Nhiều nhà xe lách luật để chở khách tuyến cố định bằng cách in sẵn hợp đồng, khi có người lên xe mới ghi tên vào. Bộ GTVT vừa thêm quy định chặn xe hợp đồng trá hình này.
Xe hợp đồng trá hình sẽ được xử lý triệt để. Ảnh: I.T |
Quản lý chặt hơn xe hợp đồng
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, sắp tới bộ sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ để quản lý chặt hơn xe hợp đồng, chống tình trạng loại hình vận tải này né thuế, gây rối loạn thị trường.
Theo ông Ngọc, xe hợp đồng là xe chạy không theo tuyến cố định. Còn xe khách tuyến cố định chạy từ bến đến bến với quy hoạch từ trước. Song lâu nay có hiện tượng xe hợp đồng lách quy định để chở khách tuyến cố định, và đối phó nhà chức trách bằng cách trên xe để hợp đồng in sẵn, khi hành khách lên ô tô thì ghi tên bổ sung.
Trước thực tế trên, Nghị định 86 sẽ được bổ sung quy định hợp đồng phải ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe, và thực hiện trước khi xe chở khách; mỗi chuyến xe chỉ được ký kết một hợp đồng. Bộ Giao thông cũng đề xuất sửa đổi Nghị định 86 theo hướng, đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, văn phòng đại diện hoặc một địa điểm cố định khác. Trong một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến có địa chỉ nơi khởi hành và nơi kết thúc trùng nhau; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều người thuê vận tải khác nhau. Xe từ 8 chỗ trở lên (trước đây quy định với xe 10 chỗ) trước khi thực hiện hợp đồng phải thông báo đến Sở Giao thông qua email hoặc phần mềm các thông tin liên quan đến chuyến đi; không được tổ chức gom khách lẻ. “Quy định này nhằm chặn tình trạng nhiều nhà xe lách luật bằng cách tháo bớt ghế để không phải thông báo”, ông Ngọc nói.
Ngoài ra, Bộ Giao thông đề nghị phân cấp quản lý xe hợp đồng cho chính quyền địa phương, bằng việc bổ sung quy định loại hình vận tải này được đón, trả khách tại các vị trí không cấm dừng, đỗ. UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để công bố các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng.
Lắp camera để trị tận gốc
Hiện nay chưa có quy định lắp camera trên các phương tiện vận tải vì kinh phí đầu tư lớn. Tuy nhiên, sắp tới khi sửa Luật Giao thông đường bộ sẽ xem xét nghiên cứu đưa quy định này vào.
“Hiện nay chúng ta đã lắp đặt thiết bị định vị GPS, sắp tới cần buộc các xe phải lắp camera để trị tận gốc xe hợp đồng trá hình, thất thoát thuế. Với một nhân lực như hiện nay, nếu chúng ta không áp dụng công nghệ thì không thể quản lý nổi…”. Ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang kiến nghị với Bộ GTVT trong buổi tọa đàm vừa diễn ra tại Hà Nội liên quan đến dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ.
Theo ông Dũng, việc lắp đặt camera sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước tiến tới liên thông dữ liệu giữa Bộ GTVT với Bộ Tài chính để quản lý doanh thu, nhằm đảm bảo các chế độ chính sách, nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước của doanh nghiệp.
“Chúng tôi không quan trọng là loại hình vận tải nào, miễn là nộp thuế đầy đủ, bình đẳng để cạnh tranh và phục vụ hành khách tốt hơn. Đặc biệt bảo vệ lợi ích cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp” – ông Dũng nhấn mạnh.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định phải lắp thiết bị giám sát hành trình, còn lắp camera giám sát là bước nâng cao hơn nữa, bởi nó ảnh hưởng đến điều kiện đầu tư ban đầu của doanh nghiệp.
“Hiện nay chúng tôi đang khuyến khích triển khai hoạt động lắp camera giám sát cho các phương tiện để kiểm đếm, giám sát hoạt động của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp không có camera giám sát thì họ thực hiện giám sát chất lượng dịch vụ vận tải bằng con người, như cử cán bộ, nhân viên kiểm đếm lượng hành khách trên tuyến…” – bà Hiền cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định để quản lý tốt hoạt động kinh doanh vận tải cần phải áp dụng công nghệ. Ông Thọ khẳng định việc quy định lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình giúp ích rất lớn cho việc quản lý Nhà nước, doanh nghiệp. Vì vậy, việc lắp đặt camera tới đây khi sửa Luật Giao thông đường bộ sẽ đưa vấn đề này vào. Đồng thời xây dựng chính sách kết nối giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính nhằm chia sẻ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera về hành trình, lịch trình chuyến đi, tần suất chạy xe, số khách chở trên từng xe của doanh nghiệp, trên cơ sở này các cơ quan thuế có thể tính toán doanh thu và thu được thuế. Đặc biệt tạo ra sự bình đẳng cho các doanh nghiệp vận tải.
T.S
Bình luận (0)