Trong trường học, giáo viên không chỉ làm việc với học sinh mà còn cả với phụ huynh.
Theo đó, trong quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh, chắc chắn các thầy cô sẽ gặp những tình huống khó, cần phải giải quyết sao cho hợp tình hợp lý để học sinh “tâm phục, khẩu phục” mà vẫn thể hiện được sự yêu thương học sinh. Với phụ huynh, thầy cô còn phải xử lý các tình huống đột ngột, bất ngờ xảy ra mà phải thể hiện được sự tôn trọng, lịch sự, chuẩn mực của nhà giáo. Chính vì thế, xử lý tình huống trong môi trường giáo dục là kỹ năng sư phạm rất cần thiết, rất quan trọng đối với người thầy.
Mấy mươi năm về trước, khoảng cách giữa thầy và trò rất lớn. Thầy cô thường nghiêm nghị trước học sinh, thậm chí có những thầy cô rất nghiêm khắc. Trò kính yêu thầy cô nhưng rất sợ thầy cô. Hiếm có thầy cô thể hiện sự thân tình với học sinh, bởi quan điểm “thầy ra thầy, trò ra trò”. Hiện nay, thầy và trò gần gũi, thân tình hơn bởi các tiêu chí trong trường học hiện nay thay đổi nhiều theo thời đại như phải thực hiện môi trường thân thiện, trường học hạnh phúc, trường học là ngôi nhà thứ hai… Các hoạt động trong nhà trường cũng làm cho thầy cô và học sinh gắn bó với nhau hơn, thậm chí giờ học còn được tổ chức theo hướng “Học thông qua chơi”… Với sự thay đổi ấy, học sinh yêu trường, mến lớp hơn, gắn bó với thầy cô hơn, có học sinh còn nói: “Em nói chuyện với thầy cô còn nhiều hơn nói chuyện với ba mẹ”, bởi học sinh đi học cả ngày chỉ gặp ba mẹ vào buổi tối mà đôi khi ba mẹ còn bận việc nhà. Nhưng cũng vì sự gần gũi thân tình đó, nhiều tình huống xảy ra mà nếu thầy cô xử lý không khéo sẽ trở thành “vụ án” không hay trong trường học.
Tôi đã từng tham gia xử lý nhiều “vụ án” như thế. Cách đây khoảng 2 năm, một thầy dạy tin học trẻ tuổi về trường tôi công tác. Thầy rất vui vẻ, hòa đồng với học sinh, hay chọc ghẹo học sinh. Học sinh rất thích thầy. Trong một giờ chơi, một học sinh lớp 4 đã chạy từ phía sau tới, tay vỗ thật mạnh vào lưng thầy. Thầy đau điếng, quay lại tức tối, nghĩ là học sinh vô lễ với mình, thầy kéo học sinh ấy lên văn phòng vì tội vô lễ, đánh thầy. Nam sinh ấy khóc to và không chịu lên văn phòng, thầy càng kéo mạnh vì cho là học sinh ấy hỗn mà còn lỳ. Nhìn thấy, tôi nói thầy buông tay học sinh ra, và bảo học sinh ấy đi rửa mặt, rồi đi lên văn phòng với tôi. Thầy cô đã từng dạy em và cả thầy dạy tin học đều cho biết em ngoan, học tốt và đều thắc mắc sao hôm nay em hỗn láo thế? Tôi phải “điều tra” mới hiểu được mọi việc. Thì ra, trong tiết tin học, thầy nói chuyện vui, cười đùa với học sinh rất nhiều. Ra chơi, khi xuống cầu thang, thầy bẹo má học sinh ấy rồi đi tiếp. Học sinh thấy thầy đùa giỡn nên đùa giỡn lại, chạy theo vỗ mạnh vào lưng thầy như vỗ lưng bạn khi chơi đùa. Mọi việc được sáng tỏ. Chiều đó, nhà trường phải gặp phụ huynh của nam sinh ấy để giải thích cho phụ huynh về vết bầm ở cổ tay học sinh do thầy dạy tin học cố sức kéo em lên văn phòng. Nếu lúc thầy dạy tin học bị học sinh “đánh”, thầy bình tĩnh hơn, hỏi lý do học sinh đánh mình, rồi giải thích cho em hiểu hành động như thế là không đúng, là hỗn láo với người lớn thì mọi việc sẽ không “rối” như thế. Thầy dạy tin học cũng cần đặt ra một giới hạn cần thiết trong việc đùa vui của thầy – trò và cần dạy học sinh thế nào là vui đùa, thế nào là vô lễ với người lớn.
Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng cũng “dậy sóng” vì hình ảnh “âu yếm” của cô trò trên bục giảng. Rõ ràng là hình ảnh ấy hết sức phản cảm, hết sức sai trái. Nhưng bản thân tôi, tôi tin lời giải thích của cả cô và trò. Cô giáo trẻ chưa có kỹ năng xử lý tình huống sư phạm nhanh gọn. Cậu học sinh lớp 10 đang ở tuổi bốc đồng, nghịch ngợm muốn chứng tỏ với bạn bè là rất thân với cô. Cô và trò quen biết nhau, sự thân tình đã được thể hiện ở lớp, ở môi trường sư phạm là điều không thể chấp nhận được. Nếu cô giáo có kỹ năng sư phạm vững vàng, ngay từ khi nhận lớp, thấy có em học sinh nghịch ngợm quen biết, cô cần nói chuyện cho học sinh hiểu rõ ở nhà có thể là chị – em thân thiết nhưng đến trường là cô – trò rạch ròi, không được thể hiện sự thân tình như thế. Ngay hôm sự việc xảy ra ở lớp, trước tình huống cô lên tiếng không đồng ý, em học sinh vẫn thể hiện sự “an ủi” quá thân mật như thế thì cô có thể đứng dậy, nghiêm mặt với học sinh, nói lớn việc mình không đồng tình với hành động của em cho cả lớp nghe thấy và bước ra khỏi lớp. Thật đáng tiếc! Chính vì thiếu kỹ năng xử lý tình huống giáo dục, cô – trò đã trở thành “đề tài bàn tán” trong suốt thời gian qua và ảnh hưởng đến việc dạy và học của cô lẫn trò.
Hiện nay, nhiều tình huống “khó đỡ” cũng thường xảy ra giữa giáo viên với phụ huynh. Tôi nhớ mãi một lần cô giáo lớp 5 mời phụ huynh lên trao đổi về việc học sinh rất nghịch phá, không chịu học và gia đình cũng chưa quan tâm dù cô đã nhắc nhở nhiều lần. Phụ huynh đến là bà ngoại của học sinh. Cô giáo bức xúc và kể hết những sai sót của học sinh và lưu ý rằng dù giáo viên yêu cầu phụ huynh hỗ trợ, kiểm tra, nhắc nhở em học tập nhưng dường như phụ huynh cũng chưa quan tâm. Bất ngờ, phụ huynh lớn tiếng: “Tui là bà ngoại của cháu mà cô nói chuyện với tui không đàng hoàng, lịch sự. Cô kêu tui là chị, xưng là tôi. Vậy có được không?”. Quá đột ngột khi bị bắt lỗi về cách xưng hô, cô giáo đứng im nhìn. Biết rõ về phụ huynh này do tôi từng dạy con phụ huynh, nên tôi cười hỏi: “Vậy bà ngoại bao nhiêu tuổi rồi?”. Phụ huynh – bà ngoại đáp: “Tui 53 tuổi”. Tôi cười nói: “Ngoại ơi, cô giáo hơn ngoại 2 tuổi đó, cô sắp về hưu rồi”. Lúc này, phụ huynh làm thinh và cô giáo mới lấy lại tự tin để tiếp tục trao đổi. Một tình huống nhỏ nhưng nếu không xử lý kịp thời, tình huống sẽ xoay chiều theo hướng cô giáo xưng hô không “lịch sự, đàng hoàng” với người lớn tuổi. Theo tôi, không phải phụ huynh “tự dưng” bắt lỗi cô giáo mà đó là cách “chống chế” khi nghe cô giáo “mắng vốn” cháu, “phê bình” phụ huynh… Cô giáo cần hiểu việc gặp phụ huynh là giải pháp sư phạm, bàn bạc, phối hợp với phụ huynh tìm ra biện pháp giúp trẻ tiến bộ chứ không phải là để chê trách học sinh lẫn phụ huynh.
Các tình huống phải xử lý trong trường học rất nhiều, giáo viên luôn phải đối phó. Bởi thế, giáo viên cần học hỏi kinh nghiệm xử lý từ các đồng nghiệp, các tình huống được kể lại trên báo chí để từ đó thầy cô rút kinh nghiệm cho bản thân và có thể xử lý các tình huống hay hơn, tốt hơn, đúng sư phạm hơn. Các sự việc xảy ra trong trường học hiện nay thường trở nên “nghiêm trọng” bởi khi nó được thu âm, chụp hình, quay phim… Chính vì thế phụ huynh, học sinh, nhất là học sinh THCS, THPT cần cẩn trọng trong việc chia sẻ những lời nói, hình ảnh trên mạng xã hội vì sức lan tỏa của nó. Từ các hình ảnh, clip…, các bài viết, lời bình sai lệch, “câu like” sẽ làm cho các sự việc trở nên xấu xa hơn, nguy hại hơn sự việc đã xảy ra trong thực tế.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)