Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan chức năng đã bắt giữ và xử phạt nhiều đối tượng có hành vi vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã. Với bản án tù cho thấy cơ quan chức năng đã xử phạt nghiêm khắc, từ đó hướng tới mục tiêu dẹp sạch tình trạng mua bán động vật hoang dã trái phép ở nước ta.
Tang vật của đối tượng Hoàng Văn Hảo bị thu giữ
Bất chấp tái diễn vi phạm
Đầu tháng 7, Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã tuyên phạt đối tượng Nguyễn Văn Tắt (sinh năm 1985, trú tại ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, huyện Kiến Tường, tỉnh Long An) 2 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trước đó, Công an quận Phú Nhuận đã bắt giữ đối tượng Tắt do có hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép 13 cá thể rùa răng. Đáng chú ý, tháng 4-2023, đối tượng Tắt đã bị Công an tỉnh Tây Ninh xử phạt vi phạm hành chính 37.500.000 đồng cũng vì hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép 122 cá thể rùa các loại. Năm 2019, đối tượng này cũng đã bị phát hiện và tịch thu 2 cá thể rùa khi đang bán rong trên đường tại TP.HCM.
Đối tượng Hoàng Văn Hảo bị tuyên án 10 năm tù
Đối tượng Tắt được biết đến là một “đầu nậu” lớn chuyên cung cấp rùa cho các đối tượng bán rong rùa trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM trong một thời gian dài. Mặc dù từng nhiều lần bị phát hiện, bị xử phạt vi phạm hành chính cho hành vi vận chuyển, buôn bán rùa trái phép nhưng đối tượng này vẫn bất chấp tái diễn vi phạm vì lợi ích bất chính. Bản án 2 năm tù lần này dành cho đối tượng Tắt là hồi chuông cảnh tỉnh cho đối tượng này cũng như các đối tượng vẫn ngang nhiên coi thường pháp luật về việc vận chuyển mua bán trái phép động vật hoang dã khác.
Theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong năm 2023, số lượng cá thể rùa bị nuôi nhốt, buôn bán hay được tự nguyện chuyển giao là 980 cá thể. Riêng rùa răng, tang vật của vụ án trên là loài động vật hoang dã được liệt kê trong nhóm IIB – Danh mục loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 6-2019/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP) và Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Các hành vi vi phạm như săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép loài này hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận, sản phẩm của chúng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính tùy theo giá trị tang vật và một số yếu tố khác.
Xử phạt nghiêm khắc
Bên cạnh rùa, ngà voi cũng bị nhiều đối tượng mua bán trái phép. Ngày 18-7, Tòa án nhân dân TP.Hải Phòng xét xử đối tượng Hoàng Văn Hảo 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Ngoài bản án 10 năm tù, đối tượng Hảo cũng bị phạt bổ sung 50.000.000 đồng và toàn bộ tang vật của vụ án sẽ được tiêu hủy.
Đối tượng Nguyễn Văn Tắt làm việc với cơ quan công an
Chỉ trong vòng 5 năm (2019-2023), ENV đã ghi nhận 2.037 vụ vi phạm liên quan đến ngà voi với 4.864 vi phạm (một vụ vi phạm có thể bao gồm nhiều vi phạm đơn lẻ), cao hơn nhiều so với 662 vụ (với 1.777 vi phạm) được ghi nhận trong giai đoạn 5 năm trước đó (2014-2018). |
Bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV cho biết, trước đó Công an TP.Hải Phòng phối hợp với các đơn vị có liên quan đã kiểm tra hai container có dấu hiệu nghi vấn và thu giữ 615kg ngà voi được trà trộn với sừng bò châu Phi. Đơn vị nhận hàng là Công ty cổ phần Kỹ thuật HMD (địa chỉ: Đội 6, thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) do đối tượng Hoàng Văn Hảo là người đại diện theo pháp luật. Thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín được biết đến là một trong những “điểm nóng” về hoạt động nhập lậu ngà voi, sừng tê giác từ các nước châu Phi về Việt Nam. Việc trà trộn các mặt hàng động vật hoang dã bị cấm với các loại hàng hóa hợp pháp như sừng bò châu Phi cũng là một cách thức nhiều đối tượng lợi dụng để nhập lậu ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê về Việt Nam.
Trong thời gian qua, với lợi thế vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, chi phí thấp và rủi ro bị phát hiện và xử lý còn chưa cao, nhiều đối tượng đã sử dụng đường hàng hải để vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên quốc gia. ENV đã ghi nhận nhiều vụ án các cơ quan chức năng phát hiện hàng tấn động vật hoang dã bị các đường dây vận chuyển trái phép cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Cát Lái (TP.HCM), các cảng tại Hải Phòng và một số cảng biển khác. Tuy nhiên, rất ít các vụ án phát hiện tại khu vực cảng biển đã được đưa ra xét xử. Do đó, việc cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hải Phòng bắt giữ, truy cứu trách nhiệm hình sự và đưa ra xét xử thành công đối tượng cầm đầu hoạt động nhập lậu động vật hoang dã qua đường hàng hải như đối tượng Hảo là một bước tiến quan trọng. Vụ án này cũng là vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã đầu tiên phát hiện tại cảng Hải Phòng có đối tượng bị bắt giữ và được đưa ra xét xử.
Theo bà Hà, ENV rất hoan nghênh nỗ lực điều tra, truy tố, xét xử vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hải Phòng, đặc biệt là bản án nghiêm khắc này của Tòa án nhân dân TP.Hải Phòng với đối tượng Hoàng Văn Hảo. ENV hy vọng nỗ lực tuyệt vời của các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hải Phòng trong việc xử lý thành công vụ án này cũng sẽ “mở đường” cho việc xử lý các đối tượng cầm đầu những vụ án nghiêm trọng về động vật hoang dã khác phát hiện tại cảng Hải Phòng và các cảng biển khác tại Việt Nam trong những thời gian tới. “Với hành động cương quyết với tội phạm về động vật hoang dã của các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng, ENV tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể triệt phá thành công được các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên quốc gia”, bà Hà kỳ vọng.
Kiều Khánh
Bình luận (0)