Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT quy định về quản lý thuê bao di động trả trước có hiệu lực từ ngày 1/6, trong đó nghiêm cấm mua bán sim đã kích hoạt sẵn, nhưng thị trường vẫn đầy rẫy SIM “rác”. Tại có cầu ắt có cung, hay do “bàn tay quản lý” chưa đủ mạnh?.
Đầy rẫy SIM “rác”
Sau thời điểm ngày 1/6, trên nhiều tuyến đường phố như Kim Mã, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng, Đường Láng, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy…, khách hàng vẫn dễ dàng mua được SIM đã kích hoạt trước. Chủ một cửa hàng trên đường Kim Mã đáp lại thắc mắc của khách hàng rằng, hiện số lượng SIM kích hoạt sẵn đang còn nên cửa hàng cố bán nốt, vả lại, nhiều khách hàng vẫn có nhu cầu mua SIM kích hoạt sẵn.
Chiều 5/6, chủ một đại lý bán sim thẻ trên đường Hoàng Quốc Việt “tiếp thị” với phóng viên rằng có sẵn SIM đã kích hoạt của cả mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone. “SIM của VinaPhone được mua nhiều vì rẻ nhất. Loại giá 28.000 đồng có tài khoản là 95.000 đồng, loại giá 45.000 đồng có tài khoản là 130.000 đồng. SIM của Viettel loại giá 45.000 đồng có tài khoản là 100.000 đồng. SIM của MobiFone giá 48.000 đồng có tài khoản 100.000 đồng”.
Ảnh minh họa.
Khi chúng tôi ngỏ ý mua nhiều SIM cùng lúc, chủ đại lý xưng tên là Nguyễn Minh Hùng cho biết, mua cả chục SIM cũng có, nhưng đại lý không thể giảm giá như trước đây do SIM kích hoạt sẵn ngày càng ít hơn. Anh Hùng khoe, tuy đại lý của anh chưa tăng giá, nhưng một số đại lý bạn đã tăng giá SIM kích hoạt sẵn để kiếm lời. Nhiều đại lý SIM có giá 45.000 đã được tăng lên 55.000 đồng, 65.000 đồng được tăng lên thành 75.000 đồng. Lượng sim kích hoạt sẵn sẽ khan hiếm dần nên chắc chắn sim rác sẽ còn tăng giá, một số đại lý nói.
Sẽ thu phí hòa mạng thuê bao trả trước?
Hiện giờ, để hạn chế SIM rác và thói quen “mua SIM thay thẻ cào”, biện pháp được trông chờ nhất là siết chặt đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước. Theo đó, kể từ khi Thông tư có hiệu lực, người mua cũng phải tuân thủ một quy trình khắt khe để có được chiếc SIM mang tên mình.
Nhưng vấn đề là không phải lúc nào người dùng điện thoại di động cũng có nhu cầu dùng một số điện thoại mang tên mình. Trong tâm lý của đa số khách hàng mua SIM kích hoạt sẵn, chỉ mua SIM để hưởng chính sách khuyến mại của nhà mạng, dùng hết tiền thì bỏ, nên dẫn đến hệ lụy có hàng triệu chiếc SIM đã ra đời và qua đời chỉ trong một thời gian ngắn.
Một trong các giải pháp được nhiều chuyên gia viễn thông nhắc đến, đó là thu phí hòa mạng thuê bao trả trước. Việc đánh vào túi tiền của những người mua SIM rác chỉ vì tiền có thể được coi là biện pháp hữu hiệu, khiến cho đại lý cũng cân nhắc hơn khi có ý định “lách” luật, và người dùng cũng phải cân nhắc thiệt hơn.
Trong buổi họp mới đây với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT0, các mạng di động đưa ra nhiều chính sách để ngăn chặn vấn nạn SIM rác hiện nay. MobiFone đề xuất ý tưởng là có thể thu cước hòa mạng đối với thuê bao di động trả trước (giống như thuê bao trả sau). MobiFone còn kiến nghị nên phát hành SIM không có mệnh giá và khuyến mại SIM này giống như các SIM đang hoạt động.
Đồng tình với quan điểm này, Viettel kiến nghị tách riêng tiền SIM và tiền trong tài khoản ra, đồng thời quy định giá bộ kích hoạt ở mức 15.000 đồng. Còn đại diện S-Fone đề nghị có chính sách cho DN tăng cường thuê bao trả sau hơn là loay hoay quản lý thuê bao trả trước.
Một tính toán của Cục Viễn thông cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến SIM rác hoành hành hiện nay là do chính sách khuyến mãi của nhà mạng khiến cơ cấu cước dịch vụ di động trả trước và trả sau bị méo mó. Trên lý thuyết cước liên lạc dịch vụ trả sau rẻ hơn trả trước, kèm với đó khách hàng sẽ phải mất cước thuê bao, trong khi đó chính sách khuyến mại cho trả sau “tệ” hơn trả trước rất nhiều.
Vì thế, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã chỉ đạo Cục Viễn thông nhanh chóng hoàn thiện văn bản để quy định về thu phí hòa mạng thuê bao di động trả trước giống như thuê bao trả sau, đảm bảo cho thị trường di động Việt Nam phát triển lành mạnh.
Bách Linh
Theo PLVN
Bình luận (0)