Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Xu thế chọn nghề của học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Theo khảo sát của một số đơn vị dự báo nhân lực, trong năm 2014, số lượng học sinh chọn học nhóm ngành kinh tế – tài chính đã giảm hẳn so với những năm trước đó.

Năm 2014, nhu cầu HS chọn nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ có xu hướng tăng nhẹ – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Kinh tế giảm, kỹ thuật tăng nhẹ
Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM vừa công bố số liệu phân tích thị trường lao động năm 2014 và dự báo nhân lực năm 2015 tại TP.HCM. Theo đó, số liệu khảo sát tại 47 trường THPT trên địa bàn thành phố năm 2014 cho thấy đa số học sinh (HS) THPT có xu hướng quan tâm tìm hiểu về các nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ và kinh tế – tài chính. Tuy nhiên, so năm 2013, năm 2014 tỷ lệ HS có nhu cầu chọn nhóm ngành kinh tế – tài chính giảm từ 30,43% (năm 2013) xuống 25,77% (năm 2014). Nhu cầu HS chọn nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ có xu hướng tăng nhẹ từ 31,24% (năm 2013) lên 31,33% (năm 2014). Với nhóm ngành sư phạm – quản lý giáo dục, nhu cầu HS chọn học tăng từ 10,80% lên 16,59%. Một số nhóm ngành nghề nghệ thuật – thể dục thể thao, khoa học tự nhiên, nông – lâm – ngư cũng có xu hướng giảm.
Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc trung tâm, số liệu này cho thấy tình trạng HS chủ yếu thích đăng ký theo học các nhóm ngành kinh tế – tài chính đã giảm hẳn so với mọi năm. Thay vào đó, nhu cầu tăng trong các nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ, sư phạm – quản lý giáo dục, y dược, khoa học xã hội – nhân văn. Đây là điều đáng mừng và chứng tỏ công tác tư vấn, truyền thông về định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông tại thành phố tiếp tục thực hiện đạt được hiệu quả và chất lượng, làm thay đổi được phần nào suy nghĩ trong việc chọn nghề của HS.
Nhu cầu cao lao động có tay nghề
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 1.10.2014, lực lượng lao động cả nước là 54,4 triệu người, tăng 583,2 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2013; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 47,8 triệu người, tăng 121,2 nghìn người. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 9 tháng năm nay là 2,12% (năm 2013 là 2,2%). Như vậy, có thể thấy tình trạng thất nghiệp vẫn chưa có chuyển biến tốt.
Tại TP.HCM, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật (có bằng cấp) tăng hằng năm. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động nhóm này lại tăng không đáng kể và ít hơn lực lượng khác. Cụ thể, năm 2014, nhu cầu lao động có trình độ trên ĐH – ĐH – CĐ chiếm 32,12%, trong khi nhu cầu đối với người chưa qua đào tạo chiếm 32,64%, đối với lao động có trình độ sơ cấp nghề – công nhân kỹ thuật – trung cấp chiếm 35,24%.
Đến năm 2015, theo dự báo, nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn được sắp xếp từ cao xuống thấp: chưa qua đào tạo (30,69%), trung cấp (22%), CĐ (16,61%), ĐH (15,78%)…
Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng cho rằng nguồn lao động là lực lượng sinh viên, học viên mới tốt nghiệp thiếu các yếu tố cho quá trình hội nhập (trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp và ngoại ngữ).
Trước đó, theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, có khoảng 162,4 nghìn người có trình độ từ ĐH trở lên đã mất việc làm trong quý 1/2014, tăng 4,3 nghìn người so với quý 4/2013. Con số thất nghiệp của người có trình độ CĐ là 79,1 nghìn, tăng 7,5 nghìn người so với cuối năm ngoái.
Đối diện với AEC
Năm 2015, VN sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Các nước thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Việc này một mặt tạo cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng, song mặt khác lại đặt ra những thách thức lớn cho lao động thiếu kỹ năng.
Báo cáo “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện và công bố vào tháng 9.2014, cho biết các nước ASEAN cho phép lao động thuộc 8 ngành (kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch) được quyền di chuyển tìm việc làm sau khi AEC hình thành thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Đây là những lao động thuộc nhóm lao động có chất lượng, được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ ĐH trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn, trong năm 2015 sự dịch chuyển sẽ không ồ ạt. Chủ yếu các công ty nước ngoài chỉ hút chất xám nhân lực cao. Chúng ta sẽ có thuận lợi khi có nhiều nhân lực thừa ra do tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ tham gia tiến trình này. Sau đó khoảng 1 – 2 năm, khi ổn định nhân lực thì mới tăng lưu chuyển lao động.
Riêng tại TP.HCM, năm 2015 cần khoảng 265.000 lao động. Tuy nhiên, số lượng này sẽ phải chia sẻ với lao động các nước khi họ tràn vào VN thông qua AEC. Trong khi đó, các đơn vị đào tạo lại chưa quan tâm đúng mức đến điều này. Theo các chuyên gia, sự chậm chân đó khiến lao động VN thêm khó khăn tìm việc trong năm 2015.
Hiện tại có 3 vấn đề thách thức của nguồn nhân lực VN là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp. Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động nhưng cũng đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác như khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, báo cáo, tìm hiểu và xử lý thông tin, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả.
Năm 2015, tăng yêu cầu về lao động chất lượng, trình độ

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, xu hướng năm 2015 và các năm tới, thị trường lao động tiếp tục tăng nhanh phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh so với các năm trước, nhiều nhân viên có trình độ, kỹ năng có thể được tuyển chọn nhằm phục vụ cho chiến lược mở rộng quy mô sản xuất và phát triển các dây chuyền công nghệ.
Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao năm 2015: nhân viên kinh doanh – quản lý – bán hàng – nhân sự (25,18%), dịch vụ phục vụ (14,5%), điện tử – công nghệ thông tin (10,04%)…

Đăng Nguyên
(TNO)


Bình luận (0)