Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xử lý vi phạm đào tạo: Không công nhận bằng “chui”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chỉ có chức năng đào tạo nghề, nhưng nhiều trường vẫn ngang nhiên liên kết với các trường nước ngoài để đào tạo các trình độ từ cao đẳng tới tiến sĩ.
Chưa có đất, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu quá cao khiến ĐH Dân lập Đông Đô bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012. Ảnh: Q.Huy.
Đến lúc bị "tuýt còi", trường thì bị xử lý, còn học viên lao đao vì bằng không được công nhận, nguy cơ bỏ học giữa chừng.
Đào tạo tiến sĩ… lậu
Sau gần 1 tháng tiến hành thanh tra các cơ sở vi phạm trong liên kết đào tạo, ngày 30/12/2011, Bộ GD&ĐT đã có kết quả xử lý đối với các cơ sở vi phạm. Theo kết của thanh tra Bộ, các đơn vị vi phạm gồm: Công ty TNHH dạy nghề đào tạo Quốc tế Raffles VN, Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục VN (ERC VN), Công TNHH ILA VN và Viện Kế toán Quản trị doanh nghiệp (IABM) đều có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh chỉ được đào tạo nghề nhưng lại tổ chức tuyển sinh, liên kết đào tạo và cấp bằng đến bậc tiến sĩ.
Trong đó, Raffles VN theo đăng ký hoạt động chỉ được đào tạo nghề với quy mô đào tạo 100 học viên. Tuy nhiên, đến tháng 12/2011, trường đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo tích lũy tín chỉ, cấp chứng chỉ cấp 1, 2 thuộc chương trình CĐ của Raffes Singapore để cấp bằng CĐ cho 202 học viên. Hiện trường đã tuyển sinh và đào tạo chứng chỉ CĐ của Singapore và Australia cho 396 học viên. Tương tự, chỉ được đào tạo sơ cấp nghề ngắn hạn, nhưng từ năm 2008 đến nay, ILA VN đã liên kết với trường Martin College tổ chức đào tạo tại Việt Nam theo chương trình CĐ, hoặc sang học trường nước ngoài để lấy bằng cử nhân. Đã có có 212 học viên được cấp bằng cử nhân.
ERC là trường nghề nhưng vẫn ký thỏa thuận với trường Australian Institute of Business Administration (Australia), ĐH Wolverhamton, Greenwich (Anh) để đào tạo cử nhân, thạc sĩ đến nay đã tuyển được 365 học viên để đào tạo. Riêng IABM chỉ có giấy phép hoạt động tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn nhưng đã ký thỏa thuận với Công ty NSSDC Education Services Sdn (Malaysia) để đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Chương trình Quản trị kinh doanh đã cấp bằng cho 17 cử nhân, 74 thạc sĩ. Đặc biệt, 87 học viên theo học tiến sĩ, trong đó 51 người đã được cấp bằng.
Những vi phạm của các trường đã bị Bộ GD&ĐT "tuýt còi". Theo ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT: "Đối với các trường hợp vi phạm, Bộ đã có kiến nghị các biện pháp xử lý như: Yêu cầu các đơn vị cần chấm dứt các hoạt động quảng cáo, tuyển sinh cũng như liên kết đào tạo trái phép chương trình CĐ và cử nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Toàn bộ các bằng cấp theo chương trình trái phép, thanh tra Bộ đề nghị Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng không công nhận. Ngoài ra, các đơn vị vi phạm phải khắc phục hậu quả, trả lại kinh phí cho người học".
Hậu quả của việc đào tạo "chui" là hàng trăm cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ sẽ phải chịu cảnh cầm bằng không có giá trị, hoặc buộc phải nghỉ học giữa chừng.
Dừng tuyển sinh nhiều trường
"Bộ GD&ĐT cảnh báo đến năm 2013, nếu các ngành không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng đình chỉ tuyển sinh thì sẽ xem xét thu hồi quyết định mở ngành. Các trường bị đình chỉ tuyển sinh không khắc phục được các điều kiện bảo đảm chất lượng thì sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục. Các trường chưa có đất, chưa xây dựng được cơ sở vật chất vẫn chưa xây dựng được trường theo cam kết sẽ đình chỉ hoạt động giáo dục và xem xét đề nghị giải thể trường".
GS.TS Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Trong quý 4/2011, Bộ GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường đối với 24 trường ĐH, Học viện, CĐ. Về kết quả, PGS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: "Đợt kiểm tra cho thấy, các trường đã có cố gắng xin đất, xây dựng cơ sở vật chất, huy động kinh phí, xây dựng lực lượng để triển khai mở ngành đào tạo sau khi được thành lập hoặc nâng cấp, các ngành đào tạo đều có giấy phép của Bộ… Tuy nhiên, hầu hết các trường vẫn chưa thực hiện được cam kết. Các chỉ tiêu theo văn bản cam kết khi thành lập trường hầu hết đều cao, nhiều chỉ tiêu quá cao, khó thực hiện được".

Tại thời điểm kiểm tra, có đến 10 trường có dưới 100 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, 3 trường chưa đến 60 người như: ĐH Nguyễn Trãi 55 giảng viên, ĐH Văn Hiến có 52 giảng viên, ĐH Hà Hoa Tiên có 59 giảng viên. Các trường trên 50 sinh viên/giảng viên như: CĐ CNTT TPHCM, ĐH Đông Đô, ĐH Tài chính-Marketing, ĐH Văn Hiến, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. Ngoài ra, ĐH Kinh tế – ĐH Quản trị Kinh doanh, ĐH Thái Nguyên vượt 126% quy mô cam kết; ĐH Hà Hoa Tiên chỉ đạt 4,2% cam kết. Có 41 ngành không có tiến sỹ, 12 ngành không có tiến sỹ và thạc sỹ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu. ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô, ĐH Nguyễn Trãi chưa có đất; 3 trường có diện tích đất dưới 1ha là CĐ CNTT TPHCM, ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Huy Bằng, Bộ đã đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 3 trường: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô, CĐ CNTT TPHCM do chưa có đất, diện tích nhỏ, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu quá cao. Đồng thời, đình chỉ 12 ngành đạo tạo của 4 trường: ĐH Chu Văn An, 4 ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình, Tiếng Anh, Tiếng Trung, Việt Nam học; ĐH Lương Thế Vinh, 4 ngành: Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, Công nghệ thực phẩm, Bảo vệ thực vật, Khoa học thư viện; ĐH Nguyễn Trãi, 2 ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình, Kinh tế; ĐH Kiến trúc Đà Nẵng 2 ngành: Kế toán và Quản trị kinh doanh.
Bộ cũng đã có văn bản cảnh báo các trường chưa có đất, chưa xây dựng được cơ sở vật chất đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa xây dựng được trường theo cam kết sẽ đình chỉ hoạt động giáo dục và xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường.
 
Theo Ngô Quang Huy
GiadinhNet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)