Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Xử lý sao nếu hồ sơ bị trễ?

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt băn khoăn trước khả năng mạng bị nghẽn nếu có quá đông thí sinh nộp hồ sơ. Ảnh: M.Châu

Nghẽn mạng, hồ sơ đến trễ thì Bộ GD-ĐT xử lý như thế nào? Đó là vấn đề được nhiều học sinh tại TP.HCM quan tâm trong chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 8 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Cụ thể, em Trần Đặng Thanh Phương (lớp 12A6 Trường THPT Lý Thường Kiệt, TP.HCM) đặt câu hỏi: “Trong đợt 1, mỗi thí sinh chỉ được phép nộp hồ sơ xét tuyển vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành; nếu trong quá trình nộp mạng bị nghẽn hoặc bưu điện chuyển đến trường trễ thời gian quy định của đợt xét tuyển thì Bộ GD-ĐT đã có hướng giải quyết như thế nào?”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường (Bộ phận tuyển sinh của Bộ GD-ĐT) cho hay: “Dư âm các đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 vẫn còn ám ảnh khá nhiều người, đặc biệt là tình trạng nghẽn mạng. Tuy nhiên, sự cố nghẽn mạng chỉ xảy ra khi thí sinh xem điểm chứ không phải trong thời gian xét tuyển. Năm 2015 cả nước chỉ có 6 điểm công bố kết quả thi nên đã xảy ra sự cố nghẽn mạng khi hàng trăm ngàn thí sinh cùng online một lúc. Năm 2016, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia, nhưng khác với năm 2015 là đơn vị nào tổ chức thi thì đơn vị đó công bố điểm. Theo tính toán, đơn vị tổ chức thi nhiều nhất năm nay cũng chỉ khoảng 30 ngàn thí sinh chứ không có chuyện hàng trăm ngàn thí sinh cùng online nên sự cố nghẽn mạng không thể diễn ra”.

Về phía bưu điện, ông Cường thông tin thêm: “Việc hồ sơ bị thất lạc có thể xảy ra khi nộp bằng bưu điện nên thí sinh cần giữ giấy biên nhận của bưu điện để nếu có vấn đề trục trặc xảy ra thì còn có bằng chứng chứng minh. Ngoài ra, thí sinh nên gửi theo hình thức chuyển phát nhanh, trên biên nhận ghi đầy đủ họ tên, số báo danh, ngành nộp hồ sơ…”.

Dương Bình

Bình luận (0)