Với quan niệm trường học hạnh phúc bắt đầu từ việc thay đổi hình thức xử phạt học sinh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) đã áp dụng hình thức xử phạt mới trước những vi phạm của học sinh.
Trường học hạnh phúc bắt đầu từ việc thay đổi hình thức xử phạt học sinh, hướng tới tính nhân văn và giá trị yêu thương
Thay vì bắt chép phạt, mời phụ huynh, hạ hạnh kiểm, trước các lỗi vi phạm như đi học muộn, bỏ tiết, mặc sai đồng phục… học sinh nhà trường sẽ được đưa lên thư viện chọn sách để đọc và viết bài cảm nhận. Hình thức xử phạt này đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình của phụ huynh, học sinh nhà trường.
Xử phạt mà học sinh hưởng ứng nhiệt tình
Trước hình thức xử phạt mới của trường với các hành vi vi phạm của học sinh, học sinh Nguyễn Hoàng Bảo Khánh – lớp 11A5, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) vô cùng phấn khích. Bạn cho hay, bằng hình thức này, mỗi học sinh khi vi phạm dù bị xử phạt cũng không cảm thấy xấu hổ mà ngược lại, tác động mạnh đến nhận thức mỗi học sinh…
“Đọc sách khi vi phạm nội quy nhà trường dù tính răn đe không cao song lại mang ý nghĩa giáo dục rất lớn. Trước đây, khi học sinh vi phạm sẽ được nhà trường xử phạt bằng hình thức lao động công ích như lau dọn bàn ghế, trồng cây, rèn luyện hè với việc học thêm công thức toán, Anh văn… Dù các hình thức kỷ luật này mang tính răn đe cao, tác động đến nhận thức mỗi học sinh tuy nhiên so với hình thức kỷ luật bằng việc đọc sách thì em cho rằng hiệu quả giáo dục có lẽ không bằng” – Bảo Khánh chia sẻ.
Trong khi đó, Minh Khang – lớp 11A3 nhìn nhận, hiện nay giới trẻ rất lười đọc sách. Vì thế, hình thức xử phạt bằng việc đọc sách khi học sinh vi phạm trước hết sẽ tác động trực tiếp đến việc đọc sách của học sinh nhà trường, từng bước hình thành thêm thói quen đọc sách trong học sinh. Đưa việc đọc sách trở thành một nội dung giáo dục thiết thực trong trường học.
“Hình thức xử phạt mới mẻ này sẽ giúp chúng em ngay cả khi vi phạm, bị kỷ luật cũng không cảm thấy áp lực. Mà ngược lại, là cơ hội để trước mỗi lỗi vi phạm chúng em được tự kiểm tra lại bản thân, nhìn nhận, soi lại các hành vi của mình qua đó sửa đổi cho phù hợp” – Minh Khang nói.
Với các lỗi đi học trễ, sơn móng tay, mặc sai đồng phục, Nguyễn Khánh Ngọc (lớp 11A15) cũng đã có thời gian 3 buổi/ tuần sau giờ học để đọc sách tại thư viện. Từ những câu chuyện đọc được, bài cảm nhận được Ngọc viết mang nhiều ý nghĩa về việc không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, biết nhận lỗi khi vi phạm, biết yêu quý bản thân mình hơn…
“Bình thường em ít đọc sách, hình thức xử phạt lần này là cơ hội để em được đọc sách nhiều hơn, biết thêm nhiều câu chuyện giá trị về cuộc sống, từ đó thêm hoàn thiện bản thân mình. Nhiều bạn bè trong lớp dù không vi phạm nhưng cũng xung phong đọc sách cùng em, muốn em kể về những mẩu chuyện đã đọc được… Với em, hình thức xử phạt này dù không mang tính răn đe nhưng lại lan tỏa những giá trị giáo dục lớn” – Khánh Ngọc nói.
Xử phạt, trách mắng… cũng hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc
Chia sẻ về việc áp dụng hình thức xử phạt có một không hai này, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân – cho hay, trách phạt văn minh với “trách mắng yêu thương” là mục tiêu được trường hướng tới để xây dựng trường học hạnh phúc.
Giáo dục hiện nay đang phát động việc xây dựng trường học hạnh phúc, muốn học sinh đến trường mỗi ngày là một ngày vui. Như vậy, các tiêu chí của trường học hạnh phúc phải làm sao trong chính giao tiếp sư phạm, thầy trò, gia đình phải luôn hướng đến tính nhân văn.
Những câu chuyện tâm hồn sẽ giúp học sinh soi rọi lại bản thân mình trước các lỗi vi phạm
“Khi học sinh vi phạm các nội quy của nhà trường, các em sẽ được đưa vào thư viện chọn các đầu sách về hạt giống tâm hồn, người con hiếu thảo, tủ sách Bác Hồ để đọc và viết bài cảm nhận. Không phải trách mắng, không phải yêu cầu viết bản kiểm điểm nặng nề, bắt buộc mà bằng cách thức đọc sách, việc xử phạt trở nên nhẹ nhàng, song giá trị giáo dục lại rất cao khi hướng học sinh đến các giá trị của chân, thiện, mỹ…” – thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.
Hiệu trưởng này đánh giá, các hình thức xử phạt truyền thống như hạ hạnh kiểm, la mắng học sinh, đưa đi làm lao động công ích, chép phạt, cấm túc, đưa ra hội đồng kỷ luật là các hình thức xử phạt tồn tại hàng chục năm, song trong bối cảnh hiện nay đã không còn phù hợp. Các hình thức này dù mang tính răn đe cao, có tác động giáo dục nhất định song dưới góc nhìn của học sinh có thể chưa có tác động mạnh nếu bản thân các em không hiểu. Việc thay đổi các hình thức xử phạt truyền thống bằng hình thức nhân văn là để học sinh vi phạm nhưng thay đổi từ chính nhận thức, hành vi.
“Sau khi đọc xong, học sinh viết các bài cảm nhận qua câu chuyện mình đọc, từ đó hình thành học sinh kỹ năng viết, cảm nhận văn học, kỹ năng đọc. Trên hết, nội dung câu chuyện sẽ tác động mạnh mẽ đến học sinh, giáo dục các em bài học về tình yêu thương gia đình, ông bà, cha mẹ quê hương, Tổ quốc, qua đó khơi gợi lên trong các em những giá trị về cuộc sống, trách nhiệm của bản thân. Ngày hôm nay, giá trị cốt lõi để trưởng thành luôn bắt nguồn từ tình yêu thương. Chỉ khi các em biết yêu thương gia đình, Tổ quốc thì sẽ có hành xử tốt đẹp với bạn bè, thầy cô, cha mẹ và những người xung quanh, hạn chế và đẩy lùi bạo lực học đường…” – Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh.
Hiệu trưởng này thông tin thêm, trong năm học mới nhà trường sẽ đầu tư thêm nhiều đầu sách về triết lý cuộc sống, giá trị cuộc sống, lối sống đẹp và đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của từng lớp với thời lượng 1 lần/ tuần và sẽ có kiểm tra việc đọc sách của học sinh qua các bài viết cảm nhận. Những bài viết hay sẽ được trường đóng thành tập san lưu trên thư viện để lan tỏa sâu rộng hơn tình yêu với sách và các giá trị, lối sống đẹp đến học sinh nhà trường…
Giang Quân
Bình luận (0)