Vấn đề ngoại tình không chỉ là nỗi đau của gia đình mà còn là của xã hội. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của người ngoại tình mà họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bị kiện vì… ngoại tình
TAND Q.5, TP.HCM vừa nhận đơn kiện của bà Nguyễn Thanh Hoa (Q.5). Điều đáng nói là bà Hoa làm đơn kiện chồng mình vì tội… ngoại tình. Vợ chồng bà kết hôn được 10 năm và có hai con nhỏ. Gần đây, bà nghe tin đồn về việc chồng có quan hệ với một phụ nữ khác. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi một người bạn của bà kể lại chi tiết về việc thấy chồng bà đi cùng người phụ nữ đó. Tuy nhiên, khi bà Hoa đưa ra chứng cứ thì chồng lại cho rằng chứng cứ không rõ ràng bởi mối quan hệ đó chỉ là bạn bè thân thiết. Theo quy định về xử phạt hành chính, tại khoản 1 điều 48 nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người thực hiện một trong các hành vi sau: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ… Tuy nhiên thực tế, để có chứng cứ người khác có hành vi “ngoại tình” là rất khó. Để có thể thu thập chứng cứ về hành vi ngoại tình của chồng, bà La Kim Ánh (Q.8) đã vất vả bao ngày thuê thám tử tư theo dõi chồng, thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, chứng cứ đó lại chưa đủ sức thuyết phục. Khi sự việc được làm rõ, những hình ảnh thân mật của chồng bà với người phụ nữ kia chỉ là mối quan hệ đồng nghiệp xã giao khiến bà rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.
Hạnh phúc gia đình phải được xây dựng từ hai phía (ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Cách đây không lâu, ông Vũ Hoàng Minh (Q.3) gửi đơn lên TAND Q.3 để kiện vợ mình là bà Trần Kim Oanh về tội ngoại tình. Trong đơn, ông Minh nêu rõ lý do, có đầy đủ chứng cứ mà ông Minh cho rằng rất thuyết phục. Khi ông gửi đơn kiện cũng là lúc hạnh phúc gia đình tan vỡ. Chỉ vài tháng sau, họ đưa nhau ra tòa ly dị bởi theo bà Oanh, bà đã bị xúc phạm nặng khi chính người mình yêu thương đã nghi ngờ, cho người theo dõi mình.
Nói dễ, làm khó
Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, vấn đề ngoại tình bị pháp luật ngăn cấm nhưng không có quy định nào về việc một bên đòi bên kia bồi thường thiệt hại về tinh thần do hành vi ngoại tình gây ra. Do đó, để giải quyết vấn đề ngoại tình, những quy định pháp luật chỉ mang tính chất răn đe, còn các phương án xử lý vẫn là nhờ vào sự tác động chính của cơ quan đoàn thể, gia đình, họ hàng.
Ngoài quy định về xử phạt hành chính, pháp luật cũng có quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người có hành vi chung sống như vợ chồng với người khác. Việc này có thể có dấu hiệu của tội phạm hình sự về tội: Vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo quy định tại điều 147 Bộ luật Hình sự. Theo luật sư Võ Đan Mạch, đoàn luật sư TP.HCM, “Đã có nhiều trường hợp vợ chồng đưa nhau ra tòa kiện nhau vì tội ngoại tình. Việc xử phạt hành chính gần như chỉ mang tính chất răn đe. Tội ngoại tình không như những tội phạm khác là có thể bỏ tù hay hưởng án treo nên cũng rất khó xử phạt được họ. Theo như quy định tại nghị định 110, để xác định hành vi vi phạm cũng rất gian nan bởi việc thu thập chứng cứ thuyết phục đôi khi rất khó khăn. Hầu hết những đối tượng khi có hành vi ngoại tình đều tìm cách xóa bỏ bằng chứng”.
Gia đình bền vững, ổn định cũng là một thành tố rất quan trọng để xã hội phát triển. Có nhiều biện pháp để bảo vệ hôn nhân, gia đình khi cả hai vợ chồng cùng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, khi vợ hoặc chồng có dấu hiệu không chung thủy với nhau, có quan hệ ngoại tình thì cần có sự nhắc nhở, khuyên bảo của họ hàng, cơ quan đoàn thể… để họ nhận ra giá trị của hạnh phúc gia đình mình đang nắm giữ trong tay. “Để những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống thì điều khoản phải được quy định rõ ràng, chế tài phải đủ mạnh mới có thể thực thi. Đối với nhiều đối tượng vi phạm, việc xử phạt hành chính từ 1-3 triệu đồng cho hành vi ngoại tình dường như chưa đủ sức răn đe. Để thực hiện tốt việc xử lý vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, các tổ chức chính trị, xã hội giữ vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục”, luật sư Võ Đan Mạch nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)