Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08 CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong tình hình mới” do Sở Y tế TP.HCM tổ chức chiều 30-5.
Theo báo cáo, tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tại TP.HCM giảm mạnh từ năm 2011-2015. Nếu năm 2011 có 8 vụ với 850 người bị NĐTP thì năm 2015 có 6 vụ với 268 người bị NĐTP. 5 năm qua trên địa bàn thành phố đã xảy ra 26 vụ với hơn 2.300 người bị NĐTP. TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, thiết lập hệ thống quản lý và giám sát thực phẩm xuyên suốt từ khâu sản xuất đến tiêu dùng.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM – cho biết: “Đến nay TP đã cấp 96 giấy chứng nhận cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế vào chuỗi cho 55 cơ sở thuộc địa bàn TP và 11 tỉnh lân cận với tổng sản lượng hơn 45 ngàn tấn/năm…”.
Mặc dù công tác đảm bảo ATVSTP đã đạt được những thành quả nhất định nhưng TP.HCM vẫn đứng trước nhiều thách thức và khó khăn lớn. Hiện thành phố có hơn 3.600 bếp ăn tập thể và 124 cơ sở sản xuất thức ăn sẵn. Ngoài ra, còn có hơn 2.000 cơ sở sản xuất thức ăn đường phố với trên 25.000 người tham gia. Ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – phân tích: “Số lượng cơ sở kinh doanh lớn như vậy đặt ra những thách thức không nhỏ. Hơn nữa hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đang hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu quản lý. Các thông tư ban hành từ năm 2012 về quản lý ATVSTP vẫn chưa hoàn thiện. Nhân sự chuyên trách trong công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP tại các quận, huyện, phường, xã còn thiếu và kiêm nhiệm nên gặp rất nhiều khó khăn”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Chiêu – Trưởng phòng Y tế, Q.Tân Phú – chia sẻ: “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATVSTP chưa đầy đủ và chưa thống nhất, không rõ ràng nên thiếu cơ sở pháp lý để xử lý các vấn đề về ATVSTP như thiếu các quy chuẩn kỹ thuật dành cho các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, sản phẩm thực phẩm…”. Ngoài ra, ông Chiêu và nhiều đại biểu khác cho rằng, chế tài xử phạt vi phạm các quy định về ATVSTP còn quá nhẹ, mức xử phạt thấp, chưa có quy định cụ thể về xử lý hình sự đối với các vụ việc nghiêm trọng. Việc chồng chéo trong công tác quản lý và kiểm tra giữa các cơ quan quản lý về ATVSTP đã phần nào gây phiền hà cho các cơ sở bị kiểm tra và khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng.
Hà Xuyên
Bình luận (0)