Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xử lý vi phạm an toàn thực phẩm: Thiếu thiết bị, chế tài nhẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 27-1, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, hội nghị về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) của TPHCM đã nêu lên những bất cập về quy định pháp luật và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả ở lĩnh vực này.

Làm được nhưng vẫn lo

Báo cáo với hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, với một đô thị 10 triệu dân, lượng tiêu thụ nông sản thực phẩm của TPHCM rất lớn và ước tính có từ 70% – 86,5% (tùy theo từng mặt hàng) là nguồn từ các tỉnh đưa về. Nhằm chủ động trong công tác bảo đảm ATTP và thực hiện đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, trong hai năm qua, TPHCM đã liên kết với 22 tỉnh Đông – Tây Nam bộ, ký 900 hợp đồng cung ứng sản phẩm (trị giá hơn 2.000 tỷ đồng), các mặt hàng bình ổn giá đều phải gắn với đề án; thành phố cũng đẩy mạnh các chương trình bán hàng lưu động tại vùng xa, vùng ven, đưa hàng bình ổn vào bếp ăn tập thể; triển khai thí điểm mô hình “Chợ bảo đảm ATTP” tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn và Bến Thành. Các công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát lấy mẫu, quản lý thức ăn đường phố, xử lý vi phạm cũng được đẩy mạnh… Nhờ vậy, trong năm 2014, tỷ lệ người mắc ngộ độc thực phẩm trên 100.000 dân thấp so với kế hoạch của thành phố và Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhiều năm liền, thành phố không xảy ra tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Giết mổ gia cầm cần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Cao Thăng

Tuy nhiên, công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố vẫn còn những mặt khó khăn do thiếu nhân lực có chuyên môn cũng như trang thiết bị. Đặc biệt đối với sản phẩm rau quả, thủy sản, hiện nay chưa có quy định về giấy chứng nhận kiểm dịch đi kèm lô hàng nên việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ khó thực hiện. Bộ test (kiểm tra) nhanh rau quả chỉ cho kết quả bước đầu, để xác định có bị xử lý vi phạm hay không thì phải đợi 2, 3 ngày mới có kết quả kiểm nghiệm và khi đó thì hàng hóa đã được phân phối hết.

Tự trói tay mình!

Các đại biểu đã nêu lên một số quy định bất cập, khiến người thực thi công vụ như bị bó tay. Đại diện Bộ Công thương dẫn chứng về quy định người đi lấy mẫu kiểm tra phải có chứng chỉ chuyên môn của Bộ Y tế cấp, hiện nay số lượng này không nhiều, chủ yếu chỉ cán bộ ngành y mới có. Ông nói: “Nếu đối tượng vi phạm cắc cớ đòi kiểm tra chứng chỉ lấy mẫu của nhân viên quản lý thị trường thì coi như chúng tôi thua”.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cũng nhìn nhận, nếu chiếu theo quy định trên thì lâu nay công an đã làm sai vì “chẳng anh em nào có cái giấy chứng chỉ đó cả”. Xử lý vướng mắc này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu phương thức tập huấn và phân cấp các ngành cùng địa phương cấp chứng chỉ chuyên môn cho lực lượng chức năng.

Một vấn đề khác gây lúng túng là quy định về việc xử lý heo bị bơm nước để tăng trọng lượng chưa đầy đủ. Hiện nay, nhà nước chỉ quy định nếu heo bị bơm nước đã chết thì làm thức ăn gia súc, heo còn sống thì không có quy định phải xử lý như thế nào!

Đề xuất giải pháp

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay cao nhất là ở thịt heo và rau quả. Ở thịt heo, trong năm 2014 không phát hiện thấy có vi phạm về sử dụng chất tăng trọng, còn tồn dư kháng sinh thì vẫn có. Kiểm tra cho thấy, chủ yếu là do người chăn nuôi nhỏ lẻ mua kháng sinh trôi nổi về sử dụng. Để kiểm tra được từng hộ nông dân có sử dụng hay không là khó khả thi. Giải pháp của bộ là năm 2015 sẽ tổng kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu kháng sinh nhưng không sản xuất dược phẩm mà đóng gói lẻ bán ra thị trường.

Với vướng mắc hiện nay là hệ thống kiểm nghiệm mỏng, thời gian kiểm tra giám định kéo dài, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị TPHCM trang bị tại 3 chợ đầu mối thiết bị xét nghiệm 120 chỉ tiêu, cho kết quả trong vòng 3 tiếng, giúp xử lý ngay các sản phẩm không an toàn. Có kiểm tra chặt chẽ thì người buôn bán mới cảnh tỉnh, người trồng trọt mới chú ý đến việc đảm bảo tiêu chuẩn ATTP.

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân đồng tình, kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra ATTP là việc cần thiết, phải làm từ khâu nuôi trồng đến cung ứng. Tuy nhiên, vấn đề là chế tài xử lý vi phạm còn quá nhẹ, mức phạt thấp hơn mức lợi mà họ thu được khi vi phạm nên không đủ sức răn đe. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Quân đề nghị, phải ký hợp đồng với các doanh nghiệp, người nuôi trồng, đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm sạch ra thị trường; hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã đạt nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và cấp chứng nhận hàng hóa đạt chuẩn. Những trường hợp vi phạm sẽ phạt nặng theo hợp đồng kinh tế.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả đáng khích lệ của TPHCM trong công tác bảo đảm ATTP. Phó Thủ tướng đồng tình với đề xuất trang bị máy xét nghiệm đa chỉ tiêu tại 3 chợ đầu mối. Việc kiểm tra, phát hiện vi phạm không nhằm mục đích thu phạt mà chủ yếu để nhà sản xuất, nhà cung ứng tự giác thực hiện đúng quy chuẩn VietGAP.

“Tinh thần chúng ta làm không phải để gây khó cho nông dân mà là để hướng dẫn, tạo điều kiện cho bà con tập dần, quen nếp sản xuất, chăn nuôi đúng quy chuẩn. Đảm bảo thực phẩm an toàn, đây vừa là nhiệm vụ chăm lo sức khỏe người dân, vừa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cho hội nhập kinh tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tạm giữ hàng tấn củ, quả không rõ nguồn gốc

Ngày 27-1, Đội 1A – Chi cục quản lý thị trường TPHCM đồng loạt kiểm tra các sản phẩm trái cây, củ không rõ xuất xứ, không nhãn mác tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (phường Tam Bình, Thủ Đức) và thu giữ hàng tấn củ, quả do vi phạm về ghi nhãn hàng hóa. Các loại củ, quả gồm nho, lê, củ hành, khoai tây đang có dấu hiệu hư trắng mốc, úng, biến đổi màu sắc… Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ 24.984 gói thực phẩm là nước ép trái lê (trọng lượng khoảng 2.776kg) không rõ nguồn gốc xuất xứ được đựng trong bao bì ni lông không ghi nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, không hóa đơn chứng từ nguồn gốc… Sau khi tiến hành lập biên bản, toàn bộ số củ, quả trên được tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.

ANH TUẤN

VƯƠNG THẢO (SGGP)

Bình luận (0)