Ngoại tình đang dần trở thành nỗi nhức nhối của nhiều gia đình trong xã hội hiện đại. Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về việc xử phạt ngoại tình sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2016.
Hôn nhân được xây dựng trên nền tảng của trách nhiệm, sự tin cậy từ hai phía (ảnh mang tính chất minh họa) |
Khó xử lý
Mới đây, vụ án Trần Đình Thịnh (người đã lạnh lùng sát hại vợ là chị Q.T.T và tình địch là T.V.L) đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang ngoại tình. Phút cuồng ghen của người chồng bị phản bội đã đẩy hai gia đình vào những bi kịch đau lòng. Án tử hình dành cho Trần Đình Thịnh là mức án hợp lý về tội danh “Giết người”. Tuy nhiên, nhiều người đồng cảm, chia sẻ với tâm trạng của Thịnh khi có người vợ ngoại tình. Từ ngày 1-7-2016, quy định về việc xử phạt ngoại tình sẽ chính thức có hiệu lực. Xung quanh quy định này đã có không ít tranh cãi về tính khả thi trong thực tế.
Theo quy định này, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Sẽ rất khó để xác định như thế nào là ngoại tình và chung sống như vợ chồng vì các bên sẽ không thừa nhận. Tuy nhiên, hành vi phải dẫn đến hậu quả là một trong vợ hoặc chồng phải ly hôn. Điều này rất ít vì văn hóa Việt Nam còn hạn chế việc này. Vấn đề bị xử lý hành chính cũng khó khăn vì vi phạm chế độ một vợ một chồng chưa có hướng dẫn rõ. Do vậy, khi bắt quả tang các hành vi ngoại tình thì công an cũng khó mà lập biên bản vì rõ ràng các bên có sự tự nguyện và không có nhiều thời gian để xác minh việc vi phạm. Do đó, để xác định hành vi vi phạm cũng rất gian nan bởi việc thu thập chứng cứ thuyết phục đôi khi rất khó khăn. Hầu hết những đối tượng khi có hành vi ngoại tình đều tìm cách xóa bỏ bằng chứng”.
Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) quy định: Theo đó, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: + Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn. + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. – Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: + Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát. + Đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. |
Có thể thấy, ngoại tình là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình tan vỡ. Tuy nhiên, thực tế rất ít người vợ (hoặc chồng) khi viết đơn ly hôn lại nêu rõ lý do vì người kia ngoại tình. Điều này có thể dễ hiểu bởi họ e ngại những vấn đề về tâm lý cho các con, sợ sự gièm pha của bà con, hàng xóm. Do đó, hầu hết các vụ ngoại tình là lén lút và đa phần các trường hợp ngoại tình khi bị phát hiện đều được xử lý trong nội bộ, ít khi được công khai cho các cơ quan chính quyền. Thế nên, để xử lý tội ngoại tình là vấn đề không hề đơn giản.
Còn hạn chế
Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Quy định tại điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 không có gì mới so với Bộ luật Hình sự 1999. Khó có thể đưa điều luật này đi vào cuộc sống và gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi tiếp nhận, giải quyết vụ việc bởi các chứng cứ cho hành vi “chung sống như vợ chồng với người khác” rất khó chứng minh. Quy định này có nêu “làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn” còn khá mập mờ, bất hợp lý vì nhiều cặp vợ chồng có thể đã có những rạn nứt từ trước chứ không phải do người thứ ba là nguyên nhân chính tác động, phá vỡ hạnh phúc gia đình”.
Có nhiều lý do để dẫn đến ngoại tình. Việc ngoại tình đã làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của nhiều gia đình. “Theo tôi, ý nghĩa của tội danh này là để phòng ngừa chung và để cho công dân có ý thức trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình và hạn chế phần nào các mối quan hệ ngoài vợ ngoài chồng mà bất cứ xã hội nào cũng gặp phải. Quy định này không quy định cụ thể thế nào là chung sống như vợ chồng, thế nào là hậu quả nghiêm trọng, đồng thời, các nghi ngờ về ngoại tình cũng vốn rất khó chứng minh nên việc xử phạt người ngoại tình có vẻ khó thực thi trong thực tế. Chỉ có tòa án lương tâm mới có thể xử lý triệt để”, chị Nguyễn Thúy Anh (Q.3) chia sẻ.
Có nhiều biện pháp để bảo vệ hôn nhân, gia đình khi cả hai vợ chồng cùng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình. Xung quanh vấn đề để quy định này đi vào thực tiễn vẫn còn khá nhiều tranh cãi. Thiết nghĩ, điều luật phải được cụ thể hóa hơn nữa thì mới có thể đi vào đời sống, bảo vệ được các mối quan hệ hôn nhân hợp pháp, bảo vệ được hạnh phúc của các gia đình bằng pháp luật.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)