chờ cơ quan chức năng hướng dẫn xử lý, TCP vẫn coi đây là tài sản của khách hàng nên phải trông giữ cẩn thận theo đúng nhiệm vụ.
“Nghị định 31 quy định chủ yếu cho lực lượng chấp pháp, thực thi với những tài sản vi phạm pháp luật. Còn đối với doanh nghiệp, lực lượng chức năng vẫn chưa thể tìm ra hướng giải quyết vì đây không phải tang vật bị thu giữ. Vào mùa cao điểm, đặc biệt là dịp lễ tết, xe máy, ô tô lấp đầy, không còn chỗ trống nhưng cũng không biết di chuyển hơn 250 chiếc xe này đi đâu để lấy chỗ cho khách. Chưa kể công ty phải tốn chi phí thuê thợ vào cắt bình ắc quy, rút hết xăng để tránh xảy ra cháy nổ, tốn chi phí thuê người trông nom, quản lý, vệ sinh định kỳ… nói chung khó khăn đủ đường”, vị này chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, cho biết theo quy định, TCP cần thông báo số lượng phương tiện đang lưu giữ tại nhà xe với cụ thể biển số, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quá 3 lần thông báo mà chủ phương tiện vẫn không tới nhận, doanh nghiệp sẽ chuyển số lượng xe này về UBND hoặc công an cấp xã, phường nơi gần nhất để tiếp tục thông báo công khai cho chủ sở hữu.
Sau 1 năm, nếu vẫn không ai tới nhận thì hơn 250 xe này sẽ trở thành tài sản vô chủ và TCP sẽ trở thành chủ sở hữu.
Việc giảm bớt thời gian, quy trình thủ tục sẽ giúp nhanh chóng giải phóng hàng trăm nghìn xe đang tồn trong bãi. Về lâu dần sẽ xóa bỏ tình trạng công an địa phương phải thuê bãi, tốn chi phí trông xe vô thừa nhận như thời gian qua.
Đại diện Phòng CSGT đường bộ – đường sắt TP.HCM
Theo Hà Mai/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)