Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

“Xử” ngay những tồn tại để ngăn chặn sự cố hàng không

Tạp Chí Giáo Dục

“Nguyên nhân chủ yếu của những sự cố uy hiếp an toàn bay vẫn do con người: từ cán bộ, nhân viên hàng không đến hành khách. Cần kiên quyết khắc phục những tồn tại của hệ thống bảo đảm an toàn hàng không”- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.

Sau cuộc họp về công tác đảm bảo an toàn hàng không tại Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có kết luận chỉ đạo về việc này.

Phó Thủ tướng ghi nhận, năm 2012, ngành hàng không Việt Nam đã nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống bảo đảm an toàn hàng không theo tiêu chuẩn ICAO, không để xảy ra tai nạn tàu bay; sự cố hàng không 6 tháng đầu năm 2012 giảm so với cùng kỳ năm 2011.
Tuy nhiên, sự cố uy hiếp an toàn và sự cố nghiêm trọng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 2 sự cố nghiêm trọng phải tiến hành điều tra theo Nghị định 75 năm 2007. Sự cố thứ nhất xảy ra ngày 9/5/2012, khi tàu bay A321 của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay mang số hiệu VN503 từ Quảng Châu (Trung Quốc) về TP.HCM đã xông ra khỏi đường cất hạ cánh (CHC) khi hạ cánh. Sự cố thứ 2 xảy ra ngày 27/5/2012, khi tàu bay A321 của hãng này thực hiện chuyến bay từ Cam Ranh đi Hà Nội, trong khi chạy đà cất cánh, tổ bay nghe tiếng động ở khu vực động cơ số 2. Tổ bay đã quyết định hủy bỏ cất cánh.

Tháng 2 năm nay, một khách hàng đã mở cửa thoát hiểm khiến phao trượt bung ra chỉ vì trên máy bay có trẻ nhỏ khóc, muốn cháu bé xuống nhanh hơn.

“Nguyên nhân chủ yếu của những sự cố uy hiếp an toàn bay vẫn do con người, sự nhận thức về an toàn hàng không từ cán bộ, nhân viên hàng không, đến hành khách và cộng đồng xã hội vẫn còn hạn chế. Chưa kể, việc tuyên truyền pháp luật về công tác này vẫn chưa được sâu rộng” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để bảo đảm an toàn trên các lĩnh vực hoạt động của ngành hàng không, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải kiên quyết khắc phục những tồn tại của hệ thống bảo đảm an toàn hàng không, duy trì tốt chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất; khắc phục, xử lý, giảng bình sự cố hàng không; thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, phòng ngừa xảy ra các sự cố, tai nạn hàng không.

Bộ cần chỉ đạo việc nâng cao trình độ, kỹ năng và ý thức kỷ luật của nhân viên hàng không, đặc biệt là phi công, thợ kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều khiển phương tiện mặt đất tại sân bay.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm minh các tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định của ngành về công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các lỗi của hệ thống quản lý khai thác, đảm bảo kỹ thuật và an toàn chất lượng, lỗi do ý thức của nhân viên hàng không sẽ bị xử lý kiên quyết.

Theo đó, công tác thanh kiểm tra sẽ được tăng cường để nâng cao năng lực giám sát an toàn hàng không. Ngành cũng sẽ có kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng tháng, tăng cường kiểm tra đột xuất tại các cơ quan, đơn vị.

Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc điều tra sự cố, tổng hợp, phân tích dữ liệu để đánh giá, đưa ra kết luận về nguyên nhân các sự cố vừa qua. Ngành hàng không cũng được “thúc” hoàn thành dự án đầu tư thiết bị giải mã và đọc ghi âm buồng lái để nâng cao năng lực điều tra sự cố, tai nạn tàu bay.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT đối với ngành hàng không cũng như việc nâng cao hiệu lực của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là vấn đề tăng cường trách nhiệm người đứng đầu ngành.

Bộ GTVT có trách nhiệm giải quyết ngay và dứt điểm các vi phạm bề mặt giới hạn chướng ngại vật sân bay, việc can nhiễu tần số liên lạc hàng không; đầu tư mới, nâng cấp hệ thống ra đa thời tiết, cảnh báo gió đứt…

Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính được giao bố trí vốn xây dựng hệ thống hàng rào tại các càng hàng không, sân bay theo chỉ đạo của Thủ tướng, ứng vốn để thực hiện ngay trong năm nay. Hiện Việt Nam có 20 sân bay, cảng hàng không đang khai thác.

P.Thảo 
(Dân trí)

Bình luận (0)