Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Xử phạt là biện pháp cuối cùng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông là biện pháp bảo vệ an toàn tốt nhất

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM tại buổi báo cáo sơ kết thực hiện giai đoạn 1 chiến dịch “Trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm (MBH)” và tiếp tục kế hoạch cho giai đoạn 2. Theo ông Tường, “cần nhất là tuyên truyền, nâng cao ý thức phụ huynh học sinh (PHHS) đội MBH cho con khi tham gia giao thông. Cưỡng chế xử phạt chỉ là biện pháp răn đe cuối cùng”.
Còn khoảng 30% trẻ chưa được đội MBH
Buổi báo cáo sơ kết thực hiện giai đoạn 1 chiến dịch “Trẻ em cũng phải đội MBH” và tiếp tục kế hoạch cho giai đoạn 2 do Sở GD-ĐT, Ban ATGT quốc gia phối hợp với Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) tổ chức vừa qua. Sau 4 tháng thực hiện giai đoạn 1, từ ngày 1-9 đến 31-12-2012, người dân, đặc biệt là PHHS đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức sự cần thiết phải đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông. Hành động này thể hiện ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông, đồng thời tự bảo vệ an toàn cho trẻ, giảm thiểu thương tích khi xảy ra tai nạn. Cụ thể, tỉ lệ trẻ được trang bị MBH đã nâng cao về chất lượng và số lượng. Tại các tuyến đường CSGT chốt chặn thì có trên 50% trẻ được đội MBH; tại các trường tiểu học tăng từ 22% lên 50%; riêng 5 quận trọng điểm là Q.1; Q.9; Q.12; Q.Bình Thạnh; Q.Bình Tân, con số này đạt 60-70%.
Có thể nói hầu hết công tác tuần tra kiểm soát được thực hiện khá tốt; công tác tuyên truyền được các cơ quan nhắc nhở, triển khai trước khi thực hiện công tác cưỡng chế đã tạo sự đồng thuận tích cực đối với PHHS.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được thì tình trạng PHHS không chấp hành vẫn còn, mặc dù đã được lực lượng CSGT, nhà trường kiểm điểm, nhắc nhở, xử lý. Một số PH đã không đưa đón con em trước cổng trường để tránh bị ghi hình; tránh chốt CSGT; tìm cách đối phó với các lực lượng chức năng; chưa quan tâm đến quy chuẩn của MBH; hay một số PH ngại mất thời gian, tốn kém kinh tế; hiểu thiếu chính xác và nhầm lẫn độ tuổi quy định phải đội MBH…
Ông Nguyễn Duy Thành, đại diện cha mẹ HS Trường TH Phước Long B (Q.9) cho biết: “Nhiều HS đến trường thì đội MBH đó nhưng ra ngoài nhà trường như đi chơi, đi học thêm… lại không đội”. Còn ông Ngọc Tường nói: “Với kết quả 60-70% trẻ được đội MBH chứng tỏ còn khoảng 30% trẻ chưa được đội. Thậm chí có nơi như huyện như Hóc Môn chỉ 12,7% trẻ được đội MBH khi tham gia giao thông”.
Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thị Kim Thanh cho rằng: “Sở GD-ĐT chưa nắm được cụ thể các trường hợp vi phạm thuộc trường nào, quận nào. Hầu hết các trường hợp vi phạm gửi về sở chỉ ghi chung chung, vì thế công tác thực hiện xử lý chưa thực sự sát sao, hiệu quả cao”. Còn theo ông Trần Quốc Hùng, Ủy viên chuyên trách Ban ATGT TP thì, một phần do mức xử phạt còn thấp, chưa đủ răn đe; sự phối hợp giữa CSGT và nhà trường trong xử phạt chưa chặt chẽ; việc tuyên truyền mang tính phong trào, chưa thực hiện thường xuyên, liên tục.
Với những hạn chế tồn đọng trên, qua 4 tháng thực hiện, còn đến hơn 5.000 trường hợp vi phạm quy định đội MBH bị Công an thành phố xử phạt. Trong đó Q.1 là 1.128 trường hợp; Q.9 là 367 trường hợp; Q.12 là 503 trường hợp; Q.Bình Thạnh là 212 trường hợp và Q.Bình Tân là 669 trường hợp.
Nâng cao ý thức của mỗi PHHS
Để thực hiện cho giai đoạn 2, chiến dịch “Trẻ em cũng phải đội MBH”, lực lượng CSGT của PC67 và công an các quận-huyện tiếp tục tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tất cả 24 quận-huyện, tập trung tại 3 quận huyện trọng điểm là Q.9, Q.Gò Vấp và huyện Hóc Môn. Thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2013, và có thể kéo dài hết năm. Còn Quỹ AIP vẫn tiếp tục chung tay tổ chức các hoạt động tuyên truyền… Làm sao nâng tỷ lệ trẻ đội MBH khi tham gia giao thông trên địa bàn thành phố đạt từ 70% trở lên.
Ông Tường cho biết: “Nói là thực hiện trọng điểm tại 3 quận huyện không có nghĩa các quận-huyện khác thực hiện không nghiêm ngặt. Công việc đòi hỏi tất cả phải chung tay thực hiện. Đặc biệt vai trò nhà trường tuyên truyền nâng cao ý thức đến PHHS, HS là hết sức quan trọng. Nên thực hiện thường xuyên, xuyên suốt”.
Biện pháp tuyên truyền là tổ chức thông tin chuyên đề về sự cần thiết và lợi ích của MBH; phát hành tờ gấp thông tin cho PH và HS; lắp đặt panô tuyên truyền; phát sóng phim tài liệu, phim tuyên truyền với các thông điệp về đội MBH. Ông Nguyễn Kim Quý (Ban đại diện cha mẹ HS Trường THCS Trường Sơn, Q.Gò Vấp) chia sẻ: “Khi thấy được vai trò của  việc đội MBH, thì dù có đi xa, đi gần, họ đều không quên đội mũ cho con. Nhà trường nên trình chiếu các thước phim tư liệu, video clip phóng sự về hậu quả các vụ tai nạn giao thông. Hình ảnh trực tiếp, chân thật, nhiều cảm xúc khiến PHHS xem xong có thể nghĩ ngay đến con mình mà không quên trách nhiệm. Còn HS thấy được hậu quả của sự việc mà tự bản thân không quên đội MBH”.
Nhiều ý kiến khác đã đồng tình ý kiến ông Quý và cho rằng nên chiếu những thước phim này vào các buổi họp PHHS, các buổi sinh hoạt dưới cờ, ngoài giờ cho HS. Công việc vừa tập trung, vừa hiệu quả. PH Nguyễn Duy Thành bổ sung: “Nên tuyên truyền thêm đến từng cụm dân cư vì sẽ có một số bộ phận dân cư chưa được tuyên truyền. Đồng thời làm thêm video về tác dụng đội MBH có chất lượng sẽ giảm thương tích nếu chẳng may xảy ra tai nạn để PHHS, HS hiểu đầy đủ hơn về tác dụng của MBH”.
Về vấn đề này, bà Kim Thanh cho biết: “Các phòng giáo dục nên phân biệt rõ nội dung, chương trình đã triển khai. Cần tiếp tục tuyên truyền, gợi ra nhiều giải pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác đội MBH cho con trong mỗi PHHS. Sở sẽ chọn giải pháp hết sức ý nghĩa làm cơ sở cho giai đoạn 2; tìm ra những điểm làm được, chưa làm được để rút kinh nghiệm. Đơn vị nào làm tốt sẽ được khen thưởng… Tuy nhiên, khi làm chúng ta cần xuất phát từ ý thức tự giác hơn là nhận trách nhiệm và kết quả”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết: “Cưỡng chế xử phạt chỉ là biện pháp cuối cùng. Bởi việc xử phạt đôi khi làm ảnh hưởng đến giờ giấc học tập của HS. Chưa kể, hiện nay lực lượng CSGT còn gặp không ít khó khăn trong việc xác định độ tuổi của trẻ để xử lý, gây khó khăn cho cả hai bên. Không ai mong muốn điều này cả. Mục đích chính là mong muốn PH thấy được vai trò việc đội MBH là để bảo vệ an toàn cho con mà thực hiện tốt hơn”. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)