Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xử nghiêm tình trạng đôla hoá

Tạp Chí Giáo Dục

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, một phần nền kinh tế VN lâu nay đã bị đôla hóa. Cứ đi ra thị trường thì rõ, ôtô, xe gắn máy, một số thiết bị điện tử, vé máy bay đi nước ngoài, dịch vụ khách sạn, nhà hàng và quán ăn v.v… đều được định giá bằng USD và có thể thanh toán bằng ngoại tệ này.

Thậm chí, nhiều nơi bán hàng và cung cấp dịch vụ giá được niêm yết bằng tiền Việt, nhưng khi khách hàng yêu cầu thanh toán bằng USD, thì phía DN đồng ý ngay và nhanh chóng quy đổi ra từ tiền Việt sang USD và ngược lại.
Những ai đi công tác hoặc du lịch sang một số nước và vùng lãnh thổ phát triển, sẽ thấy rằng ở xứ người việc quản lý thị trường ngoại hối chặt chẽ đến thế nào. Không phải họ không có những kẽ hở, nhưng rõ ràng rất ít nơi chịu nhận thanh toán bằng ngoại tệ. Đơn giản vì, nếu hành vi của họ bị phát hiện sẽ bị phạt rất nặng, hoặc rút giấy phép kinh doanh. Cho nên khi khách hàng đề nghị được thanh toán bằng USD, sẽ nhận được ngay nụ cười với lời “xin lỗi!”… Nếu không muốn mất công và tránh phiền phức, thì cứ đổi ra bản tệ trước tại sân bay, hoặc thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Việc Ngân hàng Nhà nước mới đây đã tiến hành xử phạt một số DN vì kinh doanh ngoại tệ trái phép và niêm yết giá hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ, trong đó trường hợp Đại học FPT bị phạt đến 500 triệu đồng, là một động thái xử lý nghiêm rất đáng hoan nghênh. Một nền kinh tế ít nhiều bị đôla hóa, cũng có nghĩa là ít nhiều bị mất tự chủ và dễ dàng bị thao túng từ bên ngoài. Đây là lần đầu tiên, việc xử phạt với số tiền phạt lớn, đủ sức răn đe đối với các DN vi phạm.
Tuy nhiên, chỉ mới vài ba trường hợp thì cũng mới chỉ như “muối bỏ bể”. Nhiều điểm bán hàng và cung cấp dịch vụ vẫn định giá và niêm yết giá bằng USD, đòi hỏi phía Ngân hàng Nhà nước phải mạnh tay hơn nữa mới dẹp yên được. Suy cho cùng, phạt nặng và phạt đau vẫn là biện pháp hữu hiệu để xử lý tình trạng đôla hóa.

Thẩm Hồng Thụy

Theo Lao Động

 

Bình luận (0)